Người đã tiêm vacine Covid-19 ít có nguy cơ tử vong và lây cho cộng đồng
Người đã tiêm vacine Covid-19 ít có nguy cơ tử vong và lây cho cộng đồng
Chuyên gia cho rằng, những người đã tiêm vaccine phòng Covid-19 rất hiếm có trường hợp tử vong và ít nguy cơ lây cho cộng đồng
Đã tiêm vacine Covid-19 hiếm có trường hợp tử vong và ít nguy cơ lây cho cộng đồng
Trước diễn biến nhanh chóng của dịch Bộ Y tế đang nỗ lực tiếp cận các nguồn vaccine để bảo đảm từ nay đến cuối năm 2021 sẽ tiêm đủ 70% dân số Việt Nam nhằm tạo miễn dịch cộng đồng.
Để hiểu hơn về những giá trị mà việc tiêm chủng vacine mang lại khi dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, các chuyên gia dịch tễ khẳng định, tiêm vaccine Covid-19 sẽ làm giảm triệu chứng mắc bệnh nặng cũng như giảm tỷ lệ tử vong.
Người dân tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại TP. Hà Nội
Các chuyên gia y tế cho rằng, tốt nhất người dân nên tiêm phòng sớm để tránh nguy cơ mắc Covid-19, giảm sự lây nhiễm cho những người dễ tổn thương trong cộng đồng và giảm đáng kể các triệu chứng nghiêm trọng. Càng nhiều người được tiêm vaccine, cộng đồng càng được miễn dịch tốt hơn, đẩy nhanh việc kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19.
PGS, TS Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết: “Tiêm vaccine là cơ hội để chủ động phòng bệnh cho chính mình và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Nếu như chúng ta sợ tác dụng phụ của vaccine này, rồi chờ đợi một loại vaccine khác để tiêm chính là một rủi ro lớn nhất. Tiêm vaccine phòng Covid-19 là cơ hội, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm”, PGS, TS Trần Đắc Phu nói.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Tổng Thư ký Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam chia sẻ:
Thứ nhất, không có một loại vaccine nào phòng ngừa được 100%.
Thứ hai, trên thế giới, tất cả công trình nghiên cứu, theo dõi sau tiêm vaccine hơn một năm qua, với người đã được tiêm vaccine khi không may nhiễm SARS-CoV-2 thì triệu chứng nhẹ hơn người chưa tiêm. Tỉ lệ tử vong với người đã được tiêm thấp hơn rất nhiều (rất hiếm tử vong) với người chưa được tiêm vaccine.
Thời gian qua một số cán bộ được tiêm vaccine nhưng vẫn nhiễm SARS-CoV-2, những ca này có tải lượng virus rất thấp, không có triệu chứng lâm sàng, vì vậy nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng cũng thấp hơn. Vì thế, việc tiêm vaccine là cần thiết.
12 dấu hiệu cảnh báo cơ thể nhiễm SARS-CoV-2
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, thời gian ủ bệnh là 2 – 14 ngày, trung bình 5 – 7 ngày. Mới đầu, người bệnh có thể thấy sốt, ho khan, mệt mỏi, đau họng. Một số trường hợp có biểu hiện rối loạn khứu giác hoặc tê lưỡi..
Trong giai đoạn toàn phát và diễn biến, hầu hết các bệnh nhân chỉ bị sốt nhẹ, ho, mệt mỏi và không bị viêm phổi và tự hồi phục sau một tuần. Một số trường hợp có viêm kết mạc, dấu hiệu viêm đỏ đầu ngón chân…
Một số trường hợp có thể viêm phổi, viêm phổi nặng, diễn tiến tới suy hô hấp cấp nặng sốc nhiễm trùng, rối loạn thăng bằng kiềm – toan, rối loạn đông máu, trầm cảm, rối loạn tâm lý, suy chức năng các cơ quan dẫn đến tử vong. Tử vong xảy ra nhiều hơn ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc bệnh mạn tính kèm theo.
Sau giai đoạn toàn phát 7 – 10 ngày, nếu không có hội chứng hô hấp cấp tiến triển ARDS, bệnh nhân sẽ hết sốt, các dấu hiệu lâm sàng dần trở lại bình thường và khỏi bệnh.
Ở trẻ em, đa số trẻ mắc Covid-19 có biểu hiện lâm sàng nhẹ hơn người lớn, hoặc không có triệu chứng. Các dấu hiệu thường gặp ở trẻ em là sốt và ho, hoặc biểu hiện viêm phổi nặng dẫn tới tử vong. Tuy nhiên một số trẻ mắc Covid-19 có tổn thương viêm đa cơ quan giống bệnh Kawasaski: sốt; ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc, hoặc phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân; suy tuần hoàn; biểu hiện tổn thương chức năng tim và tăng men tim; rối loạn tiêu hóa; rối loạn đông máu và tăng các chỉ số viêm cấp.
Theo đó, 12 dấu hiệu cụ thể có thể nhận biết được cơ thể nhiễm SARS – Cov2 gồm:
– Ho
– Sốt (trên 37,5 độ C)
– Đau đầu
– Đau họng, rát họng
– Sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi
– Khó thở
– Đau ngực, tức ngực
– Đau mỏi người, đau cơ
– Mất vị giác
– Mất khứu giác
– Đau bụng, buồn nôn
– Tiêu chảy
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ