Nhớ Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Thị Ngọc Liên: Thủ trưởng nữ mạnh mẽ và quyết đoán

Nhớ Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Thị Ngọc Liên: Thủ trưởng nữ mạnh mẽ và quyết đoán

Minh Yến- Tĩnh Tâm –  Thứ hai, 22/11/2021 17:12 (GMT+7)

Mặc dù thời gian công tác với Phó Tổng Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ) Nguyễn Thị Ngọc Liên (còn gọi thân thiết là chị Hai Liên) không dài nhưng chị Hai Liên đã để lại những ấn tượng sâu sắc về một Lãnh đạo nữ đầu tiên của ngành Thanh tra.

Nhân kỷ niệm 76 năm thành lập Ngành Thanh tra Việt Nam 23/11/1945-23/11/2021.

Phó Tổng Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ) Nguyễn Thị Ngọc Liên đã để lại những ấn tượng sâu sắc về một Lãnh đạo nữ đầu tiên của ngành Thanh tra gần gũi, chân tình, nghĩa hiệp nhưng lại rất mạnh mẽ và quyết đoán. 

tm-img-alt
Phó Tổng TTNN Nguyễn Thị Ngọc Liên phát biểu chỉ đạo

Tôi còn nhớ vào khoảng giữa năm 1998, trong buổi làm việc của Phó Tổng Thanh tra Nhà nước Nguyễn Thị Ngọc Liên với Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Võ Viết Thanh (anh Bảy Thanh), về việc khiếu nại tranh chấp đất đai của một số hộ dân ở huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh, diễn ra trong không khí khá căng thẳng trong cuộc chiến pháp lý, khi UBND TP.HCM không thống nhất nội dung Quyết định số 558/QĐ-XKT ngày 20/5/1997 của Tổng Thanh tra Nhà nước.

Nội dung vụ việc như sau:

Ông Văn Thế, sinh năm 1919 (có 4 vợ và 9 người con), là chủ sở hữu 39.680m2 tại xã Tân Thới Nhất và xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn. Diện tích đất trên, ông Thế  đã chia cho các con, là ông Nguyễn Xuân Trường, bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, bà Nguyễn Thị Tiếp, bà Nguyễn Thị Em, chỉ giữ lại một phần đất 15.072m2 cùng bà Dung và 2 người con với bà Dung là Nguyễn Kim Hưng, Nguyễn Kim Hoàng, trực tiếp quản lý, sử dụng. Sau đó, ông Thế, bà Dung có cho gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Mai mượn 1.000m2 tại xã Tân Thới Nhất để trồng hoa màu nhưng ông Thế, bà Mai vẫn nộp thuế nông nghiệp theo quy định.

Ngày 17/11/1989, ông Thế lập chúc ngôn phân chia tài sản , đất đai nhằm hợp lý hóa các tài sản mà ông đã chia cho các con trước đây. Theo đó, Nguyễn Kim Hưng được 4.900m2, Nguyễn Kim Hoàng được 6.000m2, Nguyễn Thị Ngọc Mai được 5.400m2, phần đất còn lại 7.000m2, ông Thế, bà Dung giữ lại, khi ông bà qua đời phần đất trên thuộc về Nguyễn Kim Hưng 3.000m2, Nguyễn Kim Hoàng 4.000m2.

Tuy nhiên, sau khi ông Thế qua đời, bà Nguyễn Thị Ngọc Mai gửi đơn khiếu nại (KN), không chấp nhận chúc ngôn của cha, với lý do đất đai trước đây do bà Hồ Thị Liễu (mẹ bà Mai) mua nhưng để ông Thế đứng bộ. Khi tranh chấp xảy ra, UBND xã Bà Điểm tiến hành hòa giải nhưng không thành, do bà bà Mai yêu cầu được chia phần đất mặt tiền nên vụ việc được chuyển đến UBND huyện Hóc Môn thụ lý theo thẩm quyền.

Ngày 3/12/1990, UBND huyện Hóc Môn ban hành Thông báo số 170/TB- công nhận tính hợp pháp chúc ngôn của ông Thế, công nhận các phần đất được chia theo chúc ngôn cho bà Dung và 2 con là Nguyễn Kim Hưng, Nguyễn Kim Hoàng, không chấp nhận việc đòi đất của bà Mai.

Không đồng ý nội dung Thông báo của UBND huyện Hóc Môn, bà Mai tiếp tục KN. Ngày 19/11/1991, UBND huyện Hóc Môn ban hành Thông báo số 179/TB-UB, lại phủ nhận nội dung Thông báo số 170/TB-UB ngày 3/12/1990 của UBND huyện Hóc Môn, giao 2.700m2 đất tại xã Bà Điểm và 2.300m2 đất tại xã Tân Thới Nhất (thuộc quyền sở hữu của bà Dung) cho bà Mai.

Ngay sau đó, bà Dung và 2 người con của ông Thể- bà Reo, là bà Nguyễn Thị Em, Nguyễn Thị Tiếp, gửi đơn KN đến các cơ quan chức năng. Sau khi tiếp nhận đơn KN, UBND huyện Hốc Môn, Sở Địa chính thành phố, UBND TP.HCM ban hành nhiều quyết định giải quyết KN, với nội dung: công nhận giải quyết của UBND huyện Hóc Môn tại Thông báo số 179/TB-UB ngày 19/11/1991, xác lập quyền quyền sử dụng của bà Mai đối với 2 lô đất 2.700m2 và 2.300m2 mà trước đó, cũng chính UBND huyện Hóc Môn đã xác định quyền sở hữu của bà Dung.

Như vậy, cách giải quyết của UBND huyện Hóc Môn, là không phù hợp với thực tế, không đúng quy định pháp luật, là tiền hậu bất nhất, gây bức xúc trong nhân dân địa phương. Do đó, vụ việc KN của bà Dung được chuyển đến Thanh tra Nhà nước (TTNN) giải quyết.

Kết quả xác minh về nguồn gốc phát sinh tranh chấp, thu thập, thẩm tra chứng cứ, hoàn cảnh, nhân thân của các bên KN, TTNN nhận thấy, việc tranh chấp đất giữa bà Mai và bà Dung thực chất là tranh chấp di sản thừa kế, bà Dung và 2 con Nguyễn Kim Hưng, Nguyễn Kim Hoàng, có đầy đủ các yếu tố pháp lý để tiếp tục được sử dụng 2 lô đất nêu trên theo luật định.

Trong khi đó, lý do duy nhất để bà Mai KN, khi cho rằng bà Hồ Thị Liễu (mẹ bà Mai), bỏ tiền ra mua đất nhưng cho ông Thế đứng bộ, thì lại thiếu những pháp lý cần thiết. Vì vậy, ngày 20/5/1997, Tổng Thanh tra Nhà nước ban hành Quyết định số 558/QĐ-XKT, không công nhận Quyết định giải quyết KN số 3558/QĐ-UB-KT ngày 1/8/1996 của UBND TP.HCM.

Tại Điều 2 của Quyết định 558/QĐ-XKT, TTNN yêu cầu UBND TP.HCM chỉ đạo UBND huyện Hóc Môn thu hồi số đất đã giao cho bà Nguyễn Thị Ngọc Mai; công nhận quyền sử dụng hợp pháp của bà Lê Thị Dung và 2 con là Nguyễn Kim Hưng, Nguyễn Kim Hoàng, đối với diện tích 5.000m2 đất mà bà Nguyễn Thị Ngọc Mai tranh chấp với bà Lê Thị Dung.

Tại buổi làm việc, Phó Tổng Thanh tra Nhà nước Nguyễn Thị Ngọc Liên nêu rõ: Vụ việc này, TTNN đã kiểm tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ khá đầy đủ nên có cơ sở xác định 2 lô đất trên thuộc quyền sử dụng của bà Lê Thị Dung cùng 2 con Nguyễn Kim Hưng, Nguyễn Kim Hoàng. Nếu UBND TP.HCM có căn cứ chứng minh, bác bỏ được Quyết định số 558/QĐ-XKT thì TTNN sẽ hủy bỏ ngay (kể cả xé ngay) Quyết định số 558/QĐ-XKT của Tổng TTNN, đồng thời yêu cầu UBND TP.HCM phải tổ chức thực hiện Quyết định thấu tình đạt lý của Tổng TTNN.

Lúc đó, các thành viên của UBND TP.Hồ Chí Minh, không đưa ra được ý kiến đối đáp, phản hồi nên Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Viết Thanh phải đồng ý với phát biểu của Phó Tổng TTNN Nguyễn Thị Ngọc Liên và hứa sẽ tổ chức triển khai sớm quyết định của Tổng TTNN.

Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Liên, vụ việc này Tổng TTNN chỉ đạo phải kiểm tra, rà soát thật kỹ, thu thập tài liệu chứng cứ, tiếp xúc với người KN và những người có liên quan để có cái nhìn toàn diện, khách quan, đồng thời vận dụng đúng các quy định pháp luật. Khi đã có đầy đủ căn cứ vững chắc thì phải bảo vệ tới cùng nhưng cũng phải có tinh thần cầu thị, nếu không sẽ là người bảo thủ, thấy sai không dám sửa sai- nhất là đối với những người làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Chị Hai Liên ơi, chị đã đi xa nhưng phong cách, bản lĩnh trong chỉ đạo, điều hành, xử lý  tình huống rất linh hoạt, thuyết phục và quyết đoán…của một nữ Phó Tổng Thanh tra đầu tiên của ngành, luôn luôn được cán bộ, thanh tra viên, công chức, viên chức ngành Thanh tra ngưỡng mộ và trân trọng.

tm-img-alt
tm-img-alt
Phó Tổng TTNN trao cờ thi đua cho các cá nhân

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích