Đông Anh (Hà Nội): Nhiều bất cập tại khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Thăng Long
(Xây dựng) – Tình trạng xuống cấp trầm trọng, cho thuê không đúng mục đích, không đúng đối tượng, phải chi phí “lót tay” để được thuê,… là những thực tế đang diễn ra tại khu nhà ở công nhân tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội.
Nhiều đối tượng không phải là công nhân vẫn được thuê nhà tại khu nhà ở công nhân trong khi nhiều công nhân lại không được thuê – Theo phản ánh của người dân. |
Nhiều tồn tại, bất cập
Nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh), Thành phố Hà Nội đã đầu tư dự án thí điểm xây dựng nhà ở công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh giải quyết nhu cầu nhà ở công nhân, giúp họ yên tâm làm việc tại các nhà máy trong Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Dự án có diện tích 20ha, gồm 24 đơn nguyên nhà 5 tầng, 4 tòa nhà 15 tầng, đáp ứng khoảng 11.520 chỗ ở cho công nhân. Dự án được chia thành hai giai đoạn, trong đó giai đoạn một xây dựng 24 đơn nguyên cao 5 tầng với 1.084 phòng, đáp ứng gần 10.000 chỗ ở đối với công nhân chưa có gia đình. Diện tích mỗi phòng ở được thiết kế rộng có sức chứa dao động từ 4 – 20 công nhân/phòng, giường ngủ thiết kế giường tầng, công trình phụ, bếp dùng chung. Đến giai đoạn 2 xây dựng bốn khối nhà cao 15 tầng, với gần 550 căn hộ diện tích trên 50m2, công trình phụ khép kín đáp ứng hơn 2.350 chỗ ở cho đối tượng là công nhân đã có gia đình.
Vách, trần trong phòng tắm căn 1103A (tòa CT1A) bị ẩm, dộp, xuống cấp trầm trọng gây nguy hiểm trong quá trình sinh hoạt hàng ngày của người dân. |
Như vậy, cả hai giai đoạn, 28 tòa nhà đáp ứng được chỗ ở cho khoảng 12.000 công nhân. Đơn vị trực tiếp quản lý dự án là Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội thuộc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Được biết, đây cũng là dự án đầu tiên và duy nhất của cả nước có quy mô lớn khoảng 20ha được xây dựng đồng bộ với đầy đủ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật – xã hội như một khu đô thị lớn nhằm cung cấp chỗ ở ổn định, chất lượng phù hợp giúp công nhân lao động yên tâm làm việc.
Với kỳ vọng ban đầu là giúp người lao động được “an cư” để yên tâm sản xuất trong khu công nghiệp. Vậy nhưng, sau 1 thời gian dài đưa vào sử dụng đã bộc lộ không ít những bất cập cả về công tác quản lý vận hành lẫn chất lượng công trình.
Theo phản ánh của một số công nhân sinh sống tại đây, điều bức xúc đầu tiên khi vào thuê nhà ở tại dự án này là họ phải chi cho người của Xí nghiệp quản lý nhà ở công nhân khoản phí “lót tay” để được thuê với giá từ 500 nghìn đến 2 triệu đồng tùy trường hợp.
Những cánh cửa sắt thoát hiểm han gỉ, hoen ố sau 1 thời gian sử dụng. |
Ngoài ra, nhiều công nhân lao động phản ánh họ không tiếp cận được với quỹ nhà ở, thậm chí họ còn bị từ chối thẳng thừng “hết chỗ” khi tìm gặp đại diện Xí nghiệp quản lý nhà. Do đó, hàng nghìn công nhân phải chấp nhận thuê trọ bên ngoài, phải trả tiền điện, nước theo giá kinh doanh mà không được trả theo giá ưu đãi cho công nhân khiến đội lên 1 khoản chi phí không hề nhỏ so với thu nhập của họ.
Tại nhà ông Đỗ Phi Long thuê căn 1104A tòa CT1A, bình nóng lạnh trong nhà tắm bất ngờ rơi xuống sàn trong khi vợ ông Long đang tắm sáng 19/11/2021. |
Tuy nhiên, với những trường hợp được thuê nhà tại khu nhà ở cũng “dở khóc dở cười”. Bởi, điều kiện hạ tầng không tốt, chất lượng nhà ở quá thấp như thang máy hỏng liên tục và phải chờ rất lâu mới được sửa chữa, nứt sàn, vỡ gạch, trần và tường ẩm mốc, dộp, bong tróc,… Đặc biệt có trường hợp của nhà ông Đỗ Phi Long bình nóng lạnh trong nhà tắm đột ngột rơi xuống sàn trong khi có người đang tắm gây mất an toàn, khiến cư dân vô cùng bức xúc và bất an. Lí dó được ông Long chia sẻ là do tường chất lượng kém, bị bong tróc khiến bình nóng lạnh bị rơi. Rất may không có thiệt hại về người nhưng chiếc bình nóng lạnh đã bị vỡ tan.
Bình nóng lạnh rơi nhưng người dân không quá bất ngờ vì trường hợp tương tự vẫn luôn tiềm ẩn diễn ra. |
Cần nâng cao chất lượng, siết chặt quản lý
Nếu có dịp đến thăm khu nhà ở công nhân tại dự án này, chắc hẳn ai cũng phải lắc đầu “ngao ngán” trước những hình ảnh xuống cấp, xập xệ và bẩn thỉu. Các căn hộ bị nhẹ thì nước men theo tường chảy xuống sàn, nặng thì bị thấm dột ở ngay giữa nhà và phải dùng chậu, xô để hứng. Mỗi lần mưa, nước lại thấm vào tường khiến mốc xanh. Vào mùa nồm, tường bong tróc từng mảng rơi xuống nền nhà. Không chỉ xuống cấp, các tòa nhà thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước.
Tòa nhà CT2 được người dân phản ánh là Xí nghiệp quản lý cho doanh nghiệp xuất khẩu lao động cho thuê làm nơi dạy tiếng và ở cho học viên. |
Chưa hết, nhiều tòa nhà tại khu công nghiệp Thăng Long đang bị “hô biến”, sử dụng và cho thuê trái mục đích. Theo khảo sát thực tế của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, một số tòa nhà trong khu công nghiệp xuất hiện các đối tượng không phải là công nhân, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động thuê làm văn phòng, thậm chí là thuê cả tòa nhà để làm nơi ở, nơi dạy tiếng cho các học viên để xuất khẩu lao động đi các nước như tại tòa CT2.
Trụ sở của các công ty xuất khẩu lao động mọc lên nhan nhản tại tầng 1 các tòa nhà. |
Tại đây xuất hiện nhiều trung tâm đào tạo nghề và văn phòng công ty xuất khẩu lao động, có thể kể đến như: Trường Đào tạo nhân lực Quốc tế – TVC, Trường Đào tạo lao động xuất khẩu Nhật – Việt, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và cung ứng nhân lực Hoàng Long…
Tìm hiểu được biết, tại các tòa nhà đơn nguyên C1; C2; C3; D5 có Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và cung ứng nhân lực Hoàng Long (JHL Group) dùng để làm trung tâm đào tạo tiếng và làm ký túc xá cho học viên, trước khi có dịch Covid-19 ký túc xá có lúc có hơn 1.000 học viên ở, 2 tòa nhà còn lại dùng để đào tạo tiếng và nghề, nhưng hiện nay do dịch nên chỉ có một số học viên ở lại.
Trụ sở của một công ty. |
Tương tự, tại đơn nguyên D3, Công ty Cổ phần Mirai International (địa chỉ quận Nam Từ Liêm) sử dụng làm trung tâm đào tạo tiếng và ký túc xá, hiện cửa đóng then cài không có người ở. Tại đơn nguyên D4 có 2 công ty: Công ty Cổ phần phát triển Quốc tế Nhật Việt (JV JSC) và Công ty Cổ phần Phát triển nhân lực thương mại và dịch vụ TVC thuê làm nơi đào tạo tiếng và nơi lưu trú cho học viên.
Như vậy, thực tế đang diễn ra tại khu nhà ở công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội đang dấy lên những nghi ngờ về năng lực quản lý của đơn vị chủ quản cũng như sự công tâm, khách quan trong công tác quản lý, cho thuê nhà ở công nhân tại dự án này. Đồng thời vấn đề chất lượng công trình cũng là vấn đề lớn, quan trọng, cấp thiết cần được đặc biệt quan tâm, cải thiện đảm bảo tinh thần “an cư lạc nghiệp” cho lực lượng công nhân tại khu vực. Đây là bài học quý giá, cho chúng ta trong quá trình xây dựng chính sách và đầu tư xây dựng, quản lý vận hành nhà ở cho công nhân trên địa bàn cả nước.
Trong bối cảnh Nhà nước, Chính phủ, Bộ Xây dựng đang quan tâm đặc biệt tới chính sách phát triển nhà ở công nhân trên toàn quốc. Sáng 19/11, tại Trụ sở Bộ Xây dựng đã diễn ra Toạ đàm “Phát triển nhà ở cho công nhân – Thực trạng và giải pháp” do Báo xây dựng tổ chức đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, các sở Xây dựng, các chuyên gia, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tựu chung, các ý kiến đều thống nhất quan điểm phát triển nhà ở công nhân là chủ trương đúng đắn, cấp thiết và cần phải được đầu tư nghiêm túc, bài bản và kịp thời nhằm hỗ trợ ổn định cuộc sống của lực lượng lao động chiếm phần lớn trong cơ cấu lực lượng lao động của nước ta.
Nguồn: Báo xây dựng