“Lướt sóng” bất động sản cuối năm: Cẩn trọng sập bẫy
Thời gian gần đây, thị trường bất động sản đang chứng kiến những tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, xuất hiện dòng tiền chốt lãi từ chứng khoán chuyển sang.
Thị trường nhộn nhịp trở lại
Thông tin từ Tổng cục Thuế mới đây cũng cho biết số thu phát sinh tháng 10 khoảng 55.100 tỷ đồng (tháng 8 là 54.790 tỷ đồng, tháng 9 là 50.772 tỷ đồng). Trong đó, riêng thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản tháng 10 khoảng 1.400 tỷ đồng (tháng 8 chỉ 640 tỷ đồng, tháng 9 là 685 tỷ đồng).
Tổng cục Thuế cho biết, thu từ lệ phí trước bạ tháng 10 cũng có những chuyển biến tích cực, đạt 3.322 tỷ đồng, (tháng 9 là 1.930 tỷ đồng, tháng 8 là 984 tỷ đồng). Số thu tăng cao là do sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, các doanh nghiệp và người dân tập trung lượng hồ sơ làm thủ tục trước bạ lớn.
Trong khi đó, chia sẻ với PV, anh Thanh T. lãnh đạo một sàn môi giới tại Bắc Trung Bộ cho biết, thời gian gần đây, người đi săn lùng đất ngày một nhiều hơn. Thậm chí có thể tranh thủ cả buổi tối đi làm về xem đất. Các sự kiện giới thiệu, mở bán luôn chật kín người.
Hay ghi nhận mới đây của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, trong tháng 10/2021, lượng tin đăng (nguồn cung) và mức độ quan tâm (nguồn cầu) bất động sản tăng mạnh so với T9/2021, lần lượt là 135% và 55%. Trong đó, tại 3 thị trường chính Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, mức độ phục hồi lần lượt 100%, 90% và 70% so với tháng 4, tháng 5/2021 – thời điểm dịch bệnh chưa quay trở lại.
Anh Thanh T. cho biết, như một thường lệ, cuối năm luôn là lúc thị trường bất động sản sôi động bởi người dân có xu hướng chốt dòng tiền kiếm được trong năm vào thị trường bất động sản, bởi đây là kênh đầu tư được đánh giá không sợ lỗ.
“Đặc biệt, việc lãi suất ngân hàng có thể giảm xuống tiếp, người dân thay vì gửi ngân hàng cũng đang có xu hướng rút ra để đầu tư địa ốc” – anh Thanh T. chia sẻ.
Cẩn trọng đầu tư “lướt sóng”
Ghi nhận thực tế trên, song chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang – Tổng giám đốc Công ty bất động sản Việt An Hòa lại đưa ra cảnh báo, để tránh rủi ro khi đầu tư vào thị trường bất động sản thời điểm cuối năm này, theo ông Quang, các nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ, chọn chủ đầu tư có uy tín, sản phẩm bất động sản có pháp lý rõ ràng.
Theo ông Quang, hiện có những dự án đưa ra cam kết lợi nhuận nhằm tạo sức hút với các nhà đầu tư, song giá trị thực tế bất động sản khai thác được với mức lợi nhuận cam kết của chủ đầu tư là hai việc khác nhau. Có những bất động sản thực tế khai thác chỉ được 5-6% đã là rất tốt rồi; nhưng có những chủ đầu tư cam kết lợi nhuận 8%, 10% hay 12%… là những mức cách xa với thực tế.
Do đó, theo ông Quang, nhà đầu tư nên thận trọng, phải tìm hiểu kỹ, phân tích được giá trị khai thác thật của bất động sản đó, chứ không phải dựa trên cam kết của chủ đầu tư.
Vị chuyên gia cho biết, khi hiểu được giá trị thật của việc khai thác bất động sản thì nhà đầu tư mới quyết định nên mua hay không mua bất động sản đó. Cam kết lợi nhuận của chủ đầu tư chỉ nên tham khảo, chứ không nên đánh giá giá trị bất động sản theo cam kết của chủ đầu tư dễ mắc “bẫy” mua bất động sản giá cao.
Trong khi đó, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam lại cho rằng, dịch bệnh đã để lại nhiều bài học giá trị cho những nhà đầu tư bất động sản cũng như cho những kế hoạch trong tương lai.
Vị chuyên gia cảnh báo, nhà đầu tư thực hiện các giao dịch “lướt sóng” đẩy giá trên thị trường bất động sản thời gian tới sẽ không khả thi, nhất là khi Việt Nam chưa hoàn toàn được kiểm soát dịch và còn những hạn chế trong mặt giao tiếp xã hội, cũng như các hoạt động kinh doanh.
Đối với nhóm đầu tư cá nhân, ông Khương cho rằng những người có nhu cầu nhà ở thực sự và có nguồn tiền đã có sẵn từ trước, không phải sử dụng đòn bẩy kinh tế thì đây là một cơ hội tốt để mua nhà. Tuy nhiên, đối với nhóm đầu tư “lướt sóng” hay nhóm đầu tư ngắn hạn đây chưa phải là thời điểm thích hợp./.