Kỳ 3: Những bông hoa vẫn luôn làm đẹp cho đời

Những bông hoa bên xe gom rác

Trung bình mỗi ngày, lượng rác thải phát sinh trên địa bàn Thành phố khoảng 6.500 tấn nên chỉ cần 1 – 2 ngày không được thu gom, rác thải sẽ ùn ứ ngoài đường. Do đó, dù trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những công nhân vệ sinh môi trường của Thủ đô vẫn ngày đêm miệt mài “bám chốt”, thực hiện quét dọn, thu gom rác tại các ngõ phố, khu dân cư. Nhất là trong những ngày cách ly xã hội, lượng rác thải tăng hơn bình thường bởi nhu cầu của người dân khi thực hiện giãn cách.

Dễ dàng nhận ra trên phố của Thủ đô, từ đường trục chính hay những ngõ ngách nhỏ trong thời gian Thành phố thực hiện giãn cách xã hội, là hình ảnh của các thùng rác gọn gàng, ngăn nắp, những tuyến phố như sạch bong không rác thải… Để có được kết quả này, đó là công sức của những giọt mồ hôi lặng thầm vẫn lăn dài những lúc đêm khuya hoặc mờ sáng không kể ngày nắng nóng hay mưa rào, ấm áp hay đêm gió rét… bởi lẽ, dù ai ở đâu ở yên đấy thì người công nhân vệ sinh môi trường vẫn miệt mài ngày đêm làm sạch Thủ đô.

Kỳ 3: Những bông hoa vẫn luôn làm đẹp cho đời
Cả lúc nắng, mưa cũng như trong mùa dịch Covid-19, người công nhân vệ sinh môi trường vẫn miệt mài ngày đêm làm sạch Thủ đô.

Chị Nguyễn Thị Hồng Uyên – Tổ môi trường số 2, Chi nhánh Hoàn Kiếm, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội cho biết, mỗi ngày công việc của chị bắt đầu từ 16 giờ chiều hôm trước và kết thúc vào khoảng 1 giờ sáng hôm sau. Tùy vào lượng rác thải và công việc của mỗi ngày mà mỗi công nhân có thể kết thúc ca làm việc sớm hoặc muộn hơn nhưng luôn phải bảo đảm thu gom hết rác vào đúng vị trí tập kết và thời gian để các xe chuyên dụng đến chở đi.

Theo chị Uyên cho biết vì đã quen với công việc nên chị cũng như các thành viên khác trong tổ chưa khi nào thấy buồn lòng vì công việc, tuy nhiên hiện nay dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp cũng khiến công việc của chị thêm vất vả hơn.

“Số lượng rác thải trên địa bàn Thành phố nhiều hơn, từ khi có dịch xảy ra thì công việc của chúng tôi càng vất vả hơn nhiều lần. Để phòng, chống dịch các gia đình đã tăng cường quét dọn vệ sinh nhà cửa, thay thế hoặc loại bỏ những vật dụng không cần thiết. Vì thế, lượng rác thải sinh hoạt đưa ra môi trường thời điểm này tăng hơn, chúng tôi càng phải làm thường xuyên để đảm bảo rác thải không bị ùn ứ trong khu dân cư, trên lòng đường, hè phố, cùng với đó lại thêm mối lo nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh”, chị Uyên chia sẻ.

Kỳ 3: Những bông hoa vẫn luôn làm đẹp cho đời
Dịch Covid-19 với nhiều diễn biến phức tạp khiến công việc của người công nhân môi trường càng thêm vất vả hơn.

Cũng giống chị Uyên, trong thời gian thành phố đang thực hiện giãn cách, ca làm việc buổi sáng của chị Trương Thị Minh Lan, Tổ trưởng tổ sản xuất Chi nhánh Đống Đa diễn ra sớm hơn mọi lần một chút.

Nguyên nhân là trong khu vực tổ chị phụ trách có đối tượng đang thực hiện cách ly y tế tại gia đình, do đó, bên cạnh các đồ bảo hộ thường ngày, chị Lan cùng các đồng nghiệp lại phải khoác thêm cho mình bộ đồ phòng dịch kín bưng theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

“Toàn bộ rác thải y tế, rác thải từ khu vực cách ly tập trung có nguy cơ bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 đều được thực hiện theo tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt. Rác thải ở khu vực này được chúng tôi bọc kín trong thùng chứa hoặc túi chuyên dụng, dán nhãn cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh. Công nhân thu gom rác như chúng tôi ai cũng được trang bị đồ bảo hộ an toàn”, chị Lan cho hay.

Thực vậy, mặc dù vẫn còn chút lo lắng vì phải thường xuyên tiếp xúc vối các nguồn thải có nguy cơ lây nhiễm, song do đã được đào tạo tập huấn về an toàn sản xuất để chủ động bảo vệ bản thân, đồng thời được trang bị đầy đủ quần áo, thiết bị bảo hộ lao động nên các công nhân môi trường hoàn toàn tự tin, thuần thục trong thu gom, xử lý rác thải có nguy cơ lây nhiễm. Thực tế, trải qua cả 5 đợt bùng phát dịch bệnh, song toàn thể cán bộ, công nhân viên Urenco vẫn luôn bảo đảm an toàn, sức khỏe tốt, với tinh thần lao động cao, chung tay góp sức cùng Thủ đô đẩy lùi dịch Covid-19.

Gian khó để giành phần ai?

Không chỉ riêng những người công nhân môi trường, những người công nhân ngành thoát nước, nước sạch cũng đang không quản ngại vất vả để hoàn thành phần công việc giữa tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, giữa cái nắng nóng oi ả của tháng 7, những người công nhân của Tổ kinh doanh nước sạch Bắc Thăng Long vẫn đang bám sát hiện trường thi công, đảm bảo nhu cầu nước sạch cho người dân trong mùa nắng nóng.

Kỳ 3: Những bông hoa vẫn luôn làm đẹp cho đời
Công nhân công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nước sạch Hà Nội “đội nắng” đảm bảo cấp nước 24/24h cho người dân.

“Những ngày nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân luôn rất cao, anh em thường xuyên phải trực 24/24h, cũng như để xử lý sự cố không để dán đoạn nước sạch quá 12h. Đặc biệt, đối với các công trình cải tạo hạ tầng, chúng tôi thường xuyên phải bám sát theo đơn vị thi công, kể cả sớm, khuya, hay muộn, trong khi đó tại công trường số lượng nhân lực cũng không được tập trung đông nhằm đảm bảo quy định phòng, chống dịch”, ông Nguyễn Đức Trường, Giám đốc Nhà máy nước Bắc Thăng Long chia sẻ.

Khó khăn, vất vả hơn khi những ngày này nhiệt độ ngoài trời tăng cao, công việc của công nhân các đơn vị công ích trong ngành Xây dựng Hà Nội càng trở nên vất vả hơn. Bởi, kể cả khi nhiệt độ ngoài trời vào khoảng 40 độ C, thì theo chia sẻ của những người công nhân thoát nước, cái nóng của của đường phố vẫn còn dễ chịu hơn rất nhiều cái oi bức và mùi xú uế nồng nồng nặc dưới các miệng hố ga.

Gần 40 năm trong nghề, ông Bùi Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ Cống ngầm cơ giới đã nếm trải qua biết bao gian nan, vất vả của việc nạo vét bùn rác cho hệ thống thoát nước của Thành phố. “Mấy chục năm trước, thi công nạo vét bùn ở đoạn nào thì hàng chục công nhân phải xếp thành hàng dài dưới cống, múc từng xô bùn, rác thải chuyền tay nhau lên đổ vào xe bò rồi lại thay nhau kéo xe bò đi đến nơi tập kết rác. Nhưng nay có máy móc hỗ trợ việc nạo vét, hút bùn, có xe téc chuyên chở nên đỡ phải lội xuống cống nhiều như trước. Tuy nhiên, công nhân vẫn phải trực tiếp làm thủ công khá nhiều việc”, ông Dũng cho hay.

Kỳ 3: Những bông hoa vẫn luôn làm đẹp cho đời
Những phút thư giãn hiếm hoi ngay bên vệ đường của người công nhân Thoát nước khi vừa dưới các hố ga đi lên.

Theo ông Dũng, ngày trước công nhân thoát nước chưa có nhiều đồ bảo hộ như bây giờ, thì việc giẫm vào mảnh sành, thủy tinh, vật sắc nhọn dưới cống, bị sứt tay, sứt chân chảy máu, nhiễm trùng, sưng tấy là chuyện thường. Nhiều công nhân bị rộp hết chân khi lội xuống cống ở khu vực nhà máy pin, có người thì bị trắng bệch da tay, da chân khi làm việc ở gần các nhà máy sản xuất rượu… Mặc dù, cực nhọc và nguy hiểm luôn rình rập như vậy nhưng anh Dũng cũng như nhiều công nhân khác vẫn một lòng gắn bó với công ty, với nghề “móc cống” trong suốt tuổi thanh xuân của mình. Anh bảo: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”…

Khó khăn vất vả là vậy, mà trong suốt 50 năm qua, những đôi bàn tay vẫn luôn rạm đi vì nắng ấy, từ vài cái thuổng, xa beng cũng chiếc xe đẩy tay, cùng với một hệ thống cơ sở hạ tầng hầu như không có gì… đã không ngừng đổi mới, học hỏi, phát triển lớn mạnh, hoàn thành công tác cơ giới hóa, đóng góp phần không nhỏ trong quá trình xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại. Những chị Uyên, anh Dũng cùng hàng nghìn, hàng vạn cán bộ, công nhân môi trường, công nhân thoát nước, công nhân nước sạch, công nhân cây xanh… thực sự là những bông hoa ngày đêm thầm lặng tỏa hương, cống hiến.

Tuấn Dũng – Minh Phương

(còn nữa)

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích