Quảng Bình: Doanh nghiệp tự ý san ủi vườn dân để thi công dự án?
Quảng Bình: Doanh nghiệp tự ý san ủi vườn dân để thi công dự án?
Thời gian qua, nhiều hộ dân tại thôn Phúc Tùng, xã Đức Hóa (huyện Tuyên Hóa) bức xúc trước việc doanh nghiệp tự ý cho máy móc đốn hạ cây cối, san ủi mặt bằng trong khuôn viên nhà dân để thi công dự án.
Dự án Khôi phục khẩn cấp chống sạt lở bờ sông xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt với tổng mức đầu tư 73 tỷ đồng, do sở NN&PT NT tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư. Liên danh Công ty TNHH Xây Dựng và Thương Mại Hải Thành – Công ty TNHH Xây Dựng Thái An làm đơn vị thi công. Theo đó, tuyến kè chống sạt lở này đi qua hai thôn Phúc Tùng và Đức Phú 1 với tổng chiều dài gần 2 km, dự kiến dự án sẽ hoàn thành trong tháng 12/2021.
Chưa giải phóng xong mặt bằng đã bàn giao để thi công?
Trong đó, tuyến kè đang thi công qua thôn Phúc Tùng có chiều dài 1,4 km. Theo tìm hiểu được biết, tuyến kè này chạy ngang qua đất vườn của 20 hộ dân sống tại đây. Thời gian qua, một số hộ dân tại thôn Phúc Tùng liên tục phản ánh về việc đơn vị thi công dự án ngang nhiên cho máy móc đến phá cây cối, san ủi đất vườn của họ.
Qua ghi nhận của PV, sự việc này đã xảy ra gần một tháng nay mà vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa. Thời điểm PV có mặt tại hiện trường, có khoảng 5, 6 hộ dân tập trung để phản đối đơn vị thi công. Tại hời điểm đó, hộ gia đình Ông Hoàng Tỏ (80 tuổi) đã tiến hành cấm cọc tre, dùng thép B40 chắn lại hai đầu vườn ngăn không cho máy móc hoạt động.
Theo ông Tỏ, gia đình ông chỉ có 2 ông bà già ở nhà, thời điểm chính quyền địa phương đến vận động giải tỏa thì không có ai ở nhà, ngay ngày hôm sau, đơn vị thi công đã cho máy móc đến san ủi.
“Hiện tại, gia đình tôi bị san mất mấy cây nhãn với vài gốc tre, còn mấy cây mít to hơn cột nhà là chưa bị đốn nhưng vẫn nằm trong khu vực giải tỏa. Giờ nếu tiếp tục thi công thì sẽ bị chặt hạ nốt”, ông Tỏ cho hay.
Các hộ dân ở đây cho biết, chính quyền địa phương chưa thông tin đầu đủ cho các hộ dân được biết hình thức giải tỏa như thế nào, đền bù ra làm sao, chỉ họp dân lấy ý kiến và thông báo công tác xây dựng kè chống sạt lở sông đi qua địa bàn. Còn thời gian cụ thể, thời điểm giải tỏa và hình thức chặt hạ cây cối, bàn giao mặt bằng thì không có thông tin rõ ràng. Ông Hạnh, một hộ dân sống gần đó phản ứng gay gắt, ông cho biết, ngày hôm trước đến thông báo, người dân chưa kịp chuẩn bị gì, ngay ngày hôm sau đã cho máy móc đến đào xới hết từ dưới lên.
“Nếu thông báo cho dân rồi thì ít ra cũng phải trước một tuần, một tháng gì đó để dân còn chủ động, di dời cây nghệ, cây gừng, cây ổi, mấy cây nhỏ nhỏ, đằng này hôm trước báo, hôm sau mần làm sao mà làm kịp”, ông Hạnh bức xúc.
Ngoài hộ gia đình ông Hoàng Tỏ, gia đình bà Đoàn Thị Ánh (46 tuổi, thôn Phúc Tùng) cũng không nhất trí việc xây kè đi qua đất vườn nhà bà mà chưa có sự đền bù thỏa đáng. Theo bà Ánh, gia đình chỉ có 3 mẹ con sống với nhau, đứa con gái đầu vừa bị tai nạn phải nằm viện mất ba tháng.
Hiện tại tuyến kè sông đi qua đất nhà bà dài khoảng 70m, 8 – 10m chiều rộng. Bà Ánh cho biết đơn vị thi công đã san ủi 2 cây mít to, 2 cây nhãn và một cây xoan của nhà bà. Còn lại khoảng 30 cây ăn quả lớn nhỏ, trong đó nhiều cây cổ thụ từ thời ông bà để lại đang nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng nhưng gia đình bà vẫn chưa cho cắt.
“Giờ hiến hết đất đai, cây cối cổ thụ ông bà để lại để chống bão, đến cả cây tre cũng không giám chặt. Họ bảo để họ làm kè xong cho nó đẹp sau này có vấn đề chi rồi tính sau nhưng tui không hạp. Phá đi sau này mưa bão không có cây cối che chắn gió là vườn làm cái chi cũng hư hết, với nước chảy ngợp lắm, sợ lắm. Giờ nếu phá hết cây cối thì cũng phải hỗ trợ cho tôi xây lại cái hàng rào, để lỡ khi mưa lũ nước lên, còn có cái chặn lại đồ đạc trong nhà trôi ra, khi lũ rút còn có cái mà dùng”, bà Ánh cho biết.
Cũng theo bà Ánh, gia đình hoàn cảnh khó khăn, toàn đàn bà con nít, tiền nông cũng không có, nếu cắt cây ra thì củng phải thuê người cắt xẻ gọn gàng để bảo quản, nếu để đó thì gỗ cũng hư hỏng hết, không làm được gì. Giờ thiệt hại đủ đường nên gia đình bà cũng không đồng ý cho làm.
Từ trước đến nay, nhà bà chưa nhận được thông tin về việc xây dựng dự án kè sông này từ chính quyền địa phương. Từ tháng 5 đến tháng 8, bà phải thăm nuôi con ở trong bệnh viện Huế ba tháng, khoảng thời gian này, bà Ánh vẫn không nhận được bất cứ thông tin hoặc vận động trao đổi gì của địa phương liên quan đến dự án. Kể cả khi bà đã về nhà, đi làm đồng, thì vẫn không thấy địa phương đến vận động.
Đến khi đơn vị thầu cho người đến đo đạc, phóng tuyến, sau đó cho máy móc đến san ủi thì gia đình bà mới biết được có dự án đi qua vườn.
Chính quyền nói gì?
Trao đổi với PV, ông Võ Xuân Trường – Chủ tịch UBND xã Đức Hóa cho biết, sau khi dự án được phê duyệt, chính quyền xã đã tiến hành họp chi bộ xong rồi giao về thôn phổ biến trực tiếp đến các hộ dân ảnh hưởng, về cơ bản các hộ dân đều nhất trí. Thời điểm trước khi thi công, xã cũng đã đến từng hộ dân để vận động tiếp. Đối với hộ gia đình ông Hoàng Tỏ, thời điểm chính quyền đến vận động thì không có ai ở nhà, đến tối ông mới về và cũng được đồng ý, nhưng sau này không hiểu lý do vì sao mà ông không cho làm nữa.
Theo hồ sơ mà PV nắm được, tại biên bản hội nghị ngày 25/5/2021 về việc “lấy ý kiến cộng đồng đối với dự án Khôi phục khẩn cấp chống sạt lở bờ sông xã Đức Hóa” được tổ chức tại thôn Phúc Tùng. Biên bản có chữ kí nhất trí của 20 hộ dân ảnh hưởng trực tiếp, trong đó có chữ kí của bà Đoàn Thị Ánh. Tuy nhiên qua xác Minh của PV, trước đó, ngày 19/5, bà Ánh đã rời địa phương vào Huế để chăm con bị tai nạn, không có mặt ở nhà, và cũng chưa từng kí vào biên bản nào.
Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, bà Trần Thị Hiếu – PGĐ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết: “Trong quyết định phê duyệt Dự án khôi phục khẩn cấp chống sạt lở bờ sông tại xã Đức Hóa không có đền bù giải phóng mặt bằng cho các hộ dân. Địa phương hưởng lợi, trực tiếp là xã Đức Hóa cam kết giải phóng và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Hiện tại chỉ còn mỗi gia đình ông Hoàng Tỏ là không đồng ý thi công kè sạt lở với tổng chiều dài 42 m, và hiện chỗ đó đang tạm dừng để địa phương vận động giải quyết. Chủ đầu tư đề nghị địa phương đã cam kết thì phải làm công tác giải phóng mặt bằng, trong trường hợp thời gian của dự án không kịp tiến độ thì sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền xin ý kiến giải quyết”.
Được biết, tuyến kè đi qua nhà ông Tỏ và bà Ánh với tổng chiều dài khoảng 115m với khoảng hơn 1000 m2 đất phải hiến. Việc chưa thỏa thuận được phương án đền bù giữa hai bên khiến cho Dự án Khôi phục khẩn cấp chống sạt lở bờ sông tại xã Đức Hóa đang bị gián đoạn tại địa điểm hai hộ dân này.
Theo 2 hộ dân này, số lượng cây cối kèo theo phần đất vườn mà gia đình phải hiến để làm kè là rất lớn. Có một số cây cổ thụ, phía đơn vị thi công đã san ủi tuy nhiên chưa nhận được sự đền bù thoải đáng. Khi vừa thông báo xong, phía nhà thầu đã tự ý cho máy móc đến san ủi, trong khi đó người dân thì không biết gì, và quá gấp để xử lý.
Đã khoảng một tháng từ khi đơn vị thi công cho máy móc san ủi cây cối, đất vườn các hộ dân tại thôn Phúc Tùng. Hiện tại còn hộ gia đình ông Hoàng Tỏ và bà Đoàn Thị Ánh là vẫn chưa đồng ý cho đơn vị thi công xây kè qua phần đất của họ vì lý do chưa được giải quyết chính đáng.
Câu hỏi đặt ra, nếu như dự án sẽ dừng không thi công tại những hộ dân không đồng ý thì phần đất và cây của các hộ dân mà đơn vị thi công đã san ủi sẽ được giải quyết như thế nào? Việc UBND xã Đức Hóa là đơn vị hưởng lợi, trực tiếp vận động giải phóng và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công có làm theo đúng trình tự thủ tục hay không?./.
Môi trường và Đô thị tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị