Tập đoàn Apec đề xuất xây dựng 10 triệu căn nhà ở xã hội chất lượng 5 sao giá rẻ
Tập đoàn Apec đề xuất xây dựng 10 triệu căn nhà ở xã hội chất lượng 5 sao giá rẻ
Tập đoàn Apec đề xuất ý tưởng đại cách mạng trong nhà ở xã hội bằng việc xây dựng khoảng 10 triệu căn có chất lượng 5 sao nhưng giá chỉ 8 đến 20 triệu đồng/mét vuông.
Cụm từ nhà ở xã hội đã xuất hiện tại Việt Nam trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây. Và đến thời điểm hiện tại, khắp cả nước cũng có 1 số dự án đã được xây dựng, đi vào hoạt động và đáp ứng được 1 phần nhu cầu của người lao động, trong đó đáng kể là người lao động có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, chất lượng công trình, quy hoạch, các tiện ích… tại các dự án nhà ở xã hội hiện nay là vấn đề được khá nhiều người dân quan tâm. Đáng nói, nguồn cung của nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở của người dân hiện nay.
Từ thực tế nói trên, với mong muốn làm một cuộc Đại cách mạng Nhà ở xã hội là xây dựng những căn nhà hội có chất lượng 5 sao, với quy mô dự án lớn, được xây dựng thành 1 tổ hợp với nhiều tiện ích như trường học, bể bơi, công viên, giải trí…. để phục vụ người dân. Mới đây, tập đoàn Apec – 1 đơn vị có thương hiệu lớn trên thị trường bất động sản tại Việt Nam đã đưa ra kế hoạch đầu tư xây dựng khoảng 10 triệu căn hộ nhà ở xã hội có chất lượng 5 sao để giải quyết chỗ ở cho khoảng 40 triệu người dân trên cả nước, và thời gian dự kiến là từ 2021 – 2030 với giá chỉ từ 8 – 20 triệu đồng/ 1 mét vuông.
Và để hiện thực được kế hoạch này, tập đoàn APEC đã thành lập Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà ở xã hội 5 sao Việt Nam với tổng vốn điều lệ ban đầu khoảng 10.000 – 20.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng đã có kế hoạch huy động từ các tổ chức như ngân hàng, định chế tài chính trong và ngoài nước, từ các đối tác, nguồn lực của xã hội với quy mô từ 50.000 – 100.000 tỷ.
Với nỗ lực đó, vào ngày 19/11, tại Hà Nội, tập đoàn Apec đã tổ chức buổi tọa đàm Đại cách mạng Nhà ở xã hội với sự tham gia của ông Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế, Cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, Tiến sĩ Tiến sĩ Vũ Đình Ánh – Chuyên gia kinh tế.
Hình ảnh buổi Tọa đàm Đại cách mạng Nhà ở xã hội diễn ra tại Hà Nội
Mở đầu cuộc tọa đàm Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực khẳng định: “Việc thực hiện cuộc Đại cách mạng Nhà ở xã hội của tập đoàn Apec là ý tưởng rất đột phá, có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Bởi nhu cầu nhà ở xã hội của người lao động tại Việt Nam đang rất lớn, còn thực tiển thì chưa đáp ứng được. Bên cạnh đó, hiện nay có 1 số dự án nhà ở xã hội đã được xây dựng và đưa vào hoạt động, nhưng chất lượng kém, xuống cấp nhanh, thiếu quy hoạch, các dịch vụ kèm theo gần như là không có”.
Rất đồng tình với ý tưởng thực hiện cuộc Đại cách mạng Nhà ở xã hội của tập đoàn Apec. Tuy nhiên, trong buổi tọa đàm, ông Lực cũng có nhiều chia sẻ về những khó khăn liên quan đến thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội.
Ông Lực cho hay: “Khi làm việc với các chủ đầu tư tôi thấy vướng mắc lớn nhất về quỹ đất sạch dành cho Nhà ở xã hội. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng bởi nhiều doanh nghiệp được giao đất nhưng vướng ở khâu giải phóng mặt bằng. Vấn đề nữa là về quy hoạch cũng rất quan trọng, nếu chúng ta làm tốt quy hoạch dù các khu Nhà ở xã hội tuy ở khu vực vùng ven nhưng nếu kết nối của chúng ta tốt, người dân sẵn sàng về ở. Tiếp đó, 1 trong những vấn đề đặc biệt khó khăn là nguồn vốn để thực hiện dự án…”.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực – Cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV.
Ông Lực cho rằng, để tháo gỡ nhiều khó khăn nói trên giúp doanh nghiệp thực hiện được những dự án hết sức có ý nghĩa với xã hội như vậy thì rất cần được sự hỗ trợ từ phía Chính phủ về cơ chế, về chính sách. Đồng thời, để thực hiện được những dự án này, ngoài năng lực tài chính của mình thì doanh nghiệp cũng nên tiếp cận các nguồn vốn từ các ngân hàng phát triển, từ các nguồn quỹ của nước ngoài. Ví dụ như nguồn vốn ODA, nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới ADB, bởi các ngân hàng đó sẳn sàng đầu tư cho Việt Nam của chúng ta để thực hiện những dự án như thế này”, ông Lực chia sẻ.
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh – Chuyên gia kinh tế cho biết: “Nếu ý tưởng Đại cách mạng Nhà ở xã hội thành hiện thực sẽ làm thay đổi định kiến bấy lâu nay về nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, để làm được dự án tốt thì cần nhiều yếu tố, trong đó quỹ đất để làm những dự án nhà ở xã hội có nguồn thu nhập thấp thành 1 tổ hợp có đầy đủ các dịch vụ thì cần phải có quỹ đất. Bởi Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng, kết quả dành quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị định 100/2015/NĐ-CP rất thấp. Lý do quỹ đất thấp có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có bất cập trong quy định đấu thầu, đấu giá quỹ đất 20% mà chủ đầu tư dự án giao lại cho Nhà nước khi muốn phát triển nhà ở xã hội nên không thực hiện được (không ai tham gia), hay sử dụng ngân sách để đầu tư thì xây dựng nhà ở xã hội không phải là ưu tiên hàng đầu ở nhiều địa phương, cũng như doanh nghiệp. Với lý do đó nên quỹ đất để dành cho nhà ở hiện nay rất eo hẹp”, ông Ánh cho hay.
Ông Nguyễn Đỗ Lăng – Chủ tịch Apec Group
Để thực hiện được ý tưởng làm 1 cuộc Đại cách mạng Nhà ở xã hội trong giai đoạn hiện nay luôn là vấn đề khó khăn. Thế nhưng, với rất nhiều dự án bất động sản đã thành công và được đối tác đánh giá cao thì tại cuộc tọa đàm, Chủ tịch Tập đoàn APEC Nguyễn Đỗ Lăng cho biết: “Apec hiện có quỹ đất để làm các dự án thương mại và sẵn sàng dùng quỹ đất này để làm dự án nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, Apec rất cần được Chính phủ hỗ trợ cơ chế, chính sách, được các tỉnh thành như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… quy hoạch quỹ đất để làm dự án nhà ở xã hội. Còn tài chính thì tập đoàn chúng tôi hoàn toàn huy động được. Bên cạnh đó, nhiều tỷ USD khác từ các quỹ nước ngoài cũng sẵn sàng đổ vào để thực hiện thành công kế hoạch Đại cách mạng Nhà ở xã hội tại Việt Nam mà chúng tôi khởi xướng”.