Các ngân hàng thương mại có đang kinh doanh ‘âm vốn’?
Hiện tượng này có bất thường và cho thấy điều gì trong thị trường vốn và hoạt động của các ngân hàng thương mại hiện nay?
6 tháng phát hành 68,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu
Các giao dịch mua các lô trái phiếu với lãi suất thấp hơn so với lãi suất cho doanh nghiệp vay đang diễn ra khá phổ biến trên thị trường.
Kết quả thống kê của SSI Research cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, 15 ngân hàng thương mại phát hành 68,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn bình quân 3,37 năm và lãi suất bình quân 4,3%/năm. Nhà đầu tư mua trái phiếu ngân hàng gồm: Các ngân hàng (17,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 26%); công ty chứng khoán (38,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 56%); tổ chức trong nước (10,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 15%) và cá nhân (2 nghìn tỷ đồng, chiếm 3%).
Các nhà đầu tư cá nhân chỉ mua trái phiếu tăng vốn cấp 2 có kỳ hạn dài (7 – 15 năm), hầu hết lãi suất thả nổi, năm đầu dao động từ 6,2% đến 7,9/năm. Các trái phiếu này thường kèm theo quyền mua lại trước hạn của tổ chức phát hành sau 2 – 5 năm (hoặc 10 năm với trái phiếu 15 năm).
Theo ghi nhận, có 56,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 83% tổng khối lượng trái phiếu ngân hàng phát hành nửa đầu năm 2021 là kỳ hạn 2 – 3 năm có lãi suất cố định từ 3,0 – 4,2%/năm, trả lãi hàng năm. Mức lãi suất này thấp hơn hẳn lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 12 tháng trả sau (5,6 – 6%/năm). Gần như toàn bộ số trái phiếu này được mua bởi các ngân hàng và công ty chứng khoán.
Nguồn vốn các ngân hàng thương mại chảy nhiều vào lĩnh vực bất động sản thời gian qua. |
Trước đây, theo quy định tại Thông tư 34/2013/TT-NHNN, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu phát hành trên thị trường sơ cấp của tổ chức tín dụng khác nên các công ty chứng khoán thường đứng ra làm trung gian, mua trái phiếu ngân hàng trên thị trường sơ cấp sau đó bán lại cho các tổ chức tín dụng khác. Hiện nay, quy định này đã được gỡ bỏ tại Thông tư 01/2021/TT-NHNN nên các ngân hàng thương mại đã có thể trực tiếp mua chéo trái phiếu của nhau trên thị trường sơ cấp từ ngày Thông tư có hiệu lực là 17/5/2021.
Các ngân hàng thương mại nếu không huy động vốn với lãi suất thị trường thì sẽ dẫn đến hiệu ứng khách hàng rút tiền và trước mắt các ngân hàng thương mại sẽ phải đối diện với rủi ro thanh khoản. Nhưng vì sao các ngân hàng thương mại lại mua bán các lô trái phiếu với lãi suất thấp hơn so với lãi suất cho vay doanh nghiệp thậm chí là thấp hơn lãi suất huy động?
Gần đây, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Residence vừa huy động 2.500 tỷ đồng thông qua 5 lô trái phiếu thông thường, không chuyển đổi. Trái phiếu có kỳ hạn 1 năm, được phát hành trong khoảng tháng 5-6/2021. Lãi suất chi trả cố định là 9,75%/năm.
Mục tiêu huy động nhằm bổ sung vốn thực hiện thanh toán tiền đảm bảo mua sỉ 130 bất động sản là biệt thự nghỉ dưỡng thuộc dự án Tổ hợp Khu du lịch thung lũng đại dương tại xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận theo văn bản thoả thuận ký kết giữa Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Residence với Công ty Cổ phần Kinh doanh nhà Nova.
Được biết, lô trái phiếu có tài sản đảm bảo là: Cổ phiếu NVL; Tài sản hình thành trong tương lai là 130 sản phẩm bất động sản thuộc dự án Tổ hợp Khu du lịch thung lũng Đại dương (NovaWorld Phan Thiết) tại xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận theo văn bản thoả thuận ký kết giữ Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Residence với Công ty Cổ phần Kinh doanh nhà Nova; và toàn bộ quyền phát sinh từ văn bản thoả thuận mua sỉ 130 bất động sản trên.
Theo chuyên gia tài chính TS Đinh Thế Hiển, với các lô trái phiếu thấp hơn so với lãi suất cho vay doanh nghiệp thì đó là con đường vòng nhằm xử lý tình trạng vốn, có thể là một khoản tín dụng cực lớn của một doanh nghiệp khó có khả năng thu hồi và quá hạn làm tăng tình trạng nợ xấu có khả năng mất vốn. Trong khi việc cho vay đảo nợ và đầu tư vào công ty của doanh nghiệp đang nợ đã không được phép như các năm 2010 nên buộc các ngân hàng thương mại phải đi đường vòng.
Giá phát hành thấp hơn lãi suất huy động
Thời gian gần đây nhiều ngân hàng thương mại phát hành các lô trái phiếu với lãi suất thấp hơn so với lãi suất huy động.
Đơn cử, Ngân hàng ACB vừa thông báo hoàn tất phát hành 2.000 trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tương đương với tổng giá trị là 2.000 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, lãi suất 4%/năm, trả lãi định kỳ mỗi năm. Ngày phát hành là 6/5/2021, đáo hạn 6/5/2024. Trái phiếu là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không phải nợ thứ cấp của ACB và không có tài sản đảm bảo. Theo thông tin có được,hai công ty chứng khoán đã mua lô trái phiếu này.
“Với các lô trái phiếu được phát hành với mức lái suất thấp hơn lãi suất huy động được các ngân hàng thương mại khác và điển hình là các công ty chứng khoán (chiếm 56%) mua lại thì đó không phải là hoạt động kinh doanh đầu tư. Vì hiện tại các công ty chứng khoán vay vốn các ngân hàng thương mại và các tổ chức khác để cho nhà đầu tư vay theo nghiệp vụ margin trên thị trường chứng khoán. Vì vậy việc mua lại các lô trái phiếu thấp hơn lãi suất huy động có thể là một “dịch vụ tài chính” bởi khi một ngân hàng A phát hành trái phiếu để ngân hàng B và công ty chứng khoán C mua sẽ giúp ngân hàng A này tăng vốn. Còn ngân hàng B và công ty chứng khoán C kể trên sẽ lại phát hành trái phiếu cho ngân hàng D khác và công ty chứng khoán E khác mua. Với các vòng quay như vậy các ngân hàng thương mại đều được tăng vốn, tăng quy mô tài sản (tài sản nợ)”, ông Hiển cho biết.
Nguồn: Báo lao động thủ đô