Thành phố Hồ Chí Minh giờ đã “đau”
Cơn mưa sáng nặng hạt khiến không gian Thành phố Hồ Chí Minh càng trở nên ảm đạm. Hôm nay đã là ngày thứ 9 trong đợt cách ly toàn xã bội. Những con đường vắng hoe, chỉ còn những con người vì cơm gánh áo mưu sinh phải vội vã di chuyển, náu mình trong những bộ trang phục kín nhất mà họ có được. Sự ồn ào vốn có của Thành phố Hồ Chí Minh được thay bằng sự tĩnh lặng đến lạnh người.
Đại lộ không người của Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày phòng chống dịch. (Ảnh minh họa) |
Với những người sinh ra ở Thành phố Hồ Chí Minh trước năm 1975, họ thường gọi nhau là “người Sài Gòn”. Với họ, tận sâu trong ký ức của mình là hình ảnh bầu không khí náo nhiệt, ồn ào, sôi động. Những hình ảnh của một thời khó khăn thiếu thốn, ra đường chỉ toàn xe đạp, xích lô, ba gác… nhưng con người sống với nhau chan hòa, vui vẻ. Người Sài Gòn lúc nào cũng tất bật với công việc từ sáng sớm đến đêm khuya. Những tiếng rao đầu ngày của những người bán hàng rong đã có thời là tiếng báo thức cho lũ học trò say ngủ. Ra đường thì hàng quán xá đông nghẹt, học sinh ăn sáng để đi học, người lớn thì ăn vội để kịp giờ làm. Đầu những con hẻm nhỏ trở thành bến xích lô, ba gác.
Rồi thành phố chuyển mình, từng đoàn người từ khắp nơi đổ dồn về phố thị, tìm cách mưu sinh. Những khu đô thị mới mọc lên, nhà cửa đường sá khang trang hơn, những khu công nghiệp hình thành, những chiếc xe gắn máy, taxi thay dần xích lô, ba gác. Thành phố Hồ Chí Minh thay da, trở mình. Đường sá chật chội hơn, ồn ào hơn nhiều thói quen sinh hoạt dần biến mất, thay vào đó là những nét văn hóa đa vùng miền. Nhưng sự xáo trộn văn hóa vẫn không làm mất đi tính phóng khoáng, hào hiệp của người Sài Gòn. “Thành phố Hồ Chí Minh dễ sống, không phân biệt, kỳ thị bất kỳ ai, chỉ cần có chí nhất định sẽ thành công ở mảnh đất này”- Nhiều người dân nhập cư đã từng nói vậy.
Kinh tế phát triển, nhiều mô hình kinh doanh mới hoạt động, nhiều công ty mở ra tham gia thị trường, kéo theo đó là cơ hội đổi đời cho nhiều người. Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng có nhiều người giàu, càng có nhiều người đổi đời. Trên những con đường, xe hơi chen lấn dần với xe máy. Kinh tế phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh lại căng mình đón nhận những người con xứ khác đến nơi đây lập nghiệp bằng cái tình tương thân tương ái.
Tất bật kiếm sống, bận rộn với những lo toan thường nhật, con người Thành phố Hồ Chí Minh không đon đả, vồn vã chào hỏi nhau khách khí, nên thoạt nhìn nhiều người cho rằng cái “tình làng nghĩa xóm” ở Thành phố Hồ Chí Minh “lạnh”. Nhưng trong cái tưởng “lạnh” đó, tình người Thành phố Hồ Chí Minh ấm hơn bao giờ hết. Họ sẵn lòng san sẻ khi người khác cần. Chính cái tính cách đó nên chỉ cần 1 dòng thông tin về những cái khó ở bất kỳ nơi đâu được đăng tải, họ lại ùn ùn chen nhau đóng góp. Người đi được thì nhận, người đi không được thì đóng. Người có tiền đóng nhiều, người khó khăn đóng ít. Lâu dần cái chuyện hỗ trợ chia sẻ cho đồng bào gặp khó khăn trở thành thói quen của người dân Thành phố Hồ Chí Minh. Họ không cần ghi công, họ lặng lẽ đóng góp trong sự ồn ào của những lời kêu gọi. Hình ảnh những chuyến hàng cứu trợ từ Thành phố Hồ Chí Minh đến nơi thâm sơn cùng cốc, những nơi đang gặp thiên tai nguy hiểm nhất đã trở thành những nét đẹp bình thường của người dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong bối cảnh như thế, chẳng ai nghĩ, sẽ có lúc Thành phố Hồ Chí Minh sầm uất nhất nước sẽ “đau”, chẳng ai ngờ những người dân từng xông pha đến những điểm thiên tai dầu sôi lửa bỏng hôm nào giờ chỉ biết quanh quẩn trong nhà, không được phép đi đến bất kỳ địa phương nào khác. 3 đợt dịch tràn qua, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đứng vững, nhưng đến đợt dịch thứ 4, mọi chuyện đã thay đổi. Từng là cái tên đi đầu trong những hoạt động xã hội, hoạt động thiện nguyện, giờ Thành phố Hồ Chí Minh đang phải gồng lên lo cho chính mình. Nhịp sống ồn ào cứ giảm dần theo từng con số tăng lên của những ca nhiễm bệnh.
Cả Thành phố Hồ Chí Minh gồng mình phòng chống dịch. Từ giãn cách nhẹ, sau hơn 1 tháng toàn bộ hệ thống xã hội tê liệt vì dịch. Mọi hoạt động ngưng trệ, người dân Thành phố Hồ Chí Minh lo lắng, trăn trở theo từng cấp độ lan tỏa dịch bệnh. Họ chưa bao giờ chứng kiến thành phố của mình buồn như lúc này. Thành phố Hồ Chí Minh tĩnh lặng, nét “hào hiệp” biến mất nhường chỗ cho những sợi dây căng dài theo từng con đường, những hàng rào kẽm gai phong tỏa được dựng vội, những chốt kiểm soát dịch bệnh trong những con hẻm nhỏ. Từ khi trở thành tâm dịch, cái tên Thành phố Hồ Chí Minh cũng trở nên nỗi ám ảnh của nhiều địa phương khác.
Thành phố Hồ Chí Minh buồn và mệt mỏi, người dân vật lộn với những phương án phòng dịch. Căng thẳng là vậy nhưng Thành phố Hồ Chí Minh vẫn mở cửa để thu mua nguồn hàng đến từ nhiều địa phương. Cái ngày quyết định mở cửa thông thương hàng hóa, nhiều ý kiến quan ngại thành phố sẽ không hoàn thiện được bức tranh phòng chống dịch, nhưng nhiều người dân hiểu, nếu Thành phố Hồ Chí Minh khổ sẽ có rất nhiều nơi gặp khó, họ hiểu khi giúp người khác chính là giúp mình. Cái tinh thần ấy, đã tồn tại lâu đời, tạo nên tính cách con người nơi đây.
Những con đường vắng lặng của Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày giãn cách. (Ảnh minh họa) |
Thành phố Hồ Chí Minh hai mùa mưa nắng, nhưng mùa mưa năm nay, có lẽ là mùa mưa buồn nhất. Mùa mưa năm nay không còn thi vị, chỉ còn những lo toan, khắc khoải trong ánh mắt, tâm tư của người dân Thành phố Hồ Chí Minh. Giữa bầu không khí căng thẳng đó, không ít doanh nghiệp vẫn sản xuất giữa những quy định ngặt nghèo về phòng chống dịch, không ít người lao động dù biết dịch bệnh nguy hiểm vẫn chấp nhận đổ mồ hôi nhiều hơn trước những biện pháp chống dịch. Những chiến binh chống dịch vẫn trực chiến thâu đêm, trong cơn mưa tầm tã, những tình nguyện viên vẫn ngược xuôi hỗ trợ người dân… tất cả những hình ảnh đó chỉ mong sẽ sớm xua đi bóng đen của cơn đại dịch. Người dân Thành phố Hồ Chí Minh tin lắm vào một ngày mai, thành phố sẽ “khỏe” lại, sẽ không còn vẻ ảm đạm của những chiều mưa tháng 7/2021.