Quy hoạch đô thị: Ô tô phải đi lòng vòng và tốn thời gian hơn xe đạp

Quy hoạch đô thị: Ô tô phải đi lòng vòng và tốn thời gian hơn xe đạp

MTĐT –  Thứ năm, 18/11/2021 14:18 (GMT+7)

Bước vào thời kỳ hậu COVID-19, xu thế giao thông xanh, trong đó có việc sử dụng xe đạp đang được chú ý để góp phần vào sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và môi trường và sự phát triển bền vững của xã hội.

Tuy nhiên để người dân có thể sử dụng xe đạp một cách thuận tiện và an toàn, việc trước tiên là phải có một cơ sở hạ tầng vững chắc. Vậy Hà Lan, quốc gia điển hình trên thế giới về xe đạp đã quy hoạch giao thông cho loại phương tiện này như thế nào?

Quy hoạch đô thị: Ô tô phải đi lòng vòng và tốn thời gian hơn xe đạp
Ảnh minh họa: Carlton Reid

Với hơn 35 nghìn km đường dành riêng cho xe đạp và 59% lưu lượng vận chuyển trong các thành phố được thực hiện bằng xe đạp, Hà Lan được coi là một trong những “thiên đường xe đạp” trên thế giới. Tuy nhiên, điều thú vị là kể từ những năm 1970 trở về trước, quốc gia này lại không hề coi trọng xe đạp.

Thời điểm đó, Hà Lan có phần giống như Mỹ hiện nay, coi trọng ô tô như một biểu tượng của sự giàu có và sang trọng. Tuy nhiên, lượng ô tô tăng đột biến đã dẫn tới tình trạng ùn tắc và tỉ lệ tai nạn giao thông cao. 3.300 ca thương vong, trong đó có 400 trẻ em tử vong do TNGT tại thủ đô Amsterdam trong năm 1971 đã khiến người dân thay đổi cái nhìn về ô tô và dần hướng tới xe đạp.

Bà Lot Van HooijDonk, phó thị trưởng thành phố Utrecht, Hà Lan chia sẻ: “Xe đạp thực sự tuyệt vời bởi phương tiện này vừa giúp giảm tiếng ồn, giảm ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường nói chung, lại vừa cho thấy thành phố trở nên thân thiện tới mức nào. Người dân thực sự thành chủ thể của thành phố, chứ không phải máy móc”.

Hạ tầng giao thông tại Hà Lan vừa hướng tới khuyến khích người dân đạp xe, lại vừa hướng tới việc giảm sử dụng ô tô cá nhân nhiều nhất có thể. Để tách xe đạp ra khỏi dòng chảy ô tô, giới chức triển khai rất nhiều giải pháp, như thiết lập các “chướng ngại vật” gồm những hàng cột sơn trắng hay lề đường hẹp khiến xe ô tô không thể di chuyển trên đó.

Ông Mark Wagenbuur, tác giả của trang blog chuyên về hạ tầng xe đạp ở Hà Lan chia sẻ: “Tất cả hướng tới mục đích đưa ô tô ra khỏi trung tâm. Chủ xe ô tô có 2 lựa chọn: Hoặc đỗ tại phần rìa của thành phố, sau đó đạp xe vào trung tâm, hoặc trả phí rất đắt để được đi vào khu vực đó”.

Rất nhiều đường phố ở Hà Lan được quy hoạch theo dạng “đi xe đạp thì nhanh, nhưng đi ô tô thì lòng vòng và tốn thời gian”. Những dạng quy hoạch đường kiểu này không chỉ tồn tại ở các thành phố lớn như Amsterdam hay Utrecht. Groningen, một thành phố nhỏ với khoảng 200 nghìn dân, cũng có quy hoạch tương tự.

Thành phố được chia làm 4 quận chính, và xe ô tô không được phép đi tự do từ quận này sang quận khác, trong khi đó xe đạp thì có thể. Người đi ô tô buộc phải đi vòng quanh bờ rìa thành phố để vào một quận khác từ một số lối ra vào nhất định.

David Hembrow, cựu vận động viên, blogger cho biết: “Khi đi từ điểm A tới điểm B trong thành phố, người đi xe đạp chỉ việc đạp xe trực tiếp từ A tới B, nhưng ô tô sẽ phải đi đường vòng. Đây không phải là biện pháp để loại bỏ xe ô tô, mà là hướng tới một môi trường sống thoải mái hơn cho người dân, nơi mà xe đạp là lựa chọn tốt nhất”.

Những con đường nhỏ tách biệt hẳn khỏi đại lộ hay đường lớn đầy ô tô bằng những dải phân cách phủ đầy hoa, cây xanh, tác phẩm nghệ thuật đường phố… cũng là một giải pháp mà người Hà Lan đang áp dụng. Thậm chí, có một số hầm đường bộ được lắp đặt đèn neon tương tác với điện thoại của người đi xe đạp. Số lần người đạp xe qua khu vực đó càng nhiều thì ánh sáng đèn càng đa dạng và rực rỡ

Đồng thời, các con đường riêng lẻ cho xe đạp đang được kết nối với nhau thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh. Thành phố Utrecht đang đặt mục tiêu tạo ra mạng lưới như vậy với mỗi 200 đến 300 mét lại có một làn đường nhánh kết nối với các trục đường chính dành riêng cho người đi xe đạp, giúp họ có thể đi khắp thành phố một cách dễ dàng và an toàn bằng xe đạp.

tm-img-alt
Ảnh: Modacity

Ngoài ra, để bảo vệ người đi xe đạp trước dòng phương tiện cơ giới đông đúc, Hà Lan cũng cho xây dựng nhiều cầu vượt hoặc hầm đường bộ dành cho xe đạp và người đi bộ qua các tuyến đường đông phương tiện. Các cây cầu trên khắp Hà Lan cũng đều có tuyến đường riêng dành cho xe đạp.

Bà Saskia Kluit, giám đốc điều hành Fietserbond, tổ chức đại diện cho lợi ích của người đi xe đạp Hà Lan chia sẻ về một trường hợp tại Utrecht: “Tại Utrecht có một cây cầu rất đặc biệt. Địa điểm xây dựng cây cầu này đi qua một trường tiểu học. Tuy nhiên, người ta lại không muốn rời trường học đi. Cuối cùng, một phần của cây cầu được xây ngay trên nóc của ngôi trường. Hạ tầng giao thông cho xe đạp cứ thế hòa lẫn vào môi trường sống của người dân, tạo nên một sự gắn kết vô cùng độc đáo”.

Nhờ tầm nhìn xa và những cố gắng không ngừng nghỉ từ chính phủ, địa phương và cả người dân, ngày nay xe đạp đã trở thành phương tiện chính của nhiều người, thậm chí được tự hào gọi là “ADN của người Hà Lan”:

Tôi có thể đạp xe từ nhà vào thẳng trung tâm thành phố chỉ mất có 10 phút. Nếu đi ô tô thì phải đi đường vòng, mất thêm tận 30 phút

Bạn sẽ cần một chiếc xe đạp nếu sống ở Hà Lan. Bạn đạp xe vào khu dân cư, đạp xe đi chơi, thậm chí là dùng xe đạp để chở hàng nếu muốn

Còn tại Việt Nam, mới đây vào ngày 21/10 đã diễn ra Hội thảo tham vấn lần thứ hai cho Dự thảo hướng dẫn kỹ thuật về thiết kế hạ tầng/đường dành cho xe đạp trong đô thị ở Việt Nam do Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng tổ chức.

Hội thảo đã giới thiệu các nội dung cơ bản của dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật về thiết kế đường dành cho xe đạp tại Việt Nam. Tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng đây là nghiên cứu cần thiết, là tiền đề để phát triển hạ tầng xanh, phù hợp với định hướng phát triển bền vững tại Việt Nam.

Hướng dẫn càng rất cần thiết hơn nữa khi đường giao thông ở Việt Nam đều hiện nay là đường hỗn hợp các làn xe, không có làn riêng cho xe đạp nên người đi xe đạp chưa an toàn.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích