Nỗ lực cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đối với hoạt động đo lường

Hoạt động đo lường đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong đời sống kinh tế – xã hội, sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, an ninh và quốc phòng. Theo Luật Đo lường và Luật Đầu tư thì hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, phương tiện đo, chuẩn đo lường được xã hội hóa và là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, tổ chức nào đủ điều kiện theo quy định đều có quyền tham gia vào hoạt động đo lường này.

Hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo. 

Thời gian qua, thực hiện mục tiêu của Chính phủ về việc hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, các điều kiện cho hoạt động đo lường cũng từng bước được đơn giản hóa, cắt giảm.

Cụ thể, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành) được cắt giảm, đơn giản hóa hơn Nghị định 105, đồng thời thực hiện các thủ tục hành chính này trên môi trường điện tử ở cấp độ 3 và cấp độ 4. Do vậy, hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, phương tiện đo, chuẩn đo lường ngày càng được xã hội hóa mạnh mẽ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, hiện chúng ta đã xây dựng và hình thành mạng lưới gồm 520 Tổ chức đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và chỉ định tổ chức thực hiện hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo chuẩn đo lường cho 420 tổ chức.

Các chuyên gia đánh giá, về cơ bản mạng lưới kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã và đang đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng phương tiện đo để định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, trong thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp và các hoạt động công vụ khác; trong nghiên cứu khoa học, điều khiển, điều chỉnh quy trình công nghệ, kiểm soát chất lượng trong sản xuất hoặc các mục đích khác.

Tuy nhiên, với tốc độ phát triển kinh tế – xã hội gia tăng, sản phẩm hàng hóa ngày càng đa dạng phong phú, đồng nghĩa với nhu cầu kiểm soát, kiểm tra hoạt động trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng chặt chẽ hơn. Do đó, trong giai đoạn tới, hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo, thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa phải không ngừng nâng cao năng lực hoạt động để đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.

Cụ thể, trước tiên cần đẩy mạnh tuyên truyền Luật Đo lường và các văn bản hướng dẫn; Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện các quy định về sử dụng phương tiện đo, ghi định lượng hàng đóng gói sẵn trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu phương tiện đo, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường trong quá trình kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo.

Tiếp đó, trên cơ sở các thiết bị đã được đầu tư, các đơn vị chức năng cần tăng cường bổ sung, mở rộng năng lực kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa đảm bảo đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động của doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội của từng địa phương. Ngoài ra, cần tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực về đo lường, thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa để đáp ứng yêu cầu theo xu thế hội nhập quốc tế.

Thanh Minh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích