Duy trì tiêu chuẩn trong sản xuất – khâu then chốt giúp doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường

Trong thời đại 4.0, cách tiếp cận thông tin chất lượng sản phẩm, cách giao tiếp mua bán sản phẩm đã thay đổi và trở nên nhanh chóng hơn bao giờ hết. Như vậy, muốn sản phẩm không bị bỏ lại phía sau, muốn chiếm lĩnh thị trường thì việc duy trì tiêu chuẩn trong sản xuất phải là khâu then chốt.

Duy trì và áp dụng tiêu chuẩn được thực hiện xuyên suốt từ nguyên liệu, máy móc, quy trình sản xuất, quy trình kiểm tra đánh giá sản phẩm, bao gói cho đến quy trình giao bán. Trong các công đoạn đó, con người đóng vai trò quyết định, họ phải tương thích với tiêu chuẩn và đạt chuẩn trong mọi khâu từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Bởi lẽ, tiêu chuẩn đem lại những lợi ích: Thứ nhất, giúp xác định các giao diện và yêu cầu tương thích của sản phẩm nhanh nhất. Trong thế giới mạng ngày nay, các giao diện sản phẩm, thông tin về đặc tính và khả năng tương thích của sản phẩm đến với khách hàng trên phạm vi toàn cầu rất rõ ràng và nhanh chóng. Do vậy, tiêu chuẩn đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết, vì nó như chất xúc tác gắn kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng nhanh nhất, bởi quy tắc chuẩn hàng hóa ngày nay đơn giản hơn: một tiêu chuẩn – một thử nghiệm – được chấp nhận ở mọi nơi.

Sự gắn kết giữa nhà sản xuất và nhà cung cấp hàng hóa xuyên biên giới đảm bảo rằng, trong thời đại 4.0, sản phẩm phải đến được thị trường và người tiêu dùng nhanh nhất. Có thể nói, người nào không quan tâm đến tiêu chuẩn có thể nhanh chóng bị loại khỏi thị trường;

 Các tiêu chuẩn xác định chất lượng và yêu cầu tối thiểu trong sản xuất, cung cấp giải pháp được công nhận để bảo vệ người tiêu dùng.

Thứ hai, tiêu chuẩn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường. Các tiêu chuẩn là ngôn ngữ toàn cầu của công nghệ, làm giảm rào cản kỹ thuật trong thương mại và tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển tự do của hàng hóa. Tiêu chuẩn đóng vai trò là cánh cửa và thúc đẩy xuất khẩu: Tiêu chuẩn Châu Âu (EN) mở ra khả năng tiếp cận thị trường chung Châu Âu, tiêu chuẩn quốc tế (ISO) mở ra khả năng tiếp cận thị trường thế giới;

Thứ ba, tiêu chuẩn giúp tiết kiệm chi phí. Các tiêu chuẩn cho phép cải thiện hiệu quả và tiết kiệm chi phí trên các bộ phận của một công ty, từ nghiên cứu và phát triển, thiết kế quy trình, mua hàng, sản xuất, chất lượng và kỹ thuật hệ thống. Các tiêu chuẩn cũng nhằm hợp lý hóa và giảm chi phí sản xuất, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về các dịch vụ chi phí thấp, trong khi đó vẫn duy trì chất lượng hàng hóa tốt;

Thứ tư, tiêu chuẩn nâng cao tính an toàn của sản phẩm. Các tiêu chuẩn xác định chất lượng và yêu cầu tối thiểu trong sản xuất, cung cấp giải pháp được công nhận để bảo vệ người tiêu dùng (sức khỏe, an toàn) và bảo vệ môi trường. Bằng cách tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng và an toàn, nguy cơ xảy ra rủi ro được giảm thiểu một cách rõ ràng, từ đó góp phần quan trọng vào việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và người lao động;

Thứ năm, tiêu chuẩn giảm thiểu rủi ro trách nhiệm pháp lý của sản phẩm. Các tiêu chuẩn cung cấp thuộc tính của sản phẩm một cách rõ ràng, cung cấp các nguyên tắc công nghệ sản xuất rõ ràng và được công nhận. Trong sản xuất, việc tham chiếu đến các tiêu chuẩn làm tăng tính chắc chắn về mặt pháp lý của sản phẩm.

Việc tham chiếu các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn châu Âu hoặc tiêu chuẩn quốc tế ghi trong các luật, pháp lệnh và quy định của mỗi quốc gia ngày càng trở nên phổ biến nhằm điều chỉnh tiêu chuẩn cho phù hợp với tình trạng phát triển kỹ thuật mới nhất đang được đưa vào áp dụng.

Hà My

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích