Hưng Yên: Vì sao siêu dự án 10.000 tỷ của Cty TNHH Xuân Cầu sau 10 năm vẫn ở “vạch xuất phát”?
(Xây dựng) – Dự án Khu đô thị nhà vườn sinh thái Văn Giang do Công ty TNHH Xuân Cầu là đơn vị tổ chức lập quy hoạch (Văn Giang, Hưng Yên) với tổng diện tích gần 200ha đã được phê duyệt 10 năm, song do vướng “cơ chế chính sách” về quy hoạch thoát lũ, quy hoạch đê điều nên đến nay vẫn chưa thể triển khai các hoạt động đầu tư, xây dựng.
Sau 10 năm, Dự án Khu đô thị nhà vườn sinh thái Văn Giang vẫn ở vạch xuất phát. |
Theo tìm hiểu, vào tháng 9/2012, Công ty TNHH Xuân Cầu đã nhận được Quyết định số 1721/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hưng Yên về việc phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/500 của Dự án Khu đô thị nhà vườn sinh thái Văn Giang. Dự án có diện tích 198,4ha, nằm trong vùng bãi ngoài đê sông Hồng thuộc huyện Văn Giang, Hưng Yên. Đến ngày 5/2/2013, Công ty TNHH Xuân Cầu chính thức công bố dự án này với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, đồng thời cho biết xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và triển khai giai đoạn 1 của dự án vào cùng năm. Tuy nhiên đến nay, đã gần 10 năm dự án vẫn đang nằm “trên giấy”.
Được biết, ngày 28/9, UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt Quyết định điều chỉnh quy hoạch 1/500 của Dự án Khu đô thị nhà vườn sinh thái Văn Giang. Ngày 14/10/2021, UBND huyện Văn Giang cùng chủ đầu tư Xuân Cầu Holdings công bố điều chỉnh quy hoạch 1/500 Dự án Khu đô thị sinh thái Văn Giang. Dự án có quy mô 198,4ha nằm hoàn toàn ngoài đê sông Hồng trên địa bàn thị trấn Văn Giang, chỉ cách trung tâm Thành phố Hà Nội 15km. Vị trí dự án giáp Thành phố Hà Nội ở phía Tây; Phía Bắc giáp xã Phụng Công, huyện Văn Giang; phía Nam giáp xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang; Phía Đông giáp hành lang đê tả sông Hồng, thị trấn Văn Giang.
Các sản phẩm chính của Khu đô thị nhà vườn sinh thái Văn Giang bao gồm nhà ở biệt thự, liền kề, chung cư cao tầng. Nhà ở liền kề 4,5 tầng, diện tích từ 96m2 – 120m2; shophouse ven hồ từ 120m2 – 150m2; biệt thự chiếm số lượng lớn nhất từ 200m2 – 360m2, biệt thự đảo trung bình 500m2. Công trình công cộng cao tầng có tầng cao 9 – 45 tầng, quy mô dân số dự kiến 42.000 người.
Chia sẻ về lý do vì sao sau 10 năm Dự án Khu đô thị nhà vườn sinh thái Văn Giang vẫn nằm ở vạch xuất phát, mặc dù dự án này rất được quan tâm từ lãnh đạo địa phương. Đại diện Sở Xây dựng Hưng Yên chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng: Dự án này nằm trong tổng thế 900ha khu vực ngoài bãi Sông Hồng, là khu vực được phép nghiên cứu xây dựng mới, mật độ xây dựng rất thấp, chỉ 5% tương đương 45ha. Trong đó, dự án của Công ty Xuân Cầu chiếm gần 200ha, nhưng diện tích xây dựng khoảng 45ha lại nằm trọn trong 200ha của Dự án khu đô thị nhà vườn sinh thái Văn Giang. Vừa qua, dự án điều chỉnh lại quy hoạch theo hướng tăng thêm số tầng, tăng quy mô dân số nên phải báo cáo Thủ tướng. Vì vậy, để dự án đi vào triển khai được sẽ còn “vất vả nữa”.
Lý do dẫn tới dự án bị chậm nhiều năm, chính là do phải chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng. Trước đó, dự án mặc dù đã được quy hoạch, nhưng vẫn phải chờ quyết định của Thủ tướng về quy hoạch đê điều. Năm 2016, có quyết định của Thủ tướng thì chủ đầu tư lại đề xuất điều chỉnh chi tiết, nâng cao số tầng và quy mô dân số, vì vậy dự án thuộc thầm quyền của Thủ tướng nên phải chờ báo cáo – đại diện Sở Xây dựng Hưng Yên thông tin thêm.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Văn bản số 4245/BNN-PCTT ngày 07/7/2021 trả lời tỉnh Hưng Yên về việc đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Dự án khu đô thị nhà vườn sinh thái Văn Giang. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho ý kiến: Vị trí của dự án nằm trong danh mục các bãi sông có thể nghiên cứu xây dựng tại phụ lục V, quyết định 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu tỉnh Hưng Yên bám vào quy định pháp luật, chủ động nghiên cứu, chỉ đạo thực hiện dự án theo quy định.
Mặc dù vẫn đang trong quá trình làm thủ tục nhưng đã có nhiều trang mạng rao bán tràn lan. |
Như vậy, siêu Dự án khu đô thị nhà vườn sinh thái Văn Giang của Công ty TNHH Xuân Cầu mặc dù đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất nhiều từ tỉnh Hưng Yên cũng như các Bộ, ban, ngành. Đến nay, sau 10 năm kể từ khi dự án được phê duyệt vẫn còn đang ở vạch xuất phát, một phần do “vướng cơ chế” chính sách, nhưng một phần cũng do chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch nhằm tăng cao hiệu quả đầu tư.
Hiện nay, mặc dù dự án này chưa được triển khai xây dựng, nhưng trên mạng đã xuất hiện 1 số thông tin chào bán sản phẩm nhà ở, biệt thự tại dự án này. Trong bối cảnh nhiều tỉnh thành đang bùng lên những cơn sốt đất ảo khiến thị trường bất động sản “dậy sóng”. Chính phủ và UBND các tỉnh đang ráo riết tìm các giải pháp căn cơ để chặn đứng tình trạng sốt đất, thổi giá đất nhằm bình ổn thị trường.
Nhiều ý kiến chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, việc dự án bị chậm hàng chục năm là chuyện diễn ra thường xuyên, trong đó có thể kể đến lý do như do vướng thủ tục, chính sách nhưng cũng không loại trừ trường hợp nhiều nhà đầu tư có tầm nhìn, sẵn sàng “ôm đất” từ sớm, rồi đắp chiếu để đó, chờ sau 1 thời gian dài cho thị trường khu vực ấm lên rồi mới bắt tay vào đầu tư, xây dựng và “bung hàng” để thu lãi đậm. Nguyên nhân ở chỗ, nếu dự án được phê duyệt sớm thì giá đất phải nộp cho ngân sách cũng sẽ rất thấp, sau 10 năm, giá bán bất động sản sẽ tăng lên rất nhiều, do vậy nhà đầu tư sẽ thu về “mẻ cá lớn”.
Việc lãng phí tài nguyên đất và các nguồn lực xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng thời gian qua đã được đề cập tại nhiều diễn đàn, để sớm đưa dự án vào triển khai xây dựng và đưa dự án vào hoạt động thì cần những giải pháp và chính sách căn cơ. Đồng thời, các cơ quan liên quan cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo các doanh nghiệp được phê duyệt dự án thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch, cam kết đã được duyệt giúp tăng hiệu quả phát triển kinh tế xã hội, tăng nguồn cung sản phẩm bất động sản cho thị trường, tăng nguồn thu cho ngân sách. Quyết liệt ngăn chặn tình trạng “ôm đất”, giữ đất sau hàng chục năm.
Nguồn: Báo xây dựng