Vĩnh Long: Tìm giải pháp phục hồi du lịch

(Xây dựng) – Vĩnh Long đã từ lâu nổi tiếng xứ miệt vườn sông nước, nơi hấp dẫn du khách gần xa đến trải nghiệm những cù lao xanh ngát cây lành trái ngọt, nơi có nhiều món ngon trứ danh mà du khách ai cũng muốn thưởng thức. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành Du lịch Vĩnh Long, tổng lượt khách giảm đến 40%, trong đó khách quốc tế giảm 95% so với cùng kỳ năm 2020. Để tìm giải pháp hồi phục du lịch trong tình hình “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long vừa mới tổ chức Hội nghị “Đề xuất giải pháp phục hồi du lịch tỉnh Vĩnh Long”.

vinh long tim giai phap phuc hoi du lich
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Long, phát biểu chỉ đạo Hội nghị đề xuất giải pháp phục hồi du lịch tỉnh Vĩnh Long.

Ngành Du lịch đối mặt nhiều khó khăn

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cho biết liên tiếp trong 02 năm (2020-2021) ngành Du lịch Vĩnh Long đối mặt với nhiều khó khăn. Từ năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới và đã ngay lập tức ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của ngành Du lịch. Trong đó có du lịch Việt Nam nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng.

Tại Vĩnh Long, tính cả năm 2020 có tổng lượt khách du lịch đến tỉnh chỉ đạt 665.000 lượt, giảm 55,5% so với năm 2019; doanh thu đạt 190 tỷ đồng, giảm 335 tỷ đồng so với cùng kỳ. Các cơ sở du lịch, tàu du lịch trong tỉnh đã phải ngưng hoạt động trong thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách. Cả sau thời gian hết giãn cách các cơ sở cũng hoạt động cầm chừng. Đối với các vùng cù lao với loại hình homestay cũng chịu tác động nặng nề vì không có khách nước ngoài, trong khi loại hình này trước đây phục vụ khách nước ngoài là chủ yếu. Vì vậy, gần như các homestay đều ngưng hoạt động giai đoạn đầu, sau đó thực hiện Chương trình phát động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” từ tháng 7/2020 các cơ sở homestay linh hoạt chuyển hướng chiến lược kinh doanh sang phục vụ thị trường khách nội địa, mặc dù có được thành công bước đầu để phục hồi nhưng doanh thu so trước đây đã giảm đáng kể.

Tàu du lịch hoạt động cũng trong khoảng 50-60% công suất so với trước. Các điểm vườn sinh thái còn khoảng hơn 30 vườn, cũng giảm bớt lượt khách do tâm lý e ngại dịch bệnh. Lao động ngành Du lịch bị biến động, nhiều lao động phải tạm ngưng công việc, nghỉ việc không hưởng lương trong thời gian giãn cách, một số đã phải chuyển sang các ngành nghề khác mưu sinh tạm thời – tỷ lệ này chiếm trên 40%. Hoạt động quảng bá xúc tiến bị tác động, nhiều kế hoạch, hội thảo, hội nghị, Ngày hội du lịch… phải dừng lại, chủ yếu quảng bá được du lịch của địa phương trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng quảng bá qua mạng xã hội. Nhìn chung, tuy ngành Du lịch gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều cơ sở vẫn cố gắng bám trụ, chỉ giảm quy mô và nhân sự, cùng niềm tin du lịch phục hồi trong năm 2021.

Đầu năm 2021, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát tốt. Khoảng thời gian đầu năm đến cuối tháng 5/2021, du lịch của tỉnh đang có bước phục hồi. Các cơ sở kinh doanh du lịch trong tỉnh chỉnh trang lại cơ sở, tập trung phục vụ du khách trong các đợt nghỉ lễ, cuối tuần, kết nối lại với nguồn khách trước đây, xây dựng sản phẩm mới với các hoạt động trải nghiệm thú vị (trò chơi dân gian có thưởng, thi làm bánh, tour gắn kết di sản Mang Thít…) khuyến mãi quà tặng thu hút… qua đó cũng đã được đông đảo du khách hưởng ứng. Tổng lượt khách đến tham quan du lịch trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 360.000 lượt khách (đạt 45% chỉ tiêu năm 2021, tăng trên 11% so với cùng kỳ 2020). Trong đó, khách quốc tế ước đạt 1.800 lượt (giảm trên 95% so với cùng kỳ năm 2020 – khách quốc tế chủ yếu là các chuyên gia đến và ở lại Việt Nam công tác giai đoạn này); Khách nội địa ước đạt 358.200 lượt, (tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2020). Doanh thu trên 150 tỷ đồng (đạt hơn 50% so với chỉ tiêu 2021, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2020).

Nhưng đợt dịch lần thứ tư tiếp tục bùng phát và khu vực ảnh hưởng nặng rơi vào Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đợt dịch kéo dài đến nay vẫn còn diễn biến phức tạp và các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát để dập dịch dẫn đến lượng khách và doanh thu của du lịch Vĩnh Long đã giảm đến mức thấp nhất từ trước đến nay. Ước tổng lượt khách năm 2021 đạt: 397.000 lượt, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2020 (năm 2020 đạt 665.000 lượt). Trong đó, khách quốc tế ước đạt 1.886 lượt khách, giảm 95% so với cùng kỳ năm 2020; khách nội địa ước đạt 395.114 lượt khách, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu ước đạt 186 tỷ đồng, chỉ đạt 64,1% kế hoạch năm 2021. Tiếp tục lại là một năm với những con số buồn của ngành Du lịch. Khoảng 50% cơ sở hoạt động cầm chừng, còn lại đa số các cơ sở với quan điểm tình hình dịch ổn mới hoạt động lại. Các tàu du lịch hầu như ngưng hoạt động vì thiếu vắng khách. Các điểm vườn đến mùa trái cây nhưng thiếu vắng khách, khó khăn trong tiêu thụ, giảm số lượng đáng kể.

vinh long tim giai phap phuc hoi du lich
Du khách nước ngoài tham quan cù lao An Bình, Vĩnh Long (ảnh chụp trước khi dịch Covid-19).

Tìm những giải pháp hồi phục du lịch trong tình hình thích ứng an toàn

Hội nghị đề xuất giải pháp phục hồi du lịch tỉnh Vĩnh Long dưới sự chủ trì bà Nguyễn Thị Quyên Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, cùng sự tham dự của lãnh đạo Hiệp hội du lịch tỉnh Vĩnh Long, đại diện lãnh đạo các Sở, ngành liên quan, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Phòng Văn hóa và Thông tin và đại diện 20 cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Hội nghị nhận định tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, theo dự báo của một số chuyên gia thì du lịch Việt Nam nói chung và các tỉnh miền Tây trong đó có Vĩnh Long phải giữa năm 2022 mới bắt đầu có chiều hướng khởi sắc lại và phải cuối năm 2022 mới có chiều hướng hồi phục. Do đó các cơ sở kinh doanh phải trên tư thế còn bị ảnh hưởng trong thời gian dài, cần xây dựng phương án tối ưu thực hiện mục tiêu kép.

Mục tiêu kép vừa sản xuất kinh doanh vừa phòng dịch là phương án hiện nay đang triển khai, song để thực hiện tốt vấn đề này thì cần 5K + vắc xin, ý thức mỗi người, công tác quản lý cần quan tâm. Vấn đề vắc xin cho nhân lực du lịch nói riêng cũng như các ngành nói chung là vấn đề quan trọng. Doanh nghiệp nhỏ, có sự lệ thuộc vào các doanh nghiệp lữ hành Thành phố Hồ Chi Minh và Hà Nội (chức năng nối tour), nên sự ảnh hưởng cũng như phục hồi ngành Du lịch của tỉnh sẽ liên quan trực tiếp đến ngành Du lịch của các địa phương trên, đặc biệt Thành Hồ Chí Minh.

Doanh nghiệp ngành Du lịch Vĩnh Long kiến nghị UBND tỉnh quan tâm tạo điều kiện trong việc đăng cai các sự kiện mang tính cấp vùng được tổ chức tại tỉnh, nhằm tạo điểm nhấn trong giới thiệu quảng bá du lịch tỉnh Vĩnh Long đến các đối tượng khách trong vùng liên kết, góp phần phục hồi phát triển du lịch sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Chỉ đạo các ngành chuyên môn triển khai nhanh các gói hỗ trợ theo quy định, đặc biệt về thuế và tín dụng vay.

Ông Phan Văn Giàu – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Để an toàn cho các cơ sở kinh doanh du lịch, các phương tiện giao thông vận tải giao Phòng Quản lý du lịch sẽ liên hệ để cập nhật những thông tin về biểu mẫu đăng lên Cổng Thông tin Du lịch. Tất cả các nhân viên phục vụ du lịch, tài công phải được ưu tiên tiêm vacxin đủ 02 mũi để thuận lợi cho việc kinh doanh.

Căn cứ theo Hướng dẫn 3862/HS-BVHTTDL về Hướng dẫn tạm thời việc thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có hướng dẫn cụ thể cho ngành trong địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, Sở sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng kế hoạch, phương án phòng dịch và sẽ tổ chức đoàn kiểm tra đánh giá quá trình thực hiện. Cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá du lịch Vĩnh Long trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội. Khuyến khích các cơ sở kinh doanh du lịch tham gia cuộc thi “Sáng tác video clip và viết bài cảm nhận về du lịch Vĩnh Long” năm 2021.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng: Tuyệt đối không chủ quan lơ là, phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của tỉnh. Việc mở cửa các cơ sở kinh doanh du lịch trên tinh thần phải thận trọng, an toàn, đặt vấn đề sức khỏe và sự phát triển của cơ sở mình hàng đầu. Nếu không đảm bảo an toàn, khi có vấn đề xảy ra sẽ ảnh hưởng rất lớn không chỉ ở hiện tại mà còn ảnh hưởng về lâu dài. Vấn đề thích ứng an toàn linh hoạt hiệu quả trong phục hồi du lịch là nhiệm vụ cần đặt lên hàng đầu để du lịch phát triển bền vững là trách nhiệm của tất cả các Sở, ban, ngành trong tỉnh.

Cần phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan khẩn trương triển khai thực hiện việc hướng dẫn phòng chống dịch cũng như tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch tại các cơ sở kinh doanh du lịch. Các cơ sở kinh doanh du lịch cần phải có trách nhiệm và nghiêm túc phối hợp thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định… Cần quan tâm thực hiện đồng bộ, không làm tự phát riêng lẻ, mỗi người một kiểu để đảm bảo mục tiêu phát triển du lịch nội địa làm nền tảng cho phát trển du lịch của tỉnh qua việc tăng cường quảng bá hình ảnh, con người Vĩnh Long, di tích lịch sử văn hóa… trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội với thông điệp “Du lịch Vĩnh Long an toàn thân thiện hấp dẫn”.

Các cơ sở kinh doanh du lịch cần quan tâm, tự bản thân tự điều chỉnh cách kinh doanh hoạt động sao cho hiệu quả, không tự phát riêng lẻ mà phải có sự gắn kết chặt chẽ với nhau, kết nối tour tuyến với các tỉnh trong khu vực, chú trọng đối với đầu mối liên kết Thành phố Hồ Chí Minh với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Cần quan tâm đến không gian nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí tạo cảm giác thoải mái, sạch sẽ, an toàn, thẩm mỹ, thân thiện… Các dịch vụ này phải đảm bảo đạt chuẩn và hấp dẫn được du khách.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích