Khai thác thế mạnh du lịch nhân văn, đưa Long An đến gần với du khách
Là vùng đất giàu lịch sử-văn hóa, tỉnh Long An có đời sống văn hóa khá đa dạng, phong phú với 121 di tích lịch sử-văn hóa, trong đó có 21 di tích cấp quốc gia và 100 di tích cấp tỉnh.
Một góc làng cổ Phước Lộc Thọ, Long An. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam) |
Long An chia tiềm năng, lợi thế du lịch làm ba loại hình: du lịch sinh thái, du lịch sông nước và du lịch nhân văn. Trong số đó, hầu như mới chỉ khai thác về du lịch sinh thái, hai loại hình còn lại có nhiều cơ sở, tiềm năng nhưng chưa được khai thác bao nhiêu.
Địa phương đã có nhiều giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, đưa hình ảnh đất và người Long An đến gần với du khách hơn.
Là vùng đất giàu lịch sử-văn hóa, tỉnh Long An có đời sống văn hóa khá đa dạng, phong phú với 121 di tích lịch sử-văn hóa, trong đó có 21 di tích cấp quốc gia và 100 di tích cấp tỉnh; hai bảo vật quốc gia; 5 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; trên 200 lễ hội với quy mô và tính chất khác nhau; 10 loại hình nghệ thuật truyền thống…
Du lịch tâm linh – mang đạo đến gần với đời
Vài năm gần đây, xu thế tìm về nét Việt xưa được giới trẻ ưa chuộng. Việc diện lên mình những trang phục cổ và check-in trong những không gian xưa được giới trẻ rất yêu thích.
Với đam mê tìm hiểu sưu tập đồ vật cổ những năm 80, 90 của thế kỷ trước từ gần chục năm nay, Đại đức Thích Hoàng Nghệ (chùa Minh Châu, xã Phước Vân, huyện Cần Đước) đã phục dựng được một không gian Việt xưa trong khuôn viên chùa làm điểm đến quen thuộc của nhiều du khách gần xa.
Đại đức Thích Hoàng Nghệ cho biết, khu Nét Việt xưa được chùa xây dựng 3 năm nay với căn nhà gỗ mái lá theo lối kiến trúc xưa của người miền Tây Nam Bộ.
Nhà chùa sưu tầm và được cúng dường nhiều món đồ được sử dụng trong gia đình những năm 80-90 như chiếc đàn kìm-nhạc cụ chính của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, bộ sofa, bộ ngựa, máy may, bàn ủi bằng than, tủ buyp-phê, dụng cụ ăn trầu, dụng cụ nhà bếp như cà ràng (bếp), ơ (xoong), cũi (tủ đựng chén bát, đồ ăn). Thậm chí, chùa được cúng dường những món đồ quý như bàn gỗ xoay có tuổi thọ hơn 200 năm…
Bên cạnh mái nhà xưa, thầy Hoàng Nghệ trang bị một góc các loại trang phục cổ như áo tấc, áo bà ba, áo dài kết hợp với túi xách làm thủ công từ các làng nghề quê hương như tụng bàng (túi xách làm từ cỏ bàng)…
Đồng thời, thầy cho phục dựng góc phố với những tiệm bán đồ cổ như cửa hàng vật dụng gia đình, thuốc đông y, tiệm may, tiệm băng đĩa cải lương… Đến đây, du khách có thể cảm nhận đầy đủ về một thời của “ông bà ta.”
Đại đức Thích Hoàng Nghệ chia sẻ: “Tôi đã nghĩ ông bà mình sử dụng đồ không tân tiến nhưng luôn có sự bình yên, giản dị, gần gũi với nhau, không bị các thiết bị, phương tiện công nghệ chi phối. Vì thế, tôi nặng lòng với những nét xưa, muốn tái tạo lại để thế hệ sau thấy và cảm được cuộc sống của thời ông bà ta. Sau khi thực hiện, được nhiều du khách biết đến là điều chúng tôi rất hoan hỉ, đây cũng là cách tôi tạo sự gần gũi giữa đời và đạo, khiến thế hệ trẻ đến chùa không e ngại, đến chùa nhiều hơn cho tâm mình thanh tịnh.”
Chùa tăng cường quảng bá du lịch tâm linh với các hoạt động trải nghiệm hoàn toàn miễn phí qua các kênh mạng xã hội. Do vậy, du khách, nhất là các bạn trẻ tại Long An và các tỉnh, thành lân cận biết và đến chùa Minh Châu nhiều hơn qua mỗi năm.
Trong 3 năm gần đây, năm đầu chùa đón 48 lượt khách, năm thứ 2 hơn 1.000 lượt và chỉ trong dịp đầu năm 2021 đón gần 4.000 lượt khách…
Chị Đinh Thị Thùy Dương ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An cho biết chị biết đến xu hướng bận cổ phục và tìm về không gian xưa được yêu thích và phổ biến trong giới trẻ khoảng 2-3 năm gần đây. Thông qua mạng xã hội, chị biết nhiều bạn có những bộ ảnh mang nét xưa độc đáo. Đây cũng là cách để tìm hiểu về văn hóa, cội nguồn dân tộc và lưu giữ khoảnh khắc thanh xuân của mình trong một diện mạo khác lạ.
Theo chị Dương, không gian xưa được đặt trong khuôn viên chùa rất thích hợp, lôi cuốn du khách, đặc biệt là các bạn trẻ đang có cuộc sống khá vội vã, tất bật muốn có một khoảng lặng, muốn tìm về một nơi cho mình cảm giác yên bình những khi có dịp.
“Nếu có thời gian, mình muốn đến đó và bận đồ bà ba để chụp một bộ ảnh, vì từ nhỏ thấy mẹ bận đồ bà ba mình đã mê lắm. Nếu như ngày xưa, mẹ mình và người miền Tây nói chung bận đồ bà ba như đồ mặc thường ngày, nay chỉ mặc khi đi chơi, có dịp quan trọng hay lễ, Tết. Mặc dù bây giờ, mẹ và mọi người xung quanh không bận đồ bà ba thường xuyên nữa, nhưng hình ảnh và cái cảm giác mê trang phục của mẹ – của người miền Tây vẫn còn nguyên đối với mình” – chị Dương chia sẻ.
Nỗ lực quảng bá du lịch nhân văn
Tổ đình Kim Cang thuộc ấp Bình Cang 1, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An là ngôi cổ tự uy nghi, bề thế, được xem là trung tâm Phật giáo, nơi đào tạo tăng tài vào thế kỷ XIX, một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Long An và các tỉnh miền Tây vì lịch sử lâu đời. Khuôn viên chùa có khu bảo tháp với một số tháp lớn, nhỏ khác nhau, trong đó có một ngôi tháp được cho là có sẵn từ trước khi chùa được xây dựng.
Tổ đình Kim Cang. (Nguồn: baolongan.vn) |
Đây là nơi xuất gia tu học của nhiều vị danh tăng có ảnh hưởng lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX. Ngôi chùa này còn là nơi in ấn, phát hành kinh sách lớn nhất miền Nam Bộ. Tại Tổ đình còn lưu lại hàng trăm bản khắc gỗ để in kinh Phật. Ngoài ra, chùa Kim Cang còn lưu giữ nhiều tượng Phật bằng gỗ và chiếc chuông đồng có niên đại từ thế kỷ XIX.
Trụ trì Tổ đình Kim Cang Thượng tọa Thích Tắc Quảng cho biết chùa được xây dựng theo phong cách tối giản nên không có nhiều tượng Phật mới, các tượng thờ hiện tại ở chùa hầu hết đều được kế thừa từ trước.
Khuôn viên Tổ đình Kim Cang rộng khoảng 6.000m2, khu đất này được một thí chủ cúng dường từ những ngày đầu, hiện trong sân chùa vẫn còn tấm bia ghi rõ công đức của ông. Khuôn viên rộng lại cạnh bờ sông nên không gian chùa Kim Cang rất mát mẻ. Phía sau chùa là bến sông, khi xưa chưa phát triển đường bộ, nơi đây là lối cửa chính.
Ngày nay, lối cổng này là nơi phóng sinh của chùa, hàng năm thu hút rất đông tăng, ni, phật tử về phóng sinh vào các dịp khác nhau, đây được xem là một nét đặc trưng của chùa Kim Cang.
Tổ đình Kim Cang lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử nổi bật với nhiều cổ vật, bảo tháp trong khuôn viên chùa, cùng kiến trúc uy nghi. Tuy nhiên, nơi đây còn nhiều hạn chế trong thu hút khách du lịch tâm linh.
Thượng tọa Thích Tắc Quảng cho biết từ khi có chủ trương kết hợp phát triển du lịch, bên cạnh bảo tồn các di tích, chùa đã xây mới và trùng tu nhiều hạng mục khang trang, đáp ứng nhu cầu đón tiếp du khách thập phương. Là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, du khách đến chùa chủ yếu là phật tử các tỉnh, thành lân cận đã nghe danh tiếng Tổ đình từ xưa.
Bên cạnh đó là những tour, tuyến do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết hợp với các công ty lữ hành từ Thành phố Hồ Chí Minh. Hạn chế hiện nay chủ yếu là giao thông không thuận lợi do khoảng các giữa các điểm chùa, đình trên địa bàn tỉnh khá xa, gây khó khăn trong việc kết nối tour, tuyến. Bên cạnh đó, sự quảng bá, liên kết chưa nhiều, người dân chưa biết nhiều đến Tổ đình Kim Cang…
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An Nguyễn Tấn Quốc thông tin tỉnh có 121 di tích lịch sử-văn hóa, trong đó có 21 di tích cấp quốc gia…
Các di tích của Long An khá tiêu biểu trên lĩnh vực khảo cổ, di tích nghệ thuật, di tích lịch sử cách mạng, đã, đang được đầu tư trùng tu, tôn tạo. Từ năm 2017, thực hiện Chương trình số 13-CTr/TU của Tỉnh ủy Long An về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị “về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn,” Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” trên địa bàn tỉnh.
Trên quan điểm đó, trước đây, các di tích lịch sử-văn hóa chỉ là trùng tu theo hướng khoa học, bảo tồn và phát huy, hiện nay song song với đó là tập trung khai thác du lịch. Theo ông Nguyễn Tấn Quốc, các di tích của tỉnh không những trùng tu, tôn tạo, mà còn tăng cường các biện pháp mời gọi đầu tư theo xu hướng mở ra các cơ sở hạ tầng, dịch vụ thu hút du khách, không chỉ thuần túy như di tích, bảo tồn và giáo dục truyền thống mà tập trung hướng đến du lịch nhiều hơn.
Khó khăn hiện nay là di tích lịch sử-văn hóa muốn được kêu gọi đầu tư theo quy định phải nằm trong danh mục được xã hội hóa. Tỉnh Long An đã có giải pháp tháo gỡ là kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tách những phần đất không gắn với di tích cần bảo tồn, từ đó kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ thu hút du khách.
Hiện địa phương đã kêu gọi đầu tư Khu Di tích lịch sử cách mạng Bình Thành (xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ); đang mời gọi đầu tư di tích ngã tư Đức Hòa (huyện Đức Hòa); Khu di tích Đồn Rạch Cát (huyện Cần Đước)…
Một số tour, tuyến du lịch nhân văn các công ty lữ hành đã khai thác tại Long An như Bến Bạch Đằng Sài Gòn-chùa Tường Vân (Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) – Tham quan gia đình làm bánh tét, trải nghiệm gói, luộc và dùng thử bánh tét và nghe đờn ca tài tử – chợ Thủ Thừa – chùa Long Thạnh – thánh thất Cao Đài (Thủ Thừa, Long An).
Tour về miền di sản Thành phố Hồ Chí Minh-Long An (Cần Đước, Cần Giuộc), tìm hiểu cội nguồn của miền đất di sản thông qua tham quan: Tổ đình Tôn Thạnh – di tích lịch sử cấp quốc gia có lịch sử hơn 200 năm tuổi, là nơi Nguyễn Đình Chiểu đã sống và viết những áng văn bất hủ “Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc;” Đồn Rạch Cát – pháo đài quân sự vào loại nhất nhì Việt Nam do thực dân Pháp xây dựng kiên cố vào năm 1903, một trận địa pháo lớn tầm cỡ nhất nhì Đông Dương đã tồn tại hơn 100 năm qua; Nhà Trăm Cột – di tích lịch sử cấp quốc gia – công trình kiến trúc điêu khắc cổ đã có từ hơn 100 năm nay, bằng chất liệu chủ yếu là các loại gỗ quý như cẩm lai, mun….
Bên cạnh đó là tham quan và thưởng thức nghệ thuật đờn ca tài tử tại Đình Vạn Phước – Di tích lịch sử cấp tỉnh, nơi thờ đức nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Quang Đại, người sáng lập và truyền dạy bộ môn Đờn ca tài tử Nam Bộ, Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; thưởng thức đặc sản Lạp xưởng Cô Châu – nổi tiếng với thương hiệu lạp xưởng truyền thống trên 40 năm; trải nghiệm làm bánh in truyền thống của quê hương Cần Đước – nghề truyền thống của tỉnh được công nhận năm 2015./.
Nguồn: Báo xây dựng