Cần làm rõ dấu hiệu tiêu cực tại Bệnh viện Mắt Trung ương

a7b7f1af7c0db453ed1c
Hình ảnh Bệnh viện mắt Trung ương.

Dấu hiệu thiếu minh bạch trong công tác đấu thầu

Được biết từ năm 2017 đến năm 2020, Bệnh viện Mắt Trung ương (Bệnh viện) phải chi hàng trăm tỷ đồng cho nhóm hàng thủy tinh thể nhân tạo. Tuy nhiên, theo phản ánh, công tác đấu thầu các gói thầu mua sắm thủy tinh thể nhân tạo tại Bệnh viện có nhiều dấu hiệu mập mờ, không minh bạch. Cụ thể, trong nhiều hồ sơ mời thầu, với tư cách là bên mời thầu, Bệnh viện đã định sẵn các tiêu chí như: thiết kế càng, chiều dài tổng thể L, hệ số chiết xuất, độ sâu tiền phòng, hằng số A, công nghệ sản xuất,… đã vi phạm khoản 2 Điều 12 Nghị định 63/2014/NĐ-CP: “không đưa các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu nhoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu. Điều này tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà thầu” và khiến tỷ lệ tiết kiệm trong các gói thầu trở nên thấp.

Điển hình như gói thầu 03: vật tư tiêu hao phẫu thuật giác mạc có giá 63.846.047.740 đồng, liên danh Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Việt Can, Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và phát triển Gia Minh đã trúng thầu với giá 63.696.047.740 đồng tiết kiệm 150 triệu đồng theo quyết định số 464/QĐ-BVMTW ngày 18/04/2018.

Hay tại gói thầu 02 danh mục vật tư tiêu hao sử dụng cho hệ thống Quest, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Việt Can đã trúng thầu với giá 11.598.010.000 đồng và giá gói thầu là 11.598.010.000 đồng. Mức tiết kiệm từ gói thầu này là “0” đồng theo Quyết định số 1021/QĐ-BVMTW.

Tại gói thầu số 07: thủy tinh thể nhân tạo đặc biệt, liên danh Công ty Thành Công, Công ty Bách Quang, Công ty Codupha, Công ty Thiên Bảo Nguyên, Công ty Dược phẩm trang thiết bị y tế TD đã trúng thầu với giá 71.002.396.000 đồng (giá mời thầu là 71.002.396.000 đồng). Gói thầu lớn hơn 71 tỷ đồng sau khi chia thành những gói nhỏ vẫn không tiết kiệm được đồng nào cho ngân sách theo Quyết định số 363/QĐ-BVMTW ngày 04/7/2017 khiến dư luận đặt dấu hỏi rất lớn?

Một thực tế cho thấy từ nhiều năm nay, Bệnh viện Mắt Trung ương luôn có nhà thầu “quen mặt bách chiến bách thắng”. Trong đó, phải kể đến Công ty TNHH Thương mại Bách Quang (từ năm 2017 đến năm 2020 trúng thầu nhiều gói thầu, với tổng giá trị lên tới 150,7 tỷ đồng); Công ty TNHH Thiết bị y tế Thành Công (tháng 4/2017, Bệnh viện Mắt Trung ương công bố kết quả lựa chọn nhà thầu của 07 gói thầu lớn, có giá trị hơn 383,6 tỷ đồng, thì Công ty Thành Công đã trúng 5/7 gói thầu)…

Cũng theo phản ánh, nhiều thiết bị có dấu hiệu bị đẩy giá lên cao cũng xuất hiện liên tiếp tại Bệnh viện, khi 03 gói thầu mua thủy tinh thể nhân tạo: gói 05, 06, 07 năm 2017 có 05 mặt hàng có hợp đồng cung cấp cho Bệnh viện nhưng không lấy theo giá hợp đồng mà lấy theo giá cao hơn giá hợp đồng.

Trong năm 2018, Bệnh viện mua 3.500 thủy tinh thể nhân tạo có model CT Lucia 201P do Công ty Gia Minh cung cấp với giá 3,5 triệu đồng/cái. Điều đáng nói ở đây, sản phẩm này tại Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh chỉ mua với giá 3,4 triệu đồng/cái và vừa bị Bộ Công an xác định là có sai phạm.

Tương tự, năm 2018, Bệnh viện ký 02 hợp đồng mua sắm máy phẫu thuật cận thị bằng Laser Excimer có tên máy Amaris của hãng Schwind – Đức với giá 20 tỷ đồng/máy. Nhưng cùng dòng máy này, cùng đời, cùng seri ngoài thị trường có giá 10 tỷ đồng/máy.

Những dấu hiệu tiêu cực trong hoạt động từ thiện

Theo thông tin phản ánh, là Bệnh viện tuyến đầu nên Bệnh viện Mắt Trung ương là nơi chọn mặt gửi vàng của nhiều tổ chức cá nhân. Tuy nhiên nhiều hoạt động từ thiện của Bệnh viện lại chưa rõ ràng, công khai minh bạch.

Cụ thể: từ tháng 3/2019 đến tháng 12/2019, tại 27 tỉnh thành, Bệnh viện Mắt Trung ương triển khai việc phẫu thuật đục thể thủy tinh – giảm tỷ lệ mù lòa do đục thủy tinh thể cho 5.000 ca là gia đình chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, Bệnh viện Mắt Trung ương chưa phối hợp thực hiện công tác quyết toán tài chính.

Theo phản ánh, trong 03 năm 2018, 2019, 2020: số lượng thủy tinh thể nhân tạo Phòng Tài chính – Kế toán mua nhập vào kho đi mổ từ thiện là 3.702 chiếc thủy tinh thể nhân tạo. Nhân viên đi mổ khai mổ được 4.954 ca. Hiện nay trong kho còn tồn lại 1.022 chiếc. Thực tế đã báo thanh toán là trên 5.200 ca mổ. Những con số biết nói trên có sự chênh lệch không hề nhỏ?  

Cũng tại chương trình phòng, chống mù lòa của Bộ Y tế từ ngày 4/12/2019 đến ngày 6/12/2019, số liệu thanh toán của Bệnh viện là 134 ca, nhưng giấy tờ thanh toán chỉ có 34 ca, thiếu 100 ca. Cùng đợt mổ này, Bệnh viện Mắt Trung ương tiến hành thanh toán 02 giá ở 02 đơn vị khác nhau: Quỹ Thiện Tâm có giá 3 triệu/1ca; Quỹ phòng, chống mù lòa của Bộ Y tế có giá 2.425 triệu/1ca. Dư luận đặt ra câu hỏi có hay không việc “chiếm dụng tiền từ thiện” ở Bệnh viện Mắt Trung ương?

Để thông tin khách quan tới bạn đọc, phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu đã đặt lịch làm việc với Bệnh viện Mắt Trung ương để làm rõ các vấn đề trên. Nhưng sau nhiều lần đặt lịch chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi từ phía Bệnh viện.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin./.

 

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích