Thừa Thiên – Huế: Chính quyền “tiền hậu bất nhất” gây khó cho nhà đầu tư dự án Goldland Plaza

(Xây dựng) – Khu đất dự án Goldland Plaza tại số 14, 16, 18 và 20 đường Lý Thường Kiệt (thành phố Huế) được nhà đầu tư mua lại một doanh nghiệp trúng đấu giá, không tranh chấp và thời hạn ổn định lâu dài. Thế nhưng, UBND tỉnh cho rằng đang gặp “vướng mắc” trong quá trình quản lý, sử dụng đất và “hẹn” chờ xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới xử lý?

thua thien hue chinh quyen tien hau bat nhat gay kho cho nha dau tu du an goldland plaza
Dự án Goldland Plaza tại số 14, 16, 18 và 20 đường Lý Thường Kiệt dừng thi công hơn 1 năm nay đề “chờ” xin điều chỉnh thiết kế và Giấy phép xây dựng khiến doanh nghiệp lao đao.

Tại kết luận buổi họp bàn phương án giải quyết các vướng mắc liên quan dự án Goldland Plaza tại số 14, 16, 18 và 20 đường Lý Thường Kiệt (thành phố Huế) do ông Phan Quý Phương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế chủ trì với các Sở, ban, ngành của tỉnh. Theo thông báo số 501/TB-UBND chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh có Công văn xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường về vướng mắc trong quá trình quản lý, sử dụng đất của dự án.

Liên quan đề xuất điều chỉnh Giấy phép xây dựng và phương án kiến trúc công trình tại khu đất thực hiện dự án Goldland Plaza tại số 14, 16, 18 và 20 đường Lý Thường Kiệt. Do nội dung này đang “vướng mắc” các thủ tục về quá trình quản lý, sử dụng đất và đang chờ xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường nên UBND tỉnh chưa thể xem xét giải quyết. Thông báo cũng nêu rõ: Yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và chủ đầu tư tiếp tục nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh, ông Trần Bá Mẫn – Phó Giám đốc Sở Tài chính cho rằng: Trước đây, UBND tỉnh có chủ trương gộp các khu đất số 14, 16, 18 và 20 đường Lý Thường Kiệt để bán đấu giá tạo thành một khu đất lớn lấy ngân sách làm khu hành chính tập trung. Lúc này, UBND tỉnh đã có văn bản xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường và được trả lời loại đất trên thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Sau khi trúng đấu giá, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức lấy ý kiến trước khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử đất cho Công ty Cổ phần Sông Đà – Thăng Long. Khi giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án và sau đó nhà đầu tư chuyển nhượng cho nhà đầu tư thứ cấp thì theo quy định là thời hạn sử dụng lâu dài.

Theo các chuyên gia luật, từ các tài liệu, hồ sơ liên quan việc Công ty Cổ phần Sông Đà – Thăng Long trúng đấu giá các lô đất trên và được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BA – 349657 ngày 02/02/2010 cho Công ty Cổ phần Sông Đà – Thăng Long với thời hạn lâu dài là hoàn toàn có căn cứ. Khi Công ty Công ty Sông Đà – Thăng Long chuyển nhượng tài sản cho Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng du lịch và phát triển Đất Vàng để thực hiện dự án Goldland Plaza, dựa trên quyền năng của người sử dụng đất có đủ các quyền chuyển nhượng khi đã thanh toán đủ giá trị quyền sử dụng đất với thời hạn ổn định lâu dài và không có tranh chấp. Do đó, việc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng du lịch và phát triển Đất Vàng làm thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 9/6/2014 là có căn cứ.

Theo trả lời của Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên – Huế cho UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường về hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các lô đất của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng du lịch và phát triển Đất Vàng; Căn cứ các quy định của pháp luật về đấu giá tài sản và Luật Đất đai cũng như văn bản hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì việc cấp và cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty Công ty Sông Đà – Thăng Long và sau đó là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng du lịch và phát triển Đất Vàng là có căn cứ chấp nhận được, cần được tiếp tục duy trì hiện trạng để đảm bảo sự ổn định.

Nếu UBND tỉnh cho rằng, phương án bán đấu giá các khu nhà đất số 14, 16, 18 và 20 đường Lý Thường Kiệt với thời hạn sử dụng đất lâu dài là không đúng với các quy định pháp luật đất đai thì cần xem lại quy hoạch sử dụng đất, hoặc quy hoạch xây dựng đô thị đã được phê duyệt vào thời điểm đó có thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh hay không? Nếu có ý kiến cho rằng có sai sót trong việc lập phương án chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức bán đấu giá, dẫn đến việc UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BA 349657 ngày 02/02/2010 cho Công ty Cổ phần Sông Đà – Thăng Long không đúng thời hạn sử dụng đất thì cần xác minh và truy cứu trách nhiệm công vụ của những cán bộ này vì khi phương án đấu giá do UBND đã ký ban hành thì UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm với sự phê duyệt của mình về tính minh bạch, công khai và ổn định của các thông tin đó. Các doanh nghiệp tham gia đấu giá và sau này là doanh nghiệp nhận chuyển nhượng tài sản chỉ là những người thứ ba ngay tình và phải được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo Điều 133, Bộ luật Dân sự năm 2015, đặc biệt ở khoản 2 Điều 133 này.

Do đó, khi Công ty Công ty Sông Đà – Thăng Long trúng đấu giá đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ để trở thành người sử dụng đất có đầy đủ các quyền năng của người sử dụng đất lâu dài thì việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng du lịch và phát triển Đất Vàng và được UBND tỉnh cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số BP 511837 ngày 07/7/2014 thì các giao dịch này phải được bảo vệ.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích