Thanh Hóa: Ra mắt mô hình 3/1 – tái hòa nhập cộng đồng
Đảng ủy xã Cẩm Ngọc, Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về việc xây dựng mô hình tái hòa nhập cộng đồng; UBND xã ban hành Kế hoạch triển khai xây dựng mô hình “3/1 về tái hòa nhập cộng đồng” và thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo.
Với mục đích thực hiện có hiệu quả Nghị định số 49/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng (thay thế cho Nghị định số 80/2011/NĐ-CP), giúp người tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, góp phần phòng ngừa, hạn chế tình trạng tái phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự.
Mô hình “3/1 về tái hòa nhập cộng đồng” lấy phương châm hoạt động: “cả hệ thống chính trị xã hội tham gia đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng; mỗi thành viên của Hội, đoàn thể là cầu nối để người chấp hành xong án phạt tù xóa bỏ mặc cảm, tự ti, không tái vi phạm pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, tích cực tham gia tố giác tội phạm và hòa nhập với cộng đồng”.
Phương thức hoạt động mô hình: ba thành viên thuộc các hội, đoàn thể tham gia quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ một người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Với những biện pháp phù hợp, thiết thực nhất để nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, (trong đó Trưởng ban Công tác mặt trận các thôn làm Tổ trưởng và căn cứ vào độ tuổi, giới tính, công việc để phân công 2 thành viên còn lại thuộc các hội, đoàn thể tham gia quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ cho phù hợp).
Định kỳ 3 tháng/lần, 3 thành viên tham gia quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ cập nhật tình hình; báo cáo kết quả quản lý, cũng như là nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người chấp hành xong án phạt tù để có những biện pháp giúp đỡ, định hướng kịp thời và hiệu quả.
Tại lễ ra mắt, lãnh đạo huyện Cẩm Thủy đã biểu dương, đánh giá cao mô hình, cách thức triển khai của xã Cẩm Ngọc, đồng thời đề nghị cấp ủy, chính quyền xã cần nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn xã về công tác tái hòa nhập cộng đồng gắn với bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn xã; chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình tham gia giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù. Chủ động nắm tình hình hoạt động, tâm tư nguyện vọng, những thuận lợi, khó khăn của người chấp hành xong hình phạt tù để phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan thống nhất biện pháp giáo dục, giúp đỡ; tìm kiếm việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho những người chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương ổn định cuộc sống./.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu