Dự thảo quy định quản lý việc lưu hành sản phẩm mỹ phẩm của Ai Cập
Phía Liên minh châu Âu cho hay, dự thảo Hướng dẫn Quy định về Lưu hành Sản phẩm Mỹ phẩm ở Ai Cập, một biện pháp không được thông báo cho các nước Thành viên WTO theo nghĩa vụ minh bạch hoá của Hiệp định TBT. EU nhắc lại Điều 2.9.2 Hiệp định TBT rằng các quy định kỹ thuật được đề xuất phải thông báo tại thời điểm thích hợp, đó là khi Ai Cập có thể tham khảo ý kiến góp ý của các bên liên quan và sửa đổi dự thảo nếu cần thiết.
EU hoan nghênh quyết định của Ai Cập trong việc hài hòa hóa quy định mỹ phẩm của mình với các quy định thực hành tốt và dựa trên cơ sở thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, biện pháp mới này vẫn tồn tại gánh nặng trong quá trình phê duyệt sản phẩm khi thông quan và đưa ra thị trường. Điều này dẫn đến rủi ro và khó khăn cho các nhà sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm ở Ai Cập.
Đặc biệt, EU đề nghị Ai Cập xem xét loại bỏ quy trình phê duyệt trước (đăng ký) và cho phép sản phẩm được trực tiếp đưa vào thị trường sau khi nhà sản xuất cung cấp đầy đủ thông tin sản phẩm. Việc phê duyệt trước khi đưa ra thị trường là gánh nặng cho Cơ quan chức năng trong việc bảo vệ người tiêu dùng vì tài liệu được gửi có thể không phản ánh thực tế sản phẩm và các yếu tố vi phạm có thể bị bỏ qua.
Hơn nữa, việc phê duyệt trước khi đưa ra thị trường làm tăng thêm chi phí không cần thiết và gây ra sự chậm trễ đáng kể trong việc đưa sản phẩm ra thị trường. Điều này càng trở nên trầm trọng hơn khi số lượng sản phẩm được đăng ký tăng cao. Là mặt hàng tiêu dùng nhanh, mỹ phẩm phụ thuộc vào doanh số theo mùa và xu hướng thời trang, điều này đòi hỏi về tính thời gian đưa sản phẩm ra thị trường. Hệ thống kiểm soát dựa trên phê duyệt là việc sử dụng không hiệu quả các nguồn lực của Chính phủ vì chúng tạo ra gánh nặng và có thể dẫn đến tiêu cực.
Trong hệ thống quy định của EU, an toàn của người tiêu dùng được đảm bảo bằng các biện pháp kiểm soát tại thị trường dựa trên rủi ro: thông tin sản phẩm được cung cấp phải đầy đủ để chứng minh tính an toàn của sản phẩm và để cơ quan có thẩm quyền thực hiện kiểm soát tại thị trường.
EU cho rằng quy trình đăng ký nặng nề tạo ra chi phí hành chính có thể dẫn đến việc các sản phẩm hợp pháp sẽ bị đắt hơn nhiều so với những sản phẩm bất hợp pháp, giả mạo và không an toàn. EU đề nghị Ai Cập xem xét, rút ngắn các yêu cầu về thông tin cần cung cấp cho EDA, chỉ yêu cầu cung cấp thông tin ở mức cần thiết mà vẫn đảm bảo việc kiểm soát sản phẩm trong thị trường. Ngoài ra, theo EU, các yêu cầu thử nghiệm như một điều kiện để được phê duyệt trước khi đưa ra thị trường là không hợp lý và cần được sửa đổi.
EU cũng mong muốn Ai Cập thay thế quy trình thông quan hiện tại và đề xuất phương pháp kiểm tra dựa trên rủi ro đối với các sản phẩm. Các yêu cầu hiện tại của Ai Cập sẽ làm tăng thêm chi phí đáng kể và gây ra sự chậm trễ, vì nhiều lô hàng phải được lưu giữ tại kho trong một tuần với chi phí của nhà nhập khẩu khi chờ kiểm tra.
Việc làm như vậy ngoài làm tăng chi phí còn dẫn đến lợi thế cho các sản phẩm bất hợp pháp. Hơn nữa, sự chậm trễ ảnh hưởng đến khả năng đưa sản phẩm kịp thời ra thị trường.
EU nhấn mạnh kinh nghiệm trong ngành mỹ phẩm trên toàn cầu đã chỉ ra việc kiểm tra hải quan được thực hiện tốt nhất theo cách tiếp cận dựa trên rủi ro, tức là theo hướng nhắm mục tiêu vào các đối tượng không tuân thủ và sản phẩm có rủi ro cao hơn.
Ngoài ra, EU đề nghị Ai Cập loại bỏ yêu cầu về số thông báo ghi trên bao bì. Theo EU, tên sản phẩm và địa chỉ người chịu trách nhiệm về an toàn sản phẩm là đủ để xác định một sản phẩm và thực hiện việc kiểm soát tại thị trường, cụ thể bằng cách yêu cầu người có trách nhiệm cung cấp tài liệu kỹ thuật về an toàn sản phẩm.
Yêu cầu chú thích số thông báo trên bao bì tạo ra các bước bổ sung trong chuỗi cung ứng. Điều này dẫn đến sự phân mảnh không cần thiết của chuỗi cung ứng quốc tế do yêu cầu một loại bao bì duy nhất chỉ dành cho Ai Cập. Thông lệ quốc tế ưu tiên ghi nhãn hơn thay vì chú thích trực tiếp các yêu cầu ghi nhãn của quốc gia cụ thể trên bao bì.
Cuối cùng, Liên minh châu Âu đề nghị Ai Cập hạn chế yêu cầu chỉ báo cáo các sự kiện bất lợi nghiêm trọng cho các cơ quan có thẩm quyền. Phần lớn các trải nghiệm bất lợi với sản phẩm mỹ phẩm liên quan đến các kích ứng da nhẹ, tạm thời được giải quyết mà không cần điều trị y tế. Các công ty mỹ phẩm thực hiện cảnh báo thẩm mỹ để hiểu và cải thiện trải nghiệm của người tiêu dùng. Báo cáo tất cả các sự cố sẽ dẫn đến gia tăng chi phí đáng kể trong việc giám sát cho cả chính quyền và ngành mỹ phẩm.
EU cũng đề xuất yêu cầu chỉ báo cáo các sự cố nghiêm trọng khi sử dụng mỹ phẩm để cho phép kiểm soát thị trường hiệu quả hơn và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Liên minh châu Âu kêu gọi Ai Cập thông báo dự thảo Hướng dẫn quản lý cho việc lưu hành các sản phẩm mỹ phẩm ở Ai Cập cho WTO để phù hợp các quy định của Hiệp định TBT và tạo cơ hội để các nước Thành viên tham gia đóng góp ý kiến.
Đức Nhân