Vấn đề tiêu chuẩn hóa đối với dừa và sản phẩm dừa

Việt Nam hiện nay nằm trong top 20 quốc gia có sản lượng dừa lớn nhất trên thế giới. Năm 2020, diện tích trồng dừa của Việt Nam đạt 182.000 hecta, tập trung tại Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh duyên hải miền Trung, với sản lượng 1,72 triệu tấn quả. Khoảng 3.000 hecta trồng dừa đã đạt chứng nhận hữu cơ, tập trung tại tỉnh Bến Tre.

Vai trò môi trường của cây dừa

Cây dừa là một trong số ít các loại cây trồng có thể chịu đựng và tồn tại được trong những điều kiện khắc nghiệt của môi trường như khô hạn, ngập úng, đất cát nghèo dinh dưỡng, nước mặn xâm nhập, bão tố… Ở Việt Nam, trong điều kiện khắc nghiệt của khô hạn, bão tố, đất cát nghèo dinh dưỡng… của miền Trung và lũ lụt, mặn xâm nhập, nhiểm phèn… ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thì cây dừa vẫn tỏ ra thích nghi tốt. Với vai trò là cây trồng tiên phong, cây dừa còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo tiểu khí hậu ổn định, chống xói mòn, giữ vai trò quan trọng trong du lịch sinh thái ở ĐBSCL và ven biển miền Trung, tham gia phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững.

Vai trò kinh tế của cây dừa

Theo thống kê, hiện có hàng trăm sản phẩm từ cây dừa, bao gồm thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, đồ thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm gia dụng. Riêng sản phẩm dừa dùng làm thực phẩm có thể kể đến như nước dừa, nước cốt dừa, sữa dừa, cơm dừa sấy, mứt dừa, kẹo dừa, dầu dừa thô, dầu dừa tinh luyện, mật dừa, giấm dừa, vang dừa… Các sản phẩm dừa Việt Nam hiện được lưu thông khắp cả nước và xuất khẩu đến một số thị trường trên thế giới.

dua-viet-nam

Cây dừa dễ trồng, không kén đất, không đòi hỏi đầu tư chăm sóc nhiều. Hầu như người trồng dừa rất ít khi bón phân cho cây dừa, hoặc có bón thì lượng phân cũng rất khiêm tốn nhưng cây dừa vẫn cho mỗi tháng một quày, mang lại nguồn thu đều đặn hằng tháng cho nông dân mà không tập trung vào một ít tháng trong năm như các loại cây ăn quả khác. 

Một ưu điểm khác của cây dừa là vấn đề sâu, bệnh gây hại không nghiêm trọng như các cây trồng khác. Thường cây dừa có thể dễ dàng vượt qua và phục hồi nhanh chóng, tiếp tục mang trái sau khi bị tấn công bởi những loài côn trùng, động vật gây hại không nghiêm trọng hoặc được phát hiện sớm mà không cần bất kỳ biện pháp xử lý tốn kém nào.

Ưu điểm quan trọng nhất của cây dừa đó là tất cả các phần của cây đều có thể tạo ra thu nhập. Thậm chí khi cây đã chết, thân dừa cũng có thể làm hàng thủ công mỹ nghệ và dụng cụ gia đình có thể dùng để trang trí và sử dụng. Ở những nước văn minh hơn, con người thường có khuynh hướng sử dụng những vật liệu có khả năng tái chế, không gây ô nhiễm môi trường theo xu thế bảo vệ môi trường sạch và bền vững thì cây dừa càng có ý nghĩa hơn nữa về khía cạnh này.

Hệ thống tiêu chuẩn chất lượng đối với cây dừa và sản phẩm từ dừa

Nhiều doanh nghiệp chế biến dừa đã áp dụng và đạt chứng nhận đối với hệ thống quản lý như hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001), hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ISO 22000), hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn Global GAP, VietGAP, tiêu chuẩn Halal (dành cho các tín đồ Hồi giáo), tiêu chuẩn Kosher (dành cho các tín đồ Do Thái giáo… Một số doanh nghiệp ngành dừa cũng đạt Giải vàng và Giải thưởng Chất lượng quốc gia của Việt Nam như Công ty CP dừa Á Châu (năm 2019), Công ty TNHH dừa Lương Quới (năm 2020).

cay-dua-1

Hiện nay, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam (TCVN) có khoảng 13.000 TCVN. Trong số đó, có 182 TCVN về rau quả và sản phẩm rau quả, bao gồm các tiêu chuẩn sản phẩm, quy phạm thực hành và các tiêu chuẩn phương pháp thử. Liên quan đến quả dừa và sản phẩm từ dừa, hiện có các tiêu chuẩn như sau:

+ TCVN 10684-5:2018 Cây công nghiệp lâu năm – Tiêu chuẩn cây giống, hạt giống – Phần 5: Cây dừa.

+ TCVN 10738:2015 Dừa quả tươi, được xây dựng trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn ASEAN STAN 15:2009 Young coconut.

+ TCVN 11412:2016 (CODEX STAN 240-2003) Sản phẩm dừa dạng lỏng  Nước cốt dừa và cream dừa, chấp nhận tiêu chuẩn CODEX STAN 240-2003 Aqueous coconut products: coconut milk and coconut cream.

+ TCVN 9763:2013 (CODEX STAN 177-1991, Rev.1-2011) Cơm dừa sấy khô, chấp nhận tiêu chuẩn CODEX STAN 177-1991, Rev.1-2011 Grated desiccated coconut.

+ TCVN 9218:2012 Quy phạm thực hành vệ sinh đối với cơm dừa khô, tham khảo tiêu chuẩn CAC/RCP 4-1971 Hygienic practice for desiccated coconut.

+ TCVN 7597:2018 Dầu thực vật, tham khảo CODEX STAN 210:1999 (amended 2015) Vegetable oils, trong đó có nội dung về dầu dừa thô.

Như vậy, tiêu chuẩn đối với dừa quả tươi hài hòa với tiêu chuẩn ASEAN, các tiêu chuẩn về sản phẩm dừa (nước cốt dừa, cream dừa, cơm dừa sấy, dầu dừa) về cơ bản hài hòa với tiêu chuẩn CODEX, riêng tiêu chuẩn về giống cây dừa là tự xây dựng, hiện chưa có tiêu chuẩn khu vực hoặc tiêu chuẩn quốc tế.

Hiệp hội dừa quốc tế và vấn đề tiêu chuẩn chất lượng đối với các sản phẩm dừa

Hiệp hội dừa quốc tế (ICC) là một tổ chức liên chính phủ của các nước sản xuất dừa được thành lập vào năm 1969 với tên gọi là Hiệp hội dừa châu Á, dưới sự điều hành của Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc về châu Á và Thái Bình Dương (UN-ESCAP). Ban Thư ký ICC đặt tại Jakarta, Indonesia và do một Giám đốc điều hành đứng đầu. Năm 1972, tổ chức này đổi tên thành Hiệp hội dừa châu Á – Thái Bình Dương và gần đây đổi tên thành Hiệp hội dừa quốc tế.

Việt Nam là thành viên của ICC vào năm 2004. ICC hiện có 20 quốc gia thành viên sản xuất dừa, chiếm hơn 90% sản lượng dừa thế giới và xuất khẩu các sản phẩm dừa.

Vào các ngày 13-14/7/2021, ICC đã tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Tiêu chuẩn chất lượng đối với các sản phẩm dừa”. Hội thảo đã mời đại diện đến từ các nước thành viên: Philippines, Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam, Sri Lanka, Thái Lan, Barbados để trình bày và thảo luận về các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn về dừa và sản phẩm dừa như tiêu chuẩn CODEX về các sản phẩm dừa; kinh nghiệm của các doanh nghiệp dừa Indonesia trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế đối với sản phẩm dừa xuất khẩu; chỉ số đường huyết GI của dừa và các sản phẩm dừa; tình hình tiêu chuẩn về dừa và các sản phẩm dừa của các quốc gia… Về phía Việt Nam, đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tham dự hội thảo và trình bày các điểm chính liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng dừa và các sản phẩm từ dừa tại Việt Nam.

Hội thảo do ICC tổ chức là cơ hội để các nước trao đổi, tham khảo các tiêu chuẩn cụ thể đối với các sản phẩm dừa, bao gồm cả tiêu chuẩn trong ngành thực phẩm và các lĩnh vực phi thực phẩm, nhằm xây dựng và hài hòa tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn khu vực/tiêu chuẩn quốc tế.

Ngô Thị Ngọc Hà – Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng VN

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích