Hướng tới phát triển nông nghiệp hữu cơ

Từ năm 2008, xã Thanh Xuân thuộc huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội là một trong những nơi được dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ VNFU – ADDA của Đan Mạch tài trợ để xây dựng mô hình. Ban đầu xã có 13 ha diện tích phát triển theo dự án này với 10 nhòm nông dân trồng rau hữu cơ.

Mô hình xã Thanh Xuân

Thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ hơn chục năm nay không chỉ giúp đem lại thu nhập tốt và ổn định cho nông dân mà còn tạo ra hệ sinh thái trong lành, an toàn cho sức khỏe con người. Theo chia sẻ của bà Chu Thị Chung, thôn Trung Na, Thanh Xuân hiện nay gia đình bà đã thay đổi nhiều trong thói quen canh tác vì rau hữu cơ tuyệt đối không được sử dụng thuốc trừ cỏ nên hầu như lúc nào bà con nông dân cũng có mặt trên đồng ruộng. Nhưng đổi lại, làm rau hữu cơ cho thu nhập tốt và ổn định nên phần lớn nông dân đã dần quen với việc coi nhổ cỏ là niềm vui.

Đến nay, xã Thanh Xuân đã tăng lên đến 34 ha diện tích nông nghiệp hữu cơ. Trên diện tích này, hàng chục chủng loại rau củ quả được canh tác và tính bình quân, mỗi tháng Thanh Xuân cung cấp cho thị trường Hà Nội khoảng 40 – 50 tấn rau hữu cơ các loại.

Theo ông Ngô Văn Nghị, Giám đốc Hợp Tác xã Trung Na, xã Thanh Xuân, thực hiện sản xuất Nông nghiệp hữu cơ, đã giúp nông dân chuyên nghiệp hoá việc sản xuất rau củ cung cấp cho thị trường. Chính vì thế xã Thanh Xuân đã thành vùng rau chuyên canh, sản xuất quanh năm. Cùng với đó, bản thân môi trường sinh thái của xã cũng trong lành, các loại rau được đa dạng đan xen nhau. Nếu như trước đây 1 sào gần như chỉ có 1 loại rau, gây khó khăn trong việc tiêu thụ. Nay rau được trồng đa dạng xen canh gối vụ nên việc tiêu thuận lợi, dễ dàng hơn rất nhiều.

Theo ông Chu Xuân Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân cho biết: xã Thanh Xuân xác định thương hiệu phải đặt lên hàng đầu. Rau tuy số lượng ít nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng nên việc quản lý đối với phân bón cũng như thuốc trừ sâu luôn được đặt lên hàng đầu và phải đảm bảo theo đúng qui trình hướng dẫn. Để rau hữu cơ Thanh Xuân bảo đảm chất lượng, nông dân trồng rau phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc “5 không”: không sử dụng phân bón hóa học, không dùng chất biến đổi gene, không dùng chất kích thích sinh trưởng, không dùng các loại thuốc diệt cỏ và không dùng thuốc trừ sâu hóa học.

Hiện nay xã Thanh Xuân đã hình thành 26 nhóm, ngoài sản xuất rau hữu cơ theo nhóm nông dân, một số doanh nghiệp sản xuất rau hữu cơ tham gia dự án như Công ty Việt Liên phát triển 3 ha trồng rau hữu cơ trên địa bàn quận Long Biên; Công ty TNHH Khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc mở rộng trồng 10 ha ở huyện Thạch Thất. Tại các huyện Sóc Sơn, Thường Tín… bước đầu đã định hình triển khai thực hiện một số mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ.

Cần chính sách để nhân rộng mô hình

Theo chia sẻ của bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, thành phố Hà Nội là nơi có nhu cầu tiêu dùng cao và người tiêu dùng sẵn sàng trả giá phù hợp cho các sản phẩm chất lượng. Chính vì vậy, lượng hàng hoá, đặc biệt là nông sản thực phẩm “tự cung” của Hà Nội cũng ngày càng đòi hỏi nâng cao hơn về mặt chất lượng, truy xuất nguồn gốc.

Rau, quả có nguồn gốc hữu cơ ngày càng được ưa chuộng, tuy nhiên phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Hà Nội vẫn manh mún, nhỏ lẻ, đa số mới dừng ở dạng mô hình. Mặc dù thành phố Hà Nội có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất sản phẩm sạch, hữu cơ, nhưng vẫn còn hạn chế chính sách về phát triển nền nông nghiệp hữu cơ. Mặt khác, người tiêu dùng chưa được trang bị kiến thức, công cụ thuận tiện phân biệt thực phẩm bẩn và sạch như: kít thử nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nitrat… nên vẫn có sự nghi ngờ từ phía người tiêu dùng với nhiều sản phẩm hữu cơ được bày bán trên thị trường. Điều này cũng làm bó hẹp đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thực thụ.

Ở góc độ khác, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu lâm sản thuộc Tổng công ty Rau quả Việt Nam Bùi Vũ Anh chia sẻ, khi công ty mốn triển khai dự án trồng măng sạch hữu cơ 1.000 ha ở Ba Vì với chi phí cho 1ha sản xuất theo phương pháp nông nghiệp hữu cơ lên đến 42,5 triệu đồng thì tổng mức đầu tư cũng rất lớn. Trong khi đó doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, nên đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai.

Nhìn thấy được những thuận lợi và khó khăn này, thành phố Hà Nội đã thực hiện quy hoạch diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ và có cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, chế biến, đầu tư nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển sản xuất hữu cơ…

 

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Ngô Đại Ngọc cho rằng, các sở, ngành và chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người tiêu dùng nâng cao nhận thức về ATTP, trong đó chú trọng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sử dụng sản phẩm hữu cơ. Đồng thời, dựa vào lợi thế của mỗi địa phương, chọn cây trồng, vật nuôi phát triển cho phù hợp, đối với trồng trọt nên ưu tiên lựa chọn một số loại nông sản như: rau ăn lá, gia vị, thảo dược, chè xanh hữu cơ, cây thuốc nam, một số loại cây ăn quả bản địa…

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, giai đoạn 2020 – 2025, thành phố Hà Nội coi việc thúc đẩy mở rộng sản xuất rau hữu cơ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, qua đó góp phần cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, tăng thu nhập bền vững cho nông dân.

Xem link!

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích