Công khai quy hoạch chặn sốt đất: Chuyện cũ vẫn nóng
Lập lờ thông tin quy hoạch
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, giống như “cơn sốt đất” diễn ra hồi đầu năm, tại nhiều địa phương xuất hiện tình trạng một số nhà đầu cơ, môi giới bất động sản lợi dụng các thông tin về quy hoạch, việc ban hành bảng giá đất mới, việc sáp nhập, nâng cấp đơn vị hành chính, nâng cấp hệ thống hạ tầng và việc triển khai các dự án lớn tại các địa phương… để “thổi” giá đất.
Theo ông Khởi, mục đích của việc một số đối tượng tung tin đồn thổi về quy hoạch là để mua đi bán lại bất động sản, lôi kéo người dân tham gia theo tâm lý đám đông vào các giao dịch bất động sản (quyền sử dụng đất, nhà ở chưa đảm bảo điều kiện pháp lý đưa vào kinh doanh, giao dịch,…) gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá nhà đất lên cao để trục lợi.
Trước việc cơn sốt nóng giá đất diễn ra tại nhiều địa phương, vào tháng 3/2021, Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu các địa phương tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính… tại địa phương.
Sau khi Bộ Xây dựng yêu cầu, một số địa phương đã tiếp tục ban hành các văn bản yêu cầu rà soát, chấn chỉnh thị trường và đưa ra nhiều giải pháp để giảm nhiệt cơn sốt đất. Trong các tháng giữa năm, sự can thiệp của các địa phương cùng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã khiến hiện tượng sốt nóng giá đất có phần giảm nhiệt. Tuy nhiên, gần đây, làn sóng sốt nóng giá đất tại tiếp tục nóng lại, nhất là đối với phân khúc đất nền và đất đấu giá.
Trước diễn biến trên, vào cuối tháng 10/2021, Bộ trưởng Bộ Xây dựng tiếp tục ký công văn số 4363/BXD-QHKT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện đăng tải thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Về thực trạng “lập lờ” thông tin quy hoạch, theo KTS. Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đây chính là một trong những “nguồn cơn” của những đợt sốt đất đang diễn ra khắp nơi trên cả nước khi một số “nhóm lợi ích” chậm đưa thông tin về quy hoạch để đầu cơ, trục lợi khiến không ít quy hoạch vẫn ở “trên giấy và trong máy tính” mà chưa đến được với người dân.
Cũng theo ông Tùng, việc có những đề xuất quy hoạch khi được đưa ra đã nhanh chóng tạo ra việc sốt đất cục bộ nhưng ngay sau khi có thông tin đề xuất quy hoạch được “rút” thì giá đất vừa tăng nóng cũng rớt theo.
Công khai dữ liệu thông tin
Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, người dân trước khi mua nhà, đất nên tìm hiểu kỹ các thông tin quy hoạch, đồ án quy hoạch, không chạy theo tâm lý đám đông bởi lúc cơn sốt đất đi qua người chịu thiệt nhất chính là người mua đất.
“Để tìm hiểu thông tin quy hoạch, trước khi mua bán đất, người dân có thể lên mạng vào cổng thông tin quy hoạch quốc gia để tra hoặc có thể đến chính quyền địa phương đề nghị cung cấp các thông tin liên quan đến quy hoạch theo quy định”, ông Khởi cho biết.
Việc công khai quy hoạch, minh bạch thông tin được xem là chìa khóa để ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp. Tuy nhiên, đối với những nhà đầu tư cá nhân, mới tham gia thị trường (NĐT F0) thì việc tiếp cận các quy hoạch còn nhiều hạn chế.
Theo chia sẻ của anh Lê Tiến Long, một nhà đầu tư F0 đang tham gia đầu tư đất nền tại huyện Mê Linh (Hà Nội): “Khi tìm thông tin quy hoạch trên mạng hầu hết đều không chính thống còn khi đến cơ quan chính quyền để hỏi quy hoạch thì phải có quan hệ hoặc không thì phải làm thủ tục yêu cầu theo trình tự khá rắc rối”.
Theo KTS. Phạm Thanh Tùng để ngăn chặn sốt đất, việc công khai quy hoạch cần được họp báo và thực hiện một cách nghiêm túc để định hướng thông tin cho người dân. Bên cạnh đó, người dân cũng cần hiểu đúng về quy hoạch, phải từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu, đến lúc đó mới được mời nhà đầu tư vào.
“Bên cạnh đó, người đứng đầu địa phương, các bộ phận chức năng phải chịu trách nhiệm khi các quy định về công khai, minh bạch quy hoạch không được thực hiện, dẫn đến các đối tượng lợi dụng thông tin quy hoạch để thổi giá bất động sản”, ông Tùng khuyến nghị.
Một trong những giải pháp được nhiều chuyên gia khuyến cáo để minh bạch hóa quy hoạch và thị trường là áp dụng công nghệ thông tin để số hóa và công khai dữ liệu về quy hoạch và thị trường qua hệ thống các cổng thông tin, ứng dụng trên di động…
“Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng đã kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh số hóa quy hoạch, sản phẩm bất động sản, để người dân thuận tiện tra cứu thông tin”, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam khẳng định.