Chùa Côn Sơn: Kiến trúc tâm linh độc đáo
Chùa Côn Sơn, hay còn gọi là chùa Hun, nằm dưới chân núi Côn Sơn, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Chùa có tên chữ là “Thiên Tư Phúc Tự”, nghĩa là chùa được trời ban cho phước lành.
Khu di tích Côn Sơn, xã Cộng Hoà, huyện Chí Linh, Hải Dương.
Chùa Côn Sơn có kiến trúc cung đình, phía trước chùa là hồ bán nguyệt và cổng tam quan. Tam quan của chùa có 2 tầng 8 mái với các hoạ tiết hoa lá, mây tản cách điệu.
Kiến trúc chính của chùa Côn Sơn hiện nay được xây theo hình chữ Công, bao gồm 3 dãy nhà chính: Tiền đường, Thiên hương và Thượng điện. Tại Tiền đường, trồng nhiều cây cổ thụ lớn, làm tăng cảnh đẹp và sự tôn nghiêm của chùa.
Thượng điện là nơi thờ Phật. Tại đây có những tượng Phật cao tới 3 mét được bài trí trang trọng.
Phía sau chùa là nhà Tổ, có tượng Trúc Lâm tam tổ (Vua Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Tổ thứ hai của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm và Thiền sư Huyền Quang), cùng với tượng Đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán và Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.
Hiện nay, chùa Côn Sơn còn giữ lại được rất nhiều các di vật và cổ vật có giá trị, trong đó có hệ thống văn bia có niên đại từ thế kỷ thứ 13 đến 18
Hệ thống điêu khắc, chạm khắc của chùa Côn Sơn tuân thủ theo mô típ Tứ linh quần hùng là long (rồng) ly (kỳ lân), quy (rùa), phượng (chim phượng hoàng) và tứ quý gồm các loại cây quý tùng, cúc, trúc, mai.
Dân gian có câu “Côn Sơn, Yên Tử, Quỳnh Lâm/ Nếu ai chưa đến, Thiền Tâm chưa thành”, vì chùa Côn Sơn là một trong những trung tâm của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm.
Toàn cảnh Chùa Côn Sơn (Hải Dương) nhìn từ trên cao.
Nguồn: Báo xây dựng