Đồng Nai: Nhiều vướng mắc khi triển khai các trạm y tế lưu động trong KCN
Đồng Nai: Nhiều vướng mắc khi triển khai các trạm y tế lưu động trong KCN
Chiều 10-11, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai tổ chức hội nghị triển khai thiết lập trạm y tế lưu động trong KCN.
Theo kế hoạch số 13691 của UBND tỉnh, mỗi khu công nghiệp phải thành lập ít nhất 1 trạm y tế lưu động phục vụ người lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp. Tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn để thiết lập thêm các trạm y tế, đảm bảo mỗi trạm y tế lưu động phụ trách từ 500 – 1.000 trường hợp F0 cần được cách ly trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Mỗi trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp phải có tối thiểu 1 nhân viên biên chế thuộc Trung tâm y tế hoặc trạm y tế phụ trách trưởng trạm. Còn lại là nhân viên y tế của các công ty trong khu công nghiệp, số lượng tối thiểu từ 5 người hoặc nhiều hơn tùy theo quy mô, số lượng công nhân tham gia sản xuất tại khu công nghiệp.
Ban Quản lý các khu công nghiệp phối hợp với đơn vị quản lý hạ tầng Khu công nghiệp chọn 1 cơ sở phù hợp để bố trí trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp, như: nhà xưởng, ký túc xá công nhân. Trường hợp trên địa bàn khu công nghiệp không thể chọn được các công trình sẵn có thì xem xét có thể làm nhà tạm, nhà di động để phục vụ cho trạm y tế hoạt động.
Tại hội nghị, đại diện các khu công nghiệp trong tỉnh, lãnh đạo các địa phương cho rằng, việc thiết lập các trạm y tế lưu động trong các khu công nghiệp để đáp ứng công tác phòng, chống dịch Covid-19 là tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề vướng mắc cần phải tháo gỡ. Trong đó, có vấn đề về nhân lực y tế, hiện các địa phương đang rất thiếu nhân lực y tế nên rất khó để hỗ trợ các khu công nghiệp. Ngoài ra, các khu công nghiệp cũng gặp khó về địa điểm thành lập trạm y tế lưu động, vấn đề kinh phí hoạt động…
Theo Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Tài, các khu công nghiệp nên tận dụng cơ sở vật chất hiện có để làm trạm y tế lưu động, không cần thiết phải xây dựng cơ sở kiên cố. Nếu chưa đủ điều kiện để thực hiện đồng bộ thì triển khai từng bước. Trạm y tế lưu động trực thuộc Trung tâm y tế nhưng hoạt động theo hình thức xã hội hóa. Ngoài nhân lực y tế của cơ sở nhà nước có thể huy động nhân lực từ tư nhân, kể cả trang thiết bị, máy móc. Sở Y tế sẽ bổ sung hướng dẫn hoạt động của các trạm theo hình thức này để các đơn vị thực hiện.
Kết luận tại hội nghị, Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Lê Văn Danh cho hay, hiện TP.Long Khánh đã triển khai được trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng bắt buộc phải thành lập cho được các trạm y tế lưu động trong các khu công nghiệp. Do đó, đề nghị các đơn vị liên quan cùng nhau nỗ lực triển khai nhanh các trạm y tế lưu động dựa trên cơ sở vật chất sẵn có. Địa phương nào không thể triển khai được thì đến ngày 15-11 đề nghị Bí thư các huyện, thành phố báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy.
Các công ty trong khu công nghiệp có trách nhiệm phối hợp với Công ty hạ tầng để bố trí địa điểm, bổ sung trang thiết bị máy móc phục vụ hoạt động của trạm. Sau khi triển khai các trạm y tế lưu động, các ngành chức năng sẽ tiếp tục bàn bạc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trạm y tế lưu động.
Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đề nghị các công ty hạ tầng làm việc ngay với các Trung tâm y tế huyện, thành phố để khảo sát địa điểm, trình UBND huyện, thành phố ra quyết định thành lập trạm y tế lưu động./.
PV (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị