Phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030
Phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có quyết định phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030.
Theo đó, đến năm 2025, Thừa Thiên Huế phấn đấu diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 26,5m2 sàn/người. Trong đó, khu vực đô thị đạt 29,0m2 sàn/người, khu vực nông thôn đạt 24,0m2 sàn/người.
Chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 10 m2 sàn/người. Đặc biệt, diện tích sàn xây dựng mới tăng thêm khoảng 8.562.130m2 sàn. Ngoài ra, Thừa Thiên Huế phấn đấu chất lượng nhà ở toàn tỉnh giai đoạn này đạt 98,5% nhà ở kiên cố, trong đó khu vực đô thị đạt 99,4%, tại nông thôn 97,9%.
Trong giai đoạn này, tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến là 63.158,19 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu vốn phát triển nhà ở xã hội khoảng 2.670,74 tỷ đồng; nhà ở công vụ khoảng 19,57 tỷ đồng; nhà ở để phục vụ tái định cư khoảng 883,56 tỷ đồng; nhà ở thương mại khoảng 26.525,27 tỷ đồng; còn lại khoảng 33.059,06 tỷ đồng phát triển nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng.
Cũng theo quyết định này, đến năm 2030, Thừa Thiên Huế phấn đấu diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 30m2 sàn/người. Trong đó, diện tích nhà ở bình quân tại đô thị đạt 31m2 sàn/người, diện tích nhà ở bình quân tại nông thôn đạt 29m2 sàn/người; diện tích nhà ở tối thiểu 12m2 sàn/người. Diện tích sàn xây dựng mới tăng thêm khoảng 8.539.568m2 sàn. Nhà ở kiên cố toàn tỉnh đạt khoảng 99%, trong đó: Đô thị đạt 99,7%, tại nông thôn 98%.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn này khoảng 64.775,50 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn phát triển nhà ở xã hội khoảng 3.243,06 tỷ đồng; nhà ở công vụ khoảng 6,79 tỷ đồng; nhà ở để phục vụ tái định cư khoảng 870,40 tỷ đồng; nhà ở thương mại khoảng 39.257,35 tỷ đồng; còn lại khoảng 21.397,90 tỷ đồng phát triển nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết:“ Quyết định này nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, nâng cao chất lượng, điều kiện sống của các tầng lớp dân cư. Xa hơn là tạo động lực phát triển đô thị và nông thôn của tỉnh bền vững theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá”.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ chú trọng hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách; đưa ra các giải pháp về kiến trúc quy hoạch; Giải pháp về công nghệ; về vốn, tài chính, tín dụng, thuế; chính sách đất đai; đồng thời đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền và vận động.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị