Phú Yên: Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

(TN&MT) – UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.

Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch phát triển du lịch Phú Yên theo hướng hội nhập, chất lượng, bền vững; từng bước tăng tỷ trọng đóng góp của du lịch vào cơ cấu GRDP của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển; tạo nền tảng đến năm 2030, du lịch Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp lớn vào nền kinh tế của tỉnh.

Thắng cảnh cấp quốc gia Đầm Ô Loan Phú Yên

Tiếp tục xây dựng thương hiệu du lịch Phú Yên là điểm đến xanh, sạch, an toàn, hấp dẫn, thân thiện; là một trong những mắt xích quan trọng trong liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh Tây Nguyên và vùng Duyên hải Nam Trung bộ.

Các chỉ tiêu chủ yếu trong giai đoạn 2021-2025: Thực hiện duy trì tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân trên 14%/năm, trong đó khách quốc tế tăng khoảng 15-20%/năm; doanh thu du lịch tăng trưởng bình quân trên 14%/năm; công suất sử dụng buồng trung bình hàng năm đạt khoảng 61%; số lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch tăng trưởng bình quân 4%/năm.

Danh thắng Gành Đá Đĩa Phú Yên

Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của hoạt động du lịch vào GRDP của tỉnh khoảng 5-7%. Có trên 4 triệu lượt khách du lịch đến tỉnh, trong đó có hơn 50.000 lượt khách quốc tế. Ngày lưu trú bình quân khoảng từ 2-2,5 ngày/lượt khách. Có khoảng 600 cơ sở lưu trú du lịch với 12.600 buồng, trong đó có khoảng 20 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 3-5 sao.

Số lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch khoảng 8.100 người, có từ 80-90% lao động được bồi dưỡng, đào tạo về nghiệp vụ chuyên ngành. Doanh thu du lịch khoảng 6.000 tỷ đồng, chi tiêu bình quân khách du lịch 1,5 triệu đồng/lượt khách.

Cây Ông Đỏ trên vùng cao nguyên Vân Hòa điểm du lịch rất thú vị

Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với tỷ trọng đóng góp của hoạt động du lịch vào GRDP của tỉnh từ 10% trở lên. Có 6.000.000 lượt khách đến tỉnh, trong đó có 600.000 lượt khách quốc tế. Ngày lưu trú bình quân khoảng 2,5-3 ngày/lượt khách.

Có khoảng 800 cơ sở lưu trú du lịch với 20.800 buồng, trong đó có khoảng 30 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 3-5 sao. Số lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch khoảng 12.700 người, có từ 90% lao động trở lên được bồi dưỡng, đào tạo về nghiệp vụ chuyên ngành. Doanh thu du lịch khoảng 12.600 tỷ đồng, chi tiêu bình quân khách du lịch 2,1 triệu đồng/lượt khách. Vịnh Xuân Đài cơ bản đáp ứng các tiêu chí và trở thành Khu du lịch quốc gia.

Điểm du lịch tại Trang trại Dâu Tây trên cao nguyên Vân Hòa

Phú Yên đang tập trung lập quy hoạch và huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch. Thực hiện cơ chế, chính sách phục vụ phát triển du lịch. Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; xây dựng một số sản phẩm mang tính đặc trưng của Phú Yên để tạo lợi thế cạnh tranh. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số; tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch và mở rộng hợp tác quốc tế. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.

Bạn cũng có thể thích