Cần xem người lao động là động lực tăng trưởng
Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng, trong giai đoạn giãn cách vừa qua, chúng ta luôn quan tâm nhiều đến tác động về kinh tế, nhưng hậu quả về mặt tâm lý cũng là vấn đề nghiêm trọng. Công nhân lao động bị sang chấn tinh thần là điều chưa từng xảy ra, sẽ để lại di chứng lâu dài, cần nhiều thời gian để khắc phục.
Đại biểu nêu thực thế, trước đây, việc kéo lao động từ nông thôn lên thành thị đã rất khó, giờ đây xuất hiện thêm tình trạng lực lượng lao động đang ở sẵn các thành phố nhưng vẫn nhất quyết đi về quê. Doanh nghiệp không thể giữ được lao động, kể cả khi Chính phủ đã mở cửa.
Nhấn mạnh đây là thời điểm phải xem người lao động là động lực tăng trưởng, bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là hỗ trợ động lực tăng trưởng của đất nước, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc bao gồm không chỉ kết nối cung cầu lao động mà còn kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn. Có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cũng như một số các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn để bảo vệ sức khỏe, tạo tâm lý yên tâm quay lại nơi làm việc cho người lao động.
Nhấn mạnh 2 năm qua, lao động nước ta đối diện với tình trạng không có và thiếu việc làm trên diện rộng, dự báo tình hình năm 2022 sẽ còn nhiều tiềm ẩn phức tạp và khó khăn, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng, bên cạnh việc đẩy nhanh tiêm chủng vaccine Covid – 19 cho người dân để duy trì lại nguồn cung lực lượng lao động an toàn thì cần tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, lao động phi chính thức nhằm ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho người lao động làm việc, góp sức vào quá trình phục hồi, phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, cần tập trung vào kết nối lại nhu cầu doanh nghiệp và người lao động. Công đoàn các cấp, các cơ quan, xí nghiệp cần tạo lập các nhóm tương trợ để hỗ trợ người lao động chăm sóc con cái khi trường học chưa được trở lại bình thường. Đồng thời, cần đẩy mạnh và tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện nhằm kích thích nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng lao động.
“Thị trường lao động Việt Nam có khoảng 75% lao động không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Đây là hạn chế lớn của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đại dịch vẫn đang còn lan rộng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Vì thế, tôi đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đổi mới, triển khai các chính sách đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu tăng trưởng và phát triển kinh tế, đào tạo đáp ứng với nhu cầu thực tiễn, tránh việc đào tạo tràn lan, tốn kém nhưng lại không đáp ứng yêu cầu thực tiễn”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) phát biểu.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa – Vũng Tàu) nhấn mạnh, cần triển khai hiệu quả và sâu rộng hơn nữa các chính sách, giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch. Ưu tiên thúc đẩy nhanh hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid – 19 cho người dân, người lao động
Dẫn số liệu báo cáo của Chính phủ, đến quý III/2021, tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng cao nhất, kể từ quý I/2020. Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) cho rằng, tình trạng này khiến cho thu nhập, đời sống của người lao động, nhất là công nhân lao động khu vực phi chính thức, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế khác bị ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn giãn cách. Đặc biệt, hiện nay đại dịch Covid – 19 đã tác động mạnh mẽ vào khu vực phía nam, tình trạng chuyển dịch lao động từ các tỉnh, thành phố lớn về nông thôn đang làm phát sinh nguy cơ mất cân đối về cung cầu lao động.
Các tỉnh phía Nam đang đối diện với thực trạng dịch bệnh tái bùng phát ở mức độ cao hơn và những thách thức lớn khi cùng lúc phải xử lý, giải quyết những vấn đề khó về kinh tế, y tế, giáo dục, lao động, việc làm, tư liệu sản xuất cũng như về vấn đề an ninh, trật tự, an toàn xã hội và biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng.
Từ thực tế trên, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục ưu tiên phân bổ ngân sách, bố trí nguồn lực cho thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực xã hội, nhất là chính sách an sinh xã hội, lao động việc làm, giảm nghèo, trợ giúp xã hội cho các nhóm yếu thế chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid – 19…
Xem link!
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu