Vinfast, Vinamilk, Viettel… đã áp dụng sản xuất thông minh như thế nào?

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn hoài nghi về lợi ích khi đầu tư vào công nghệ mới

Chiều ngày 9/11, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo chuyên đề 2: “Phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nằm trong chuỗi các hội thảo chuyên đề của Diễn đàn Cấp cao thường niên, dưới sự chủ trì của Ban Kinh tế Trung ương.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, mục tiêu của quá trình cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam đó là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ. Đồng thời, đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Theo báo cáo công nghiệp hóa trong kỷ nguyên số của UNIDO, Việt Nam có chỉ số Năng lực cạnh tranh công nghiệp CIP năm 2019 xếp thứ 43, tăng 3 bậc so với năm 2015 xếp thứ 46. Về phát triển công nghệ số tiên tiến, Việt Nam được xếp trong nhóm các nền kinh tế tiêu dùng công nghệ số.

Bên cạnh đó, trong số 40 nền kinh tế chủ động theo đuổi Công nghiệp 4.0 với nhập khẩu thiết bị, công nghệ số thì Việt Nam đứng thứ 15; xuất khẩu công nghệ và hoạt động sáng chế của Việt Nam đứng thứ 46, 48 trong số 150 nền kinh tế trong nghiên cứu.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới khu vực Đông Á – Thái Bình Dương công bố tháng 11/2021, công nghiệp chế biến chế tạo của các doanh nghiệp Việt Nam 70% sử dụng máy móc do con người điều khiển.

Ngoài ra, 20% được làm thủ công, chỉ 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn như robot, sản đắp lớp 3D. Hơn 75% doanh nghiệp vừa và nhỏ, 2/3 doanh nghiệp lớn được khảo sát hoài nghi về lợi ích kinh tế của việc đầu tư vào công nghệ mới.

Theo báo cáo của CSIRO, Úc và Bộ KH&CN công bố tháng 11/2021, số lượng các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo, và tỷ lệ doanh nghiệp có R&D trong các ngành sản xuất còn rất thấp.

“Thực tế cho thấy, phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức”, ông Hiển nhấn mạnh.

Ngành nào sẽ thay đổi nhanh nhất?

Tuy nhiên, ông Hiển chia sẻ, công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam là lĩnh vực thay đổi nhanh nhất. Đây là ngành tốt nhất để đi tắt đón đầu với tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế số; mạng 5G bắt đầu được triển khai thương mại hóa, cơ sở hạ tầng cốt lõi với mạng băng thông rộng tốc độ cao làm nền tảng tốt cho đẩy mạnh hoạt động sản xuất thông minh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước đã mạnh dạn phát triển sản xuất thông minh với hệ điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối với các dây chuyền tự động toàn nhà máy với thông tin xuyên suốt chuỗi giá trị, từ đặt hàng cho đến sản xuất như Thaco Madaz, Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast tại Khu kinh tế Cát Hải, nhà máy sữa Vinamilk tại Bình Dương, giàn khoan tự nâng của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel,…

Cũng trong khuôn khổ buổi hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN, ông Đào Trọng Cường cho biết, việc phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là cơ hội quan trọng.

Tuy nhiên, đây cũng là thách thức để Việt Nam đẩy mạnh chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sản xuất sản phẩm theo hướng “Make in Viet Nam”. Đồng thời, đây cũng là cơ hội và thách thức cho quá trình đổi mới sáng tạo tại, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam.

Copy Link

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích