Công ty môi giới chứng khoán trở thành đối tượng tiếp theo bị chính quyền Trung Quốc ‘sờ gáy’
Chiến dịch siết chặt kiểm soát các doanh nghiệp trong nước của Trung Quốc đã bắt đầu ảnh hưởng tới lĩnh vực chứng khoán trực tuyến đang trên đà phát triển. Giờ đây, các công ty môi giới chứng khoán giúp các nhà giao dịch trong nước giao dịch tại thị trường nước ngoài đã bị chính quyền để mắt tới.
Theo China Daily, các công ty môi giới trực tuyến hoạt động xuyên biên giới có thể vi phạm quyền riêng tư của người dùng và đối mặt với rủi ro pháp lý, hai doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực này là Futu Holdings và Up Fintech.
Lý giải cho điều này, ông Sun Tianqi, người đứng đầu Cục Ổn định Tài chính thuộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết một số tổ chức chứng khoán nước ngoài không có giấy phép ở Trung Quốc nhưng nhờ các công ty môi giới, họ có thể cung cấp giao dịch trên thị trường nước ngoài cho các nhà đầu tư trong nước.
Theo ông Ông Tianqi, về bản chất, việc này khiến các công ty môi giới như đang “lái xe Trung Quốc mà không có bằng lái, tức là họ đang tiến hành các hoạt động tài chính bất hợp pháp”.
Trong số 2 cái tên mà China Daily nhắc tới, Futu Holdings là công ty được “gã khổng lồ” dịch vụ internet Trung Quốc Tencent Holdings hậu thuẫn, còn Up Fintech được hỗ trợ bởi nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi.
Hai công ty này cho phép các nhà đầu tư đại lục tiếp cận với các cổ phiếu niêm yết ở Hong Kong và Mỹ bằng cách chuyển tiền qua tài khoản nước ngoài, chuyển thành ngoại tệ để đầu tư. Sau khi đầu tư xong, nhà đầu tư có thể chuyển tiền lại về tài khoản trong nước của mình. Mô hình kinh doanh này thu hút được lượng lớn khách hàng nhờ chi phí giao dịch rẻ, bất chấp những cảnh báo về luật lệ của Trung Quốc.
Futu tăng gấp ba lượng người dùng trong năm 2020 và hiện có hơn 1 triệu khách hàng có tài sản trong tài khoản giao dịch. Jefferies, một ngân hàng đầu tư của Mỹ, ước tính rằng tính đến tháng 6/2021, có 35% khách hàng thanh toán của Futu đến từ Trung Quốc.
Sau khi bị réo tên, cả Futu lẫn Up Fintech đều đang gánh chịu những hậu quả nặng nề. Theo đó, cổ phiếu của Futu Holdings có lúc giảm tới 41%, xuống chỉ còn ¼ giá trị so với mức cao nhất lập được hồi tháng 2.
Về phía Up Fintech, nhiều khách hàng của họ phàn nàn về việc không thể chuyển các khoản tiền đã đầu tư trở lại đại lục vì yêu cầu bị các ngân hàng trong nước từ chối. “Nếu Up Fintech bị chính quyền đóng cửa, tôi phải làm gì với số tiền trong tài khoản giao dịch?”, một cư dân mạng băn khoăn.
Đây không phải lần đầu Futu bị phía nhà chức trách nhắc tới. Do Trung Quốc hạn chế giao dịch cổ phiếu nước ngoài, hồi năm 2016, các cơ quan tài chính nước này từng cho rằng, dịch vụ do Futu và các công ty tương tự cung cấp không chính thống do chưa được chính phủ chấp thuận.
Tuy vậy, Futu vẫn phục vụ những người Trung Quốc đã có tài khoản ngân hàng ở nước ngoài, bất chấp những lời cảnh báo. Người dùng mạng xã hội cũng chia sẻ rộng rãi thông tin một số người quản lý khách hàng giúp các nhà đầu tư đại lục chuyển đổi nhân dân tệ trong nước sang ngoại tệ và chuyển thẳng vào tài khoản môi giới.
Mặc dù việc đầu tư vào chứng khoán nước ngoài bằng cách chuyển tiền sang ngoại tệ và nhờ các công ty môi giới từ lâu đã bị coi là “vùng xám” trong ngành, nhưng mối quan tâm tới lĩnh vực này ngày càng tăng, dẫn tới việc các công ty môi giới bắt đầu mở rộng tệp khách hàng cũng như nguồn tiền trong nước được đưa ra nước ngoài đầu tư cũng ngày càng lớn.
Trung Quốc cũng có cơ sở để lo ngại rằng các công ty môi giới trực tuyến có thể làm rò rỉ thông tin khách hàng ở nước ngoài. Do Futu và Up Fintech được niêm yết trên Nasdaq, các nhà chức trách muốn ngăn chặn trước khi có khả năng hồ sơ giao dịch và dữ liệu tài chính khác được chuyển đến Mỹ.
Những diễn biến này còn làm ảnh hưởng trực tiếp tới công cuộc giao dịch ở phía Hong Kong. Các nhà kinh doanh chứng khoán tại đây hi vọng sẽ sớm nhận được quy định rõ ràng từ chính quyền đại lục về quy trình mở tài khoản, chuyển tiền xuyên biên giới hay hoạt động kinh doanh chứng khoán ra nước ngoài.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu