Xây dựng thành phố Hải Phòng thông minh với nền tảng chuyển đổi số

(Xây dựng) – Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hải Phòng vừa phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ – Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức Hội thảo về nhiệm vụ, giải pháp xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành đô thị thông minh, bền vững.

xay dung thanh pho hai phong thong minh voi nen tang chuyen doi so
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Vũ Đại Thắng – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng nhấn mạnh, Hội thảo về nhiệm vụ, giải pháp xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành đô thị thông minh, bền vững nhằm thực hiện một trong những nhiệm vụ cụ thể hóa, triển khai thực hiện Nghị quyết 03 của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng năm 2030. Hội thảo sẽ tập trung đánh giá thực trạng và đề xuất định hướng nhiệm vụ, giải pháp xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành đô thị thông minh, bền vững, làm cơ sở trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, ban hành Nghị quyết để triển khai thực hiện trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết.

Tại Hội thảo, giới thiệu về Đề án “Thành phố Hải Phòng thông minh”, Tiến sỹ Nguyễn Nhật Quang – Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ – VINASA thông tin, chia sẻ các vấn đề về: Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số; Đô thị thông minh – Đô thị chuyển đổi số; quan điểm chủ đạo xây dựng thành phố thông minh, lấy người dân làm trung tâm là đối tượng phục vụ đồng thời là chủ thể; kiến trúc chung thành phố thông minh; chiến lược xây dựng thành phố thông minh; hạ tầng thông tin; cộng đồng thông minh… những thách thức trong phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn hiện nay và một trong những chìa khóa giải quyết thách thức này là xây dựng thành phố thông minh với nền tảng chuyển đổi số. Để triển khai thực hiện Đề án “Thành phố Hải Phòng thông minh” cần triển khai 4 nhóm nhiệm vụ trong tâm: Xây dựng cơ chế chính sách, quy hoạch phát triển; tổ chức bộ máy; đầu tư hạ tầng thông tin và triển khai các ứng dụng thông minh.

Tại kỳ họp thứ 3, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng khoá XVI, Hội đồng nhân dân thành phố đồng ý chủ trương đầu tư Dự án “Thực hiện một số nội dung để xây dựng chính quyền số thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025”. Dự án do Sở Thông tin và Truyền thông làm chủ đầu tư, mức đầu tư dự kiến hơn 308 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố Hải Phòng và các nguồn vốn hợp pháp khác. Thời gian thực hiện từ năm 2021-2024.

Dự án khi triển khai sẽ phát triển hạ tầng số bao gồm: Xây dựng trung tâm dữ liệu, hình thành nền tảng điện toán đám mây dùng chung của các cơ quan Nhà nước trên toàn thành phố. Cùng với đó là phát triển dữ liệu số gồm: Xây dựng kho dữ liệu dùng chung, cổng dịch vụ dữ liệu mở thành phố; xây dựng hệ thống giám sát, kiểm tra, đánh giá chính quyền số; xây dựng dịch vụ xác thực và định danh điện tử người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; xây dựng nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu (LGSP) thành phố; xây dựng các ứng dụng trên nhiều nền tảng số để cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp (ứng dụng di động, website, zalo, facebook…).

Dự án đi vào hoạt động hướng đến mục tiêu 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% cơ quan hành chính Nhà nước cấp thành phố tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế xã hội số; 100% người dân và doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và thông suốt, hợp nhất trên tất cả hệ thống của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

xay dung thanh pho hai phong thong minh voi nen tang chuyen doi so
Tiến sỹ Nguyễn Nhật Quang – Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ – VINASA thông tin trao đổi tại Hội thảo.

Theo Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 26/10/2021 về chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thành phố Hải Phòng đặt mục tiêu cơ bản đến năm 2030: Về phát triển chính quyền số: 100% hồ sơ công việc tại cấp thành phố; 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước); hình thành nền tảng dữ liệu và hạ tầng kết nối mạng internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan Nhà nước; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp; hoàn thành cung cấp định danh số, danh tính số trên nền tảng di động cho người dân và doanh nghiệp; 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Về phát triển kinh tế số: Phấn đấu kinh tế số chiếm 35% GRDP thành phố Hải Phòng; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 25%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 16%.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích