Nhật Bản: JAXA lùi thời gian phóng vệ tinh NanoDragon của Việt Nam

Thông báo của JAXA cho biết phương tiện phóng Epsilon số 5 dự kiến sẽ được phóng đi từ Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, tỉnh Kagoshima (Nhật Bản), trong khoảng thời gian từ từ 9h48 đến 9h59 ngày 9/11.

nhat ban jaxa lui thoi gian phong ve tinh nanodragon cua viet nam
Epsilon-5 tại vị trí phóng. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 6/11, Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã thông báo lùi thời gian phóng vệ tinh NanoDragon của Việt Nam.

Thông báo của JAXA cho biết phương tiện phóng Epsilon số 5 (Epsilon-5) dự kiến sẽ được phóng đi từ Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, tỉnh Kagoshima (Nhật Bản), trong khoảng thời gian từ từ 9h48 đến 9h59 ngày 9/11 (giờ địa phương) và sẽ mang theo vệ tinh NanoDragon của Việt Nam cùng với 8 vệ tinh khác của Nhật Bản vào không gian.

Trước đó, JAXA đã hai lần phải hoãn phóng Epsilon-5. Trong lần hoãn phóng đầu tiên vào ngày 1/10, JAXA đã quyết định dừng vụ phóng này chỉ 19 giây trước khi tên lửa này được phóng đi. Nguyên nhân là do đã có sự cố kỹ thuật xảy ra ở thiết bị radar mặt đất, nằm gần bệ phóng của tên lửa, có nhiệm vụ giám sát vị trí và tốc độ của Epsilon-5.

Trong một nỗ lực khác vào ngày 7/10, JAXA phải hủy kế hoạch phóng Epsilon-5 vì thời tiết không thuận lợi ở Trung tâm Vũ trụ Uchinoura. Sau đó, JAXA dự định thực hiện lại vụ phóng vào ngày 7/11. Tuy nhiên, họ đã quyết định hủy kế hoạch này vì thời tiết hôm đó được dự báo là không thuận lợi.

NanoDragon là vệ tinh dạng cubesat lớp nano, nặng khoảng 4 kg, có kích thước 3U (100x100x340,5mm). Vệ tinh này do các kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam chế tạo.

Đây là vệ tinh được nghiên cứu, thiết kế và chế tạo 100% tại Việt Nam và nằm trong lộ trình phát triển vệ tinh nhỏ “Made in Vietnam” của VNSC. Quá trình nghiên cứu, thiết kế, tích hợp và thử nghiệm chức năng vệ tinh hoàn toàn do các cán bộ nghiên cứu của VNSC thực hiện tại Việt Nam.

Toàn bộ cấu trúc cơ khí và mạch phân phối nguồn cùng một số mạch phụ trợ khác của vệ tinh cũng do Việt Nam chế tạo./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích