Thông tin phản ánh về một số gói thầu tại Sở GD&ĐT Thái Nguyên

Tiết kiệm ngân sách tượng trưng, chỉ 1 đơn vị “độc diễn’’

Theo phản ánh, nhiều gói thầu do Sở Giáo dục và Đào tạo (Sở GD&ĐT) Thái Nguyên làm chủ đầu tư những năm gần đây có tình trạng tiết kiệm ngân sách thấp. Cần nhấn mạnh, không ít gói thầu dù được tổ chức rộng rãi qua hệ thống mạng đấu thầu quốc giá nhưng thường xuyên chỉ có sự góp mặt của một nhà thầu và dễ dàng trúng thầu sát giá do không vấp phải sự cạnh tranh từ bất cứ đơn vị nào khác.

Quyết định phê duyệt lựa chọn kết quả nhà thầu do ông Phạm Việt Đức, giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên ký

Đơn cử, như tháng 12/2020 tại gói thầu: “Mua sắm bổ sung máy chiếu, bàn ghế học sinh, bàn ghế máy tính các trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường tiểu học, trung học cơ sở có học sinh bán trú tỉnh Thái Nguyên năm 2020”, Công ty CP sách và thiết bị giáo dục Hà Nội được phê duyệt trúng thầu với giá 3.055.400.000 đồng theo quyết định số 2119/QĐ-SGDĐT ngày 23/12/2020 do ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên ký. Giá gói thầu là 3.088.500.000 đồng.

Đây là gói thầu được tổ chức qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nhưng sau khi mời thầu chỉ có duy nhất Công ty CP sách và thiết bị giáo dục Hà Nội dự thầu và sau đó nghiễm nhiên được Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên phê duyệt trúng. Bởi không có thêm sự cạnh tranh từ nhà thầu nào khác. Tiết kiệm cho ngân sách nhà nước ở gói thầu này không đáng kể (khoảng 33 triệu đồng tại gói thầu có giá trị hơn 3 tỷ đồng).

Trước đó 1 ngày, tại gói thầu: “Mua sắm bổ sung máy tính các trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở và các trường trung học cơ sở có học sinh bán trú tỉnh Thái Nguyên năm 2020”, Công ty cổ phần thương mại An Nam được phê duyệt trúng thầu với giá 2.415.682.500 đồng theo quyết định số 2111/QĐ-SGDĐT ngày 22/12/2020 do ông Phạm Việt Đức, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên ký. Giá gói thầu là 2.417.250.000 đồng.

Tiếp tục là gói thầu được tổ chức qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nhưng vẫn chỉ có một đơn vị dự thầu và dễ dàng được Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên phê duyệt trúng thầu sau đó do không có đối thủ cạnh tranh. Tiết kiệm ngân sách nhà nước ở gói thầu này cũng rất hạn hẹp chỉ (2 triệu đồng).

Chưa dừng lại, trong tháng 12/2020 tại gói thầu: “Mua sắm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học trường mầm non, thiết bị phòng học bộ môn trường trung học cơ sở năm 2020”, Công ty cổ phần Phú Bách Việt là đơn vị duy nhất dự thầu dù gói thầu này được tổ chức qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Do đó không ngạc nhiên khi nhà thầu này “một mình một ngựa về đích” với giá trúng thầu 1.488.900.000 đồng theo quyết định số 1683/QĐ-SGDĐT ngày 15/12/2020 do ông Phạm Việt Đức, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên ký. Giá gói thầu 1.503.740.000 đồng, tiếp tục là điệp khúc tiết kiệm ngân sách hạn hẹp.

Trước đó, tháng 8/2020 chỉ có liên danh Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất Học liệu – Công ty cp thiết bị giáo dục Toà Cầu dự thầu gói thầu được tổ chức qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia: “Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 các trường tiểu học vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn tỉnh Thái Nguyên”. Liên danh này tất nhiên được phê duyệt trúng thầu với giá 5.293.885.000 đồng theo quyết định số 1195/QĐ-SGDĐT ngày 7/9/2020 do ông Phạm Việt Đức, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên ký. Giá gói thầu 5.307.845.000. Có thể thấy, ở gói thầu có giá trị hơn 5,3 tỷ đồng nhưng sau đấu thầu, tiết kiệm ngân sách là vô cùng ít ỏi (khoảng 10 triệu đồng).

Chênh giá so với thị trường và một số đơn vị công lập khác

Theo phản ánh, không chỉ tiết kiệm ngân sách thấp ở nhiều gói thầu, một số sản phẩm trong nhiều gói thầu mua sắm thiết bị do Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên làm chủ đầu tư còn có dấu hiệu “đội giá” so với giá bán thực tế trên thị trường, cũng như một số đơn vị công lập trong nước cùng thời điểm.

Một số thiết bị trong gói thầu của Sở GD&ĐT Thái Nguyên có dấu hiệu cao hơn thị trường và đơn vị khác.

Cụ thể tại gói thầu: “Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 năm 2020”, Công ty Cổ phần Phú Bách Việt được phê duyệt trúng thầu với giá 3.500.739.000 đồng theo quyết định số 1325/QĐ-SGDĐT ngày 23/9/2020 do ông Phạm Việt Đức, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên ký. Giá gói thầu 3.535.274.000 đồng.

Trong gói thầu này, một số thiết bị mua sắm có dấu hiệu bị đội giá so với sản phẩm có cùng xuất xứ, thông số kỹ thuật được rao bán trên thị trường.

Keyboard (đàn phím điện tử) CASIO CT-X3000, xuất xứ Trung Quốc do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Sóc Sơn duyệt mua có giá thấp hơn so với Sở GD&ĐT Thái Nguyên dù trùng về thông số kỹ thuật, xuất xứ.

Cụ thể như Keyboard (đàn phím điện tử) CASIO CT-X3000, xuất xứ Trung Quốc được Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên duyệt mua với giá 11.150.000 đồng/cái (mua 14 cái). Trên thị trường, sản phẩm này có giá bán phổ biến dưới 8 triệu đồng/cái (đã bao gồm VAT, phí vận chuyển).

Trong khi đó, ở gói thầu cũng diễn ra năm 2020, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Sóc Sơn (Hà Nội) mua sản phẩm Keyboard (đàn phím điện tử) CASIO CT-X3000, xuất xứ Trung Quốc với giá thấp hơn đáng kể, chỉ 10.500.000 đồng/cái.

Giá máy chiếu LCD Maxell – EX3051 xuất xứ Trung Quốc do Sở GD&ĐT Thái Nguyên duyệt mua (ảnh trên), cao hơn so với giá duyệt mua của đơn vị khác (ảnh giữa) và giá thị trường (ảnh cuối).

Chưa hết, tháng 9/2020 tại gói thầu: “Thiết bị Công trình mở rộng nâng cấp quy mô trường PTDTNT THSC Phú Lương” duy nhất Công ty TNHH Điện tử Việt Nhật dự thầu và được phê duyệt trúng thầu với giá 1.750.966.000 đông theo quyết định 1233/QĐ-SGDĐT ngày 23/9/2020 do ông Phạm Việt Đức, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên ký. Giá gói thầu là 1.779.117.360 đồng.

Theo khảo sát, nhiều thiết bị trong gói thầu trên cũng có giá duyệt mua cao hơn khá nhiều so với sản phẩm cùng xuất xứ, thông số kỹ thuật bán trên thị trường và so với chính giá duyệt mua đơn vị công lập khác trong nước.

Theo đó máy chiếu đa năng LCD Maxell – EX3051 xuất xứ Trung Quốc được Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên duyệt mua với giá 23.681.000 đồng/cái. Tuy nhiên sản phẩm này trên thị trường có giá bán thấp hơn vài triệu đồng, cụ thể chỉ gần 21 triệu đồng/cái (đã bao gồm VAT, phí vận chuyển).

Một so sánh khác, cũng trong năm 2020 tại gói thầu mua sắm thiết bị, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định (tỉnh Nam Định) mua máy chiếu đa năng LCD MC-EX3051, xuất xứ  Trung Quốc với giá thấp hơn so với Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên, cụ thể chỉ 16.031.000 đồng/cái, tức thấp hơn đến 7 triệu đồng/cái.

Tương tự, máy vi tính FPT ELEAD P5400TDM, xuất xứ Việt Nam được Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên duyệt mua với giá 14.875.000 đồng/cái. Trong khi đó, tháng 12/2020 trong một gói thầu mua sắm, Sở Tài chính tỉnh Bắc Kạn mua Máy vi tính FPT ELEAD P5400TDM xuất xứ Việt Nam với giá chỉ 11.430.000 đồng/cái, tức thấp hơn giá duyệt mua của Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên đến hơn 3 triệu đồng/cái.

Chưa dừng lại, màn chiếu treo tường Dalite P84WS, xuất xứ Trung Quốc được Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên duyệt mua với giá 1.532.000 đồng/cái. Tuy nhiên trên thị trường sản phẩm này chỉ có giá bán thấp hơn, cụ thể là chưa đến 1 triệu đồng/cái (đã bao gồm VAT, phí vận chuyển…)

Việc nhiều gói thầu do Sở Giáo dục và Đào tạo Thái nguyên làm chủ đầu tư có mức tiết kiệm ngân sách thấp, một số thiết bị có nghi vấn đội giá khiến dư luận đặt dấu hỏi về tính hiệu quả, tiết kiệm trong công tác đầu tư công tại cơ quan này?

Sau khi xem xét hồ sơ, căn cứ theo các quy định của Luật Báo chí số: 103/2016/QH13 ngày 05/04/2016 và Nghị định số: 09/2017/NĐCP ngày 09/12/2017 của Chính Phủ quy định chi tiết về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước, Tạp chí điện tử Hòa Nhập đã gửi công văn số 87/CV/ĐTHN ngày 4/11/2021 gửi tới Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên. Tạp chí rất mong nhận được thông tin phản hồi về thanh, kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên với những thông tin phản ánh trên.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích