Quy hoạch, xây dựng TP. Bảo Lộc trở thành thành phố thông minh

Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng vừa trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt đồ án Quy hoạch chung TP. Bảo Lộc và vùng phụ cận, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2040.

Theo Sở Xây dựng tỉnh, đồ án đã được tổ chức lập, lấy ý kiến tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trong khu vực quy hoạch, các sở, ngành và được thông qua HĐND tỉnh (Nghị quyết số 226/2021/NQ-HĐND ngày 26/3/2021) theo quy định. Đồ án cũng đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh tổ chức thẩm định và chủ đầu tư bổ sung chỉnh sửa các nội dung theo Thông báo số 1445/TB-HĐTĐQH ngày 16/7/2021. Ngày 25/10/2021, Sở Xây dựng đã có báo cáo kết quả thẩm định đồ án nói trên. Do đó, Sở kính trình UBND tỉnh lấy ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng bằng văn bản trước khi xem xét, phê duyệt, để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Theo dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung TP. Bảo Lộc và vùng phụ cận, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2040, phạm vi lập quy hoạch có tổng diện tích tự nhiên 59.771ha. Cụ thể, gồm toàn bộ ranh giới hành chính của thành phố Bảo Lộc (6 phường, 5 xã) và vùng phụ cận thuộc huyện Bảo Lâm (gồm 5 xã: Lộc An, Lộc Tân, Lộc Thành, Lộc Nam, Tân Lạc). Mục tiêu nhằm quy hoạch và phát triển TP. Bảo Lộc trở thành đô thị loại II vào năm 2025 và tiếp tục xây dựng thành phố tiệm cận tiêu chuẩn loại I vào năm 2040, theo xu hướng quy mô tương đương tỉnh lỵ. Xây dựng Bảo Lộc trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2020 – 2025 và định hướng đến năm 2030.

Quy hoạch chung TP. Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040 hướng đến xây dựng Bảo Lộc trở thành thành phố thông minh; điểm đến hấp dẫn phía Nam của tỉnh trong tương lai.

Đồng thời, TP. Bảo Lộc là đầu mối giao thông về đường bộ của vùng, trở thành một điểm đến hấp dẫn phía Nam của tỉnh trong tương lai. Phát triển các trung tâm chuyên ngành cấp vùng và quốc gia bao gồm: Thương mại – dịch vụ, Dịch vụ du lịch, Trung tâm Văn hóa – thể dục thể thao cấp quốc gia, Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao – thông minh – hữu cơ. Phát triển bền vững, có bản sắc, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng linh hoạt các nhu cầu phát triển trong nền kinh tế thị trường và bối cảnh hội nhập quốc tế. Phát triển không gian TP. Bảo Lộc đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo chiến lược tăng trưởng xanh, trở thành một đô thị hiện đại, sinh thái với các làng đô thị xanh và đặc thù cảnh quan của xứ B’Lao. Vùng phụ cận Bảo Lộc sẽ phát triển theo hướng hỗ trợ và tương tác lẫn nhau với các chức năng đô thị của Bảo Lộc theo tiềm năng lợi thế riêng của từng địa phương theo hướng tích cực, bền vững và thông minh.

Theo quy hoạch, dự báo quy mô dân số đô thị đến năm 2030 khoảng 257.900 người, trong đó nội thành là 135.700 người, ngoại thành và vùng phụ cận 122.200 người. Đến năm 2040, dân số đô thị khoảng 320.000 người, trong đó nội thành là 168.000 người, ngoại thành và vùng phụ cận 152.000 người. Đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 3.800ha (trong đó đất dân dụng khoảng 2.000ha); năm 2040, đất xây dựng đô thị khoảng 4.800ha (trong đó đất dân dụng khoảng 2.500ha).

Về định hướng phát triển không gian kiến trúc cảnh quan, đô thị TP. Bảo Lộc và vùng phụ cận phát triển theo mô hình đô thị trung tâm và các cụm động lực được kết nối bởi tuyến vành đai xanh, cấu trúc đô thị một vành đai. Đồng thời, định hướng phát triển đô thị sinh thái, thông minh, đa chức năng. Trong đó, TP. Bảo Lộc là đô thị trung tâm phát triển các chức năng của đô thị tỉnh lỵ. Vùng phụ cận phát triển theo định hướng nông nghiệp đô thị sinh thái; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch nông nghiệp; nông nghiệp nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái kết hợp với bảo tồn không gian tự nhiên, bảo tồn sự đa dạng sinh học. Hình thành các cụm đô thị động lực hỗ trợ cho sự phát triển của đô thị trung tâm TP. Bảo Lộc.

TP. Bảo Lộc ngày càng phát triển, trở thành một điểm thu hút đầu tư hấp dẫn.

Cụ thể, không gian TP. Bảo Lộc và vùng phụ cận được định hướng chia thành 9 khu vực phát triển chính cho toàn khu vực bao gồm: Khu vực trung tâm đô thị (1.825ha); Khu vực phát triển mới phía Đông (2.437ha); Khu vực phát triển đô thị  phía Nam (1.746ha); Khu vực phát triển dân cư và du lịch sinh thái (9.941ha); Khu vực phát triển đô thị mật độ thấp phía Tây (1.306ha); Khu vực dự trữ phát triển phía Bắc (2.560ha); Khu vực phát triển du lịch thác Đam B’Ri (2.746ha); Khu vực trung tâm xã Lộc An (1.212ha); Khu vực phát triển và bảo tồn Nông – Lâm nghiệp (36.002ha).

Quy hoạch cũng định hướng phân bố các không gian nhà ở theo 9 khu dân cư. Đồng thời, đề cập đến các điểm nhấn đô thị. Trong đó, tại một số khu vực không quá gần với không gian thiên nhiên có thể đề xuất các công trình có chiều cao tầng vượt trội hơn so với các công trình xung quanh để tạo điểm nhấn. Tại một số khu vực khác có thể tạo yếu tố điểm nhấn bằng các công trình có kích thước vừa phải nhưng lại có hình thức kiến trúc độc đáo, khác biệt, hấp dẫn. Khuyến khích xây dựng các công trình tạo được dấu ấn riêng với việc khai thác các yếu tố bản sắc của địa phương.

Chiều cao công trình sẽ phụ thuộc vào chiều rộng đường để đảm bảo chất lượng không gian cảnh quan tuyến phố. Khu vực lõi trung tâm, tại các điểm nhấn tầng cao xây dựng tối đa là 30 tầng, và tầng cao sẽ giảm dần đến vành đai xanh. Khu vực vành đai xanh tầng cao xây dựng tối đa là 3 tầng. Khu vực ngoài vành đai xanh tầng cao xây dựng tối đa là 5 tầng. Khu vực phát triển du lịch thác Đam B’ri tầng cao tối đa 5 tầng, khu vực trung tâm xã Lộc An tầng cao tối đa 5 tầng, một số công trình điểm nhấn đô thị có thể xem xét tăng tầng cao theo quy định, khu vực phát triển dân cư du lịch sinh thái tầng cao tối đa 5 tầng.

Về các dự án ưu tiên đầu tư và nguồn vốn thực hiện, có thể kể đến như: Hoàn thiện tuyến vành đai phía Nam và đầu tư xây dựng mới vành đai phía Bắc; hoàn thiện không gian cảnh quan khu vực Hồ Nam Phương; xây dựng trung tâm hành chính tại khu vực quy hoạch mới; cải tạo chỉnh trang các khu vực đô thị cũ; dự án tổ hợp dịch vụ – khách sạn tiêu chuẩn 5 sao (tại khu vực chợ Bảo Lộc cũ); khu tổ hợp dịch vụ – khu du lịch sinh thái – sân golf – cáp treo núi SaPung; dự án sân Golf và nghỉ dưỡng Lộc Phát…/.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích