Trong tháng 10/2021: Hà Nội xử lý hơn 1.300 vụ buôn lậu, hàng giả

Trong tháng 10/2021: Hà Nội xử lý hơn 1.300 vụ buôn lậu, hàng giả

Song Lam –  Thứ tư, 03/11/2021 17:30 (GMT+7)

Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội cho thấy, trong tháng 10, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Thành phố đã thanh tra, kiểm tra hơn 1.300 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xử lý hành chính hơn 1.200 vụ.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu thành phố (Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội), về hoạt động buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại trên địa bàn Thành phố, ông Chu Xuân Kiên, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội  cho biết, tình trạng này vẫn còn xảy ra, chủ yếu là đối với nhóm các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao như mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, các mặt hàng phòng chống dịch…

Trong tháng 10/2021, các lực lượng chức năng của thành phố đã thanh tra, kiểm tra 1.339 vụ; xử lý hành chính 1.230 vụ và khởi tố 5 vụ đối với 9 đối tượng. Cụ thể, hàng cấm, hàng lậu là 137 vụ; hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 22 vụ; gian lận thương mại lên tới 1.071 vụ.

Qua đó, các đơn vị chức năng đã phạt hành chính 10 tỷ 321 triệu đồng; truy thu thuế, thu hồi thuế sau thanh tra, kiểm tra (của công an và thuế) là 145 tỷ 802 triệu đồng.

Trong thời gian tới, Chính phủ từng bước mở cửa nền kinh tế, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm sẽ diễn biến phức tạp, đặc biệt là những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội xác định, tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vào các tháng cuối năm, nhất là tại các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đồng thời, tập trung kiểm soát hoạt động vận chuyển trái phép các mặt hàng phòng, chống dịch COVID-19, lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, kinh doanh hàng giả và các mặt hàng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm…

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích