Công tác đảm bảo an toàn phòng, chống sự cố sạt lở đất, đá nhằm giảm thiều thiệt hại
Công tác đảm bảo an toàn phòng, chống sự cố sạt lở đất, đá nhằm giảm thiều thiệt hại
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu, đặc biệt lũ quét, sạt lở đất, đá là loại hình thiên tai xảy ra thường xuyên và nguy hiểm nhất gây hậu quả nặng nề, nhưng rất khó dự báo.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Có thể thấy trong những năm gần đây, một số loại hình thiên tai như hạn hán, bão, lũ lụt, sạt lở đất đá có xu hướng ngày càng nghiêm trọng, cực đoan, bất thường và gây nhiều thiệt hại cho đời sống con người và môi trường. Trong đó, đặc biệt lũ quét, sạt lở đất, đá là loại hình thiên tai xảy ra thường xuyên và nguy hiểm nhất gây hậu quả nặng nề, nhưng rất khó dự báo.
Theo Tổng cục phòng chống thiên tai – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong vòng 5 năm (từ năm 2015 đến năm 2020) cả nước xảy ra 240 đợt lũ quét, sạt lở đất, đá ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 279 người, bị thương 430 người, thiệt hại kinh tế ước tính hàng nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, trong đợt mưa lũ liên tiếp tháng 10/2020, tại các tỉnh miền Trung xảy ra sạt lở đất, đá với mức độ dị thường, khó dự đoán làm 111 người chết, mất tích; trong đó Quảng Trị: 5 trận, 32 người chết, mất tích; Thừa Thiên – Huế: 2 trận, 33 người chết, mất tích; Quảng Nam: 7 trận, 46 người chết, mất tích. Nghiêm trọng nhất là những trận lũ, sạt lở đất xảy ra tại Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm 67, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế; Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị; các xã Trà Leng, Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, Phước Kim, Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Như vậy, có thể thấy hậu quả sau các sự cố sạt lở đất, đá đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của con người khi mà các lớp đất, đá bị trượt lở vùi lấp nhiều công trình, các sinh vật và đặc biệt trong đó là các nạn nhân. Do đó chúng ta cần phải có các giải pháp đảm bảo an toàn hiệu quả trong công tác phòng, chống các sự cố sạt lở đất, đá nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại đến con người và môi trường.
1. Nguyên nhân xảy ra sự cố, tai nạn sạt lở đất, đá
Sạt lở đất, đá xuất hiện khi độ ổn định mái dốc chuyển trạng thái cân bằng sang mất ổn định, các biến đổi này có thể phụ thuộc vào một hoặc nhóm các yếu tố, có thể chia thành nhóm nguyên nhân tự nhiên và nguyên nhân nhân tạo.
– Nguyên nhân tự nhiên:
+ Thay đổi áp lực nước lỗ hổng: hiện tượng sạt lở gia tăng trong những đợt mưa bão ngắn với cường độ cao, áp lực nước lỗ hổng tăng lên làm mất độ ổn định mái dốc. Việc bổ sung nước vào các vật liệu chứa đất sét giảm lực dính giữa các thành phần trong lòng đất dẫn đến sự cố, tai nạn sạt lở đất, đá.
+ Trên bề mặt không có thảm thực vật và các loài sinh vật làm đất bị mất kết cấu, thiếu chất dinh dưỡng.
+ Chân sườn dốc bị xâm thực do nước sông hay nước biển; Sự gia tăng độ ẩm do mưa lớn kéo dài, giảm độ kết dính giữa các vật liệu.
+ Động đất làm tăng sự phá vỡ liên kết của khối đất đá trên sườn dốc, làm cho các khối đất đá có thể trượt tương đối với nhau.
+ Núi lửa phun tạo ra nham thạch nóng, đây là điều kiện thuận lợi để phá vỡ liên kết giữa các khối đất đá.
+ Thành phần của đất đá bị biến chất cổ có đặc điểm dễ bị phong hóa, độ gắn kết kém nên khi bị ngâm nước hay gặp mưa to dễ bị sạt lở.
– Nguyên nhân nhân tạo:
+ Khi khai thác, xây dựng dùng phương tiện cơ giới có tải trọng cao di chuyển sẽ gây rung động mạnh làm đứt gãy các liên kết của đất, đá.
+ Dùng các vật liệu nổ trong việc khai thác khoáng sản, san lấp mặt bằng để làm đường sẽ làm mất chân sườn dốc.
+ Trong các tầng đất có thành phần cơ giới nông, lớp thực vật có vai trò là liên kết giữa đất phủ và đá gốc nên khai thác làm đất canh tác sẽ tăng nguy cơ xảy ra sạt lở đất.
+ Tăng tải trọng ở đỉnh sườn như: xây nhà ở, hồ chứa nước… làm cho tải trọng lớn gây sạt lở đất, đá.
2. Đặc điểm khi xảy ra sự cố, tai nạn sạt lở đất, đá
Sự cố sạt lở đất, đá có diễn biến rất nhanh và con người gần như không thể biết trước khi nào sẽ xảy ra. Sự nguy hiểm của sự cố, sạt lở đất đá là khối đất đá từ trên cao dịch chuyển xuống gây vùi lấp công trình phía dưới, vùi lấp người và tài sản trong công trình do đó:
– Người bị kẹt trong công trình kiến trúc bị sập đổ, có thể có người bị kẹp toàn thân hoặc một phần cơ thể bởi các bộ phận sập đổ của công trình hay bị vùi lấp hoàn toàn dưới các đống đổ nát của công trình bị sập đổ. Trong các trường hợp này yêu cầu lực lượng cứu nạn, cứu hộ phải sử dụng các thiết bị cứu hộ để nâng, phá dỡ phần cấu kiện xây dựng đang ngăn chặn đường vào cứu và đang đè lên người bị nạn.
– Khi xảy ra các tai nạn vùi lấp nếu người bị nạn còn tỉnh sẽ rất hoảng sợ, vì phải chứng kiến cảnh tai nạn đó xảy ra, nạn nhân thường khóc lóc, la hét lớn, kêu gọi người thân, người cứu dẫn đến nhanh bị đuối sức, chính điều này làm cho nạn nhân bị “stress” về sau này. Ngoài ra, khi bị vùi lấp ở những nơi trao đổi khí kém thì thường làm cho nạn nhân bị thiếu oxi để thở dẫn đến tình trạng bất tỉnh.
– Đối với những người bị nạn bị chôn vùi một phần cơ thể bởi lớp đất, đá hay bị cấu kiện, vật thể nặng đè lên bộ phận cơ thể, nạn nhân vừa hoảng sợ, vừa phải chịu các đau đớn do phần cơ thể bị chôn vùi.
– Khối lượng cấu kiện xây dựng của công trình bị sập đổ tạo nên những đống đổ nát chôn vùi nạn nhân trong đó hoặc có những người bị kẹt lại trong các khoảng trống của công trình bị sập đổ. Do đó việc tìm kiếm và tiếp cận được nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn, việc triển khai cứu nạn, cứu hộ tốn rất nhiều thời gian và công sức.
– Do lượng đất đá trượt xuống với khối lượng lớn, khi tiến hành cứu nạn, cứu nguy cơ xảy ra các tai nạn thứ cấp là rất cao. Trong trường hợp lớp đất đá bị sạt lở quá nhiều, người bị nạn bị vùi lấp ở độ sâu lớn sẽ gây khó khăn cho việc xác định vị trí người bị nạn, khó khăn cho việc xác định vị trí trọng điểm ứng cứu.
Ngoài ra, tai nạn sạt lở đất đá còn có nguy cơ kéo theo lũ quét, lũ ống và nguy cơ ngập lụt cho khu dân cư, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng… .vì vậy lực lượng cứu nạn, cứu hộ cần phải chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để ứng cứu kịp thời, có hiệu quả.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an toàn khi xảy ra sự cố sạt lở đất, đá
Từ những nguyên nhân và đặc điểm của sự cố sạt lở đất đá để làm tốt công tác đảm bảo an toàn phòng, chống sự cố sạt lở đất đá cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, đối với các khu vực có đập thủy điện cần tăng cường chỉ đạo các chủ đập thủy điện tổ chức quan trắc, theo dõi diễn biến, đánh giá mức độ an toàn điểm sạt lở phía hạ lưu; Tổ chức, khảo sát đánh giá và có phương án thiết kế, gia cố các điểm sạt lở có khả năng xảy ra, sớm tiến hành thi công khắc phục, đảm bảo an toàn công trình trong quá trình vận hành, khai thác; Liên tục kiểm tra đánh giá tình trạng đập, các thiết bị, công trình xả lũ, cửa nhận nước, … để phát hiện và khắc phục kịp thời các sự cố; Triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du, đặc biệt là hệ thống thông tin liên lạc, quan trắc, cảnh giới tại khu vực nguy hiểm, đảm bảo kịp thời đến chính quyền, người dân khu vực chịu ảnh hưởng nhất là trong các tình huống xả lũ khẩn cấp.
Hai là, tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận hành và phương án bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn, đặc biệt đối với các hồ chứa nhỏ, hồ chứa đã xuống cấp; Kiểm tra phương án bảo vệ dân cư vùng hạ lưu khi hồ chứa phải xả lũ khẩn cấp hoặc nguy cơ xảy ra sự cố vỡ đập. Triển khai lực lượng kiểm tra, phát hiện và phá bỏ điểm bị tắc nghẽn trên các suối, nạo vét, khai thông hệ thống kênh, mương, cống tiêu thoát nước.
Ba là, tiến hành trích lục bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở đất đá, lũ quét từ bản đồ chung của Bộ tài nguyên và Môi trường gửi đến cấp huyện, in sao bản đồ thành nhiều bản phát đến cấp thôn, bản và phổ biến đến cán bộ và nhân dân biết để chủ động trong việc xây dựng và tổ chức triển khai phương án ứng phó cho phù hợp.
Bốn là, tập trung khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất, chủ động phòng, chống thiên tai, khẩn trương triển khai thực hiện, báo cáo kết quả cho UBND cấp tỉnh và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh; Kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành, phân công trách nhiệm, địa bàn cụ thể cho từng thành viên; Rà soát kế hoạch phòng, chống thiên tai và phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; Rà soát chính sách hỗ trợ di dời tái định cư các các hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao; Nghiên cứu lắp đặt, vận hành các hệ thống cảnh báo lũ quét cho một số nơi dân cư và các hoạt động kinh tế tập trung mà có nhiều khả năng xuất hiện lũ quét và trượt lở đất; Trình UBND tỉnh ban hành quy định về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc quản lý, vận hành và sử dụng công trình thuộc lĩnh vực chuyên ngành quản lý; Chuẩn bị nguồn lực để sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá, khu vực hạ lưu hồ chứa nước đề phòng trường hợp đề phòng hồ chứa phải xả lũ khẩn cấp hoặc nguy cơ xảy ra sự cố đập; Thực hiện dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc phòng, chữa bệnh và các nhu yếu phẩm thiết yếu tại địa bàn dễ bị chia cắt, cô lập khi xảy ra thiên tai.
Năm là, đối với các địa phương cần triển khai thành lập, củng cố, đào tạo, tập huấn và tổ chức hoạt động cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, thôn, tổ chức diễn tập ứng phó lũ quét, sạt lở đất; Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; Thông báo, tuyên truyền người dân tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng, nghiêm cấm việc xây dựng cơi nới công trình hiện có vi phạm chỉ giới đường sông; rà soát, cập nhật Quy hoạch khu dân cư tránh những địa điểm thường xảy ra lũ quét và trượt lở đất; Thường xuyên tổ chức kiểm tra thực địa những vị trí có nguy cơ sạt lở đất đá, lũ quét; triển khai lắp đặt biển cảnh báo và bố trí lực lượng thường trực tại khu vực có nguy cư cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; Phân công người cảnh giới tại các điểm có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở và cảnh giới, hướng dẫn phương tiện giao thông tại các ngầm, tràn khi xảy ra lũ; Đài Khí tượng thủy văn tỉnh thực hiện quy chế cảnh báo, dự báo, cập nhật bản tin cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn trên đài truyền hình, đài phát thanh và từ cấp trên chuyển đến, đồng thời theo dõi diễn biến mưa lũ tại địa bàn để cảnh báo cho người dân, đặc biệt các hộ dân sống ven sông, suối và khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, khu vực hạ du đập, hồ chứa nước để chủ động ứng phó.
Sáu là, về lâu dài cần quan tâm bố trí nguồn lực tái định cư các hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ cao ảnh hưởng thiên tai, xây dựng các điểm khu tái định cư phải đảm bảo theo định hướng xây dựng nông thôn mới đã đề ra, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án để thúc đẩy phát triển kinh tế ở các khu tái định cư; Huy động nguồn lực xây dựng các công trình bảo vệ bờ sông, bờ biển tại các khu vực xung yếu; Triển khai các chương trình, dự án nạo vét khơi thông dòng chảy tăng cường khả năng thoát lũ của lòng dẫn; Gia cố nền móng, mái đường, chống trượt tại các đường giao thông thường bị sạt lở; Hoàn thành và đưa vào sử dụng dự án Vận hành hồ chứa nước trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện do JICA tài trợ để thực hiện vận hành các hồ chứa nước./.
Th.S Diệp Xuân Hải, Th.S Vương Văn Khôi,
Khoa Cứu nạn, cứu hộ, trường Đại học PCCC
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2017), Nghị định số 30/2017/NĐ- CP, ngày 21/3/2017 quy định tổ chức hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
3. Chính phủ (2018), Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 về công tác phòng chống thiên tai.
4. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2013), Luật Phòng chống thiên tai, năm 2013.
5. Nguyễn Văn Cần (2020), Giáo trình “Cứu nạn, cứu hộ trong điều kiện đặc biệt”, Trường Đại học PCCC, Hà Nội năm 2020.
6. Nguồn: https://vi.wikipedia.org.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị