Thị trường bất động sản Đà Nẵng – Quảng Nam trong trạng thái bình thường mới

(TN&MT) – Ngày 3/11 đã diễn ra Hội thảo trực tuyến “Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản Đà Nẵng – Quảng Nam trong trại thái bình thường mới” do Tạp chí Nhà Đầu tư /Nhadautu.vn tổ chức.

Hội thảo được tổ chức trực tuyến tại 2 điểm cầu Hà Nội và Đà Nẵng với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện địa phương, các chuyên gia kinh tế, đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp.

Từ năm 2017, 2018 đến đầu 2019, sốt đất nền đến mức bong bóng đã tác động mạnh đến thị trường Đà Nẵng, Quảng Nam. Nhưng đến giữa 2019 cơn sốt hạ nhiệt và đi vào giai đoạn trầm lắng, thậm chí đóng băng trong 2 năm ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.

Hội thảo từ đầu cầu Đà Nẵng

Nếu giai đoạn 2017 – 2018 mức giá mua đi bán lại trên thị trường thứ cấp tăng 80% – 100%/năm – tùy dự án, khu vực mức tăng khác nhau – thì từ giữa 2019 đến 2021 cung – cầu suy giảm mạnh, mặt bằng giá bất động sản năm 2021 giảm trung bình khoảng 15% – 20%, cục bộ nhiều khu vực có mức giảm lên đến 30% – 35% so với năm 2019.

Việc suy giảm của thị trường đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 từ năm 2020 được giới phân tích cho rằng là tác động chính. Từ tháng 10/2021 dịch bệnh được kiểm soát, chiến lược chống dịch được thay đổi, hoạt động kinh tế và đời sống xã hội bắt đầu trở lại trong trạng thái bình thường mới.

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà Đầu tư, phát biểu khai mạc hội thảo.

Trong tình hình mới, các địa phương đã từng bước kiểm soát được dịch COVID-19, tái khởi động, phục hồi kinh tế, với những tiềm năng lợi thế sẵn có của mình, cùng với lực đẩy điều chỉnh quy hoạch TP.Đà Nẵng, giới chuyên môn dự báo thị trường bất động sản tại Đà Nẵng, Quảng Nam đang có chiều hướng tăng trưởng trở lại. Một số dự án mới đang được doanh nghiệp bắt đầu mở bán.

Ngoài những yếu tố khách quan, việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định (số 359/QĐ-TTg) phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với mục tiêu xây dựng TP.Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á… được cho là những yếu tố nền tảng để cho thị trường bất động sản Đà Nẵng trỗi dậy, phát triển.

Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT).

Tương tự, tại Quảng Nam trong năm 2020 Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đưa ra những mục tiêu phát triển trong giai đoạn 2020 – 2025, trong đó tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 khoảng 37%, năm 2030 khoảng 40%. Đặc biệt, đến 2025 lượt khách du lịch đạt 12 triệu.

Những điều chỉnh quy hoạch chung TP.Đà Nẵng, nhất là về kết nối giao thông giữa Đà Nẵng với các tỉnh trong vùng, và nâng cấp các đô thị Quảng Nam được xem là động lực thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản bao gồm cả bất động sản du lịch và nhà ở tại đại phương này.

Tại Hội thảo, các nhà chuyên môn phân tích rằng, thị trường bất động sản ở Đà Nẵng và cả Quảng Nam đã trải qua các giai đoạn, trong đó có 2 lần đạt đỉnh phát triển (2003-2020). Tuy vậy, từ 2013-2016 lại là giai đoạn rơi xuống đáy. Và từ giữa cuối 2019 đến nay là đóng băng. Nhưng kể từ 2022 sẽ là giai đoạn trỗi dậy. Để điều đó trở thành hiện thực, cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương và sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư.

“Nhằm đánh giá đúng thực trạng, nhận diện các thách thức, cơ hội và đề xuất các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản Đà Nẵng – Quảng Nam sớm phục hồi và phát triển, Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức Hội thảo trực tuyến “Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản Đà Nẵng – Quảng Nam trong trạng thái bình thường mới”, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà Đầu tư/Nhadautu.vn cho biết.

Các nhà đầu tư, nhà chuyên môn nhận định thị trường bất động sản ở khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam sẽ sớm tan băng hậu dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT cho biết, Bộ TN&MT đang tập trung vào nội dung quan trọng nhất là xây dựng quy hoạch sử dụng đất tầm nhìn đến năm 2030 và xây dựng lộ trình sửa đổi luật đất đai sau khi NQ19 sửa đổi được thông qua.

Liên quan đến tình trạng pháp lý của các loại hình, đặc biệt là condotel. Mặc dù Bộ TN&MT đã có hướng dẫn cụ thể, tuy nhiên trên thị trường, mọi người vẫn mong muốn cấp giấy dưới hình thức đất sử dụng cho thương mại dịch vụ.

“Chúng tôi mong muốn thị trường bất động sản sẽ phát triển theo cách thức giao dịch quyền chứ không chỉ giao dịch đất đai, và giao dịch quyền ở đây sẽ gắn với việc đăng ký quyền, hình thành các hình thức giao dịch không chỉ phục vụ cho thị trường nhà ở, thị trường ở thời điểm hiện tại, mà trong tương lai, người dân có thể cho doanh nghiệp thuê đất, có thể đưa quyền thu vào/ra. Đây là cách thức chúng ta có thể điều chỉnh lại thị trường. Nếu như đăng ký quyền được triển khai, thì sẽ khẳng định được điều kiện pháp lý, khắc phục được tồn tại và tạo niềm tin cho người dân.”- ông Nguyễn Đình Thọ cho biết.

Bạn cũng có thể thích