Chuyển đổi số đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với ngành logistics
Logistic gặp khó vì COVID-19
Thời gian qua, do những tác động của dịch bệnh COVID-19, chuỗi cung ứng liên tục bị đứt gãy cả ở thị trường quốc tế và nội địa khi mà ở Việt Nam, các loại hàng hóa chủ yếu được vận chuyển và đem đi tiêu thụ thông qua các huyết mạch giao thông. Tuy nhiên, những quy định phòng chống dịch tại nhiều điểm chốt đã khiến việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều hạn chế, chuỗi cung ứng cũng vì vậy mà tắc nghẽn.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, sản lượng vận tải của ngành logistics trong 6 tháng đầu năm 2021 không có nhiều sự khác biệt so với năm 2020. Nhưng đến tháng 7, tháng 8/2021 lại bị giảm sút nghiêm trọng do các hạn chế trong quá trình vận chuyển, đồng thời bị thiếu hụt một phần lực lượng lao động. Mặc dù vậy, ngành logistics vẫn không ngừng nỗ lực hàn gắn lại chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy do dịch bệnh.
Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, khi nông sản muốn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài cần phải được bảo quản bằng container lạnh hay các phương tiện đặc thù và nhiều yếu tố tác động khác đã gây tăng chi phí logistics, nhiều doanh nghiệp e ngại, làm giảm năng suất của chuỗi cung ứng hàng hóa.
Không chỉ chuỗi cung ứng hoạt động kém hiệu quả mà chính các doanh nghiệp logistics cũng chịu ảnh hưởng lớn. Trên thực tế, trong suốt thời gian 2 năm đại dịch vừa qua, ngoài các lực lượng tuyến đầu chống dịch thì lực lượng logistics cũng hoạt động rất sôi động và đóng góp không nhỏ trong đại dịch. Các hoạt động góp phần vào công tác phòng chống dịch như cung ứng vaccine, thực phẩm và nhu yếu phẩm tại những địa phương vùng dịch đều cần có lực lượng lao động của ngành logistics.
Có thể nói, đại dịch COVID-19 đã làm thức tỉnh nhiều doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhận ra những điểm yếu kém của hệ thống logistics đang tồn tại. Do đó, nhiều công ty phải điều chỉnh hoạt động logistics của mình và cũng đặt ra những câu hỏi về sự bền vững của hệ thống logistics và chuỗi cung ứng. Bà Megan Benger, Giám đốc Chuỗi cung ứng tại TMX Global khẳng định, trong thời đại thay đổi liên tục, ngành logistics đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chuỗi cung ứng, trong lĩnh vực môi trường cũng như trong lĩnh vực xây dựng phát triển kinh tế lâu dài.
Đẩy mạnh ứng dụng số trong ngành logistic
TS. Nguyễn Văn Hợp, Trưởng khoa Kỹ thuật và Quản lý Công nghiệp (ĐH Quốc tế, ĐHQG TP. HCM) khẳng định, nếu như trước đây, chuỗi cung ứng chỉ tập trung vào tốc độ, chi phí, thời gian, đúng số lượng và chất lượng. Tuy nhiên ngày nay, để chuỗi cung ứng hoạt động bền vững hơn thì cần tạo ra một chuỗi không chỉ hiệu quả về mặt kinh tế và còn mà cần chú trọng đến yếu tố môi trường và xã hội – con người.
Đồng thời, khi chuỗi cung ứng đã có thể đáp ứng cho các hoạt động kinh tế thì cần phải cần tiếp tục xem xét trên các yếu tố khác. Cụ thể, chuỗi cung ứng cần hoạt động thân thiện với môi trường khi nó tiêu thụ ít hơn nguồn lực về con người, năng lượng, nguồn nước, ít rác thải ít hơn… Về xã hội – con người, tất cả các doanh nghiệp ngày nay để phát triển bền vững thì cần đào tạo con người phát triển về kỹ năng, kiến thức, đảm bảo phúc lợi, điều kiện làm việc, sức khỏe, an toàn người lao động.
Ảnh minh họa
Đại dịch cũng mang lại cơ hội cho nền kinh tế khi các chuỗi cung ứng và hành vi người tiêu dùng thay đổi. Chuỗi cung ứng cần phải được chuyển sang chuỗi cung ứng số và doanh nghiệp cũng cần thích nghi với vận hành chuỗi cung ứng mới đó. Đặc biệt, sau khi xã hội bước vào “trạng thái bình thường mới”, nhu cầu vận chuyển tăng vọt, các doanh nghiệp logistics cần chuẩn bị kế hoạch duy trì và phát triển hoạt động, tránh nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động sau thời gian dài giãn cách xã hội. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là nguồn lực tài chính của doanh nghiệp sẽ ít nhiều cần thời gian để ổn định, phục vụ cho dịch vụ kinh doanh.
Còn theo ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Công sứ – Thương mại Việt Nam tại Mỹ nhận định, trong bối cảnh kinh tế phát triển trở lại, chi phí logistics có xu hướng sẽ tăng cao. Với quy mô nền kinh tế nhập khẩu lớn, khi các nền kinh tế khác phục hồi thì hàng hóa bị dồn ứ tại đây, tình hình này nghiêm trọng hơn khi Mỹ thiếu các lao động về logistics. Theo số liệu thống kê Hải quan mới mới nhất, hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta với Mỹ ngày càng tăng.
Ông Sơn cũng đưa ra một vài gợi ý và định hướng cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu đến Hoa Kỳ. Trong đó quan trọng nhất là công tác liên kết chuỗi giữa các bộ phận trong cả quá trình phân phối, theo đó logistics cần kết nối người tiêu dùng đến người sản xuất. Do vậy, doanh nghiệp logistics cần định hướng người sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn đó.
Theo bà Cao Cẩm Linh, Trưởng làng Công nghệ Logistics của Techfest 2021, Giám đốc Chiến lược Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel cho rằng các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần đủ 6 yếu tố để phát triển chuỗi cung ứng bền vững ra thị trường quốc tế, đầu tiên là nguồn lực tài chính. Tiếp theo, nguồn nhân lực ngành logistics chất lượng cao còn yếu và thiếu, cần sự vào cuộc của các hiệp hội, trường, viện,… trong việc nâng cao kiến thức cho đội ngũ này.
Bên cạnh đó, năng lực quản trị toàn diện, người lãnh đạo doanh nghiệp cần biết cách đối phó với các thay đổi của xã hội, tránh khỏi những rủi ro lớn. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần đến năng lực công nghệ, nếu không ứng dụng chuyển đổi số một cách kịp thời thì sẽ mất đi cơ hội để bứt phá tăng trưởng với quốc tế. Sau đó là năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp cần phải nâng cao ý thức để không bị mất thị trường trên chính sân nhà. Đối với thị trường bên ngoài, doanh nghiệp muốn hội nhập thì cần có quy tắc, quy chuẩn, quy trình bài bản theo quy chuẩn quốc tế.
Bà Linh nhấn mạnh, bên cạnh logistics nông nghiệp thì logistics nông thôn cũng cần được quan tâm phát triển. Nếu logistics nông nghiệp chỉ đề cập tới một chiều tiêu thụ nông sản thì logistics nông thôn là một quá trình hai chiều, vừa giúp bà con tiêu thụ nông sản, vừa cung cấp nguyên vật liệu cho sản xuất và đời sống ở nông thôn, qua đó tạo nên một hệ sinh thái khép kín và góp phần duy trì bền vững cho chuỗi cung ứng nông sản.
Đào tạo nhân lực chất lượng cho logistic
Theo ông Lê Duy Hiệp, chính phủ cần điều chỉnh các quy định vận tải để giúp cho chuỗi cung ứng được thông suốt trong bối cảnh biến động hiện nay, hướng tới việc xây dựng “logistics đô thị” trong tương lai. Các doanh nghiệp logistics cũng kỳ vọng được cơ quan chính quyền hỗ trợ về hành lang pháp lý, thuế, trong giai đoạn khó khăn để có thể đảm bảo nhiệm vụ phát triển chuỗi cung ứng bền vững.
Về mặt phát triển nguồn nhân lực ngành logistics chất lượng cao, ông Nguyễn Văn Hợp cũng cho biết cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp. Để có thể nhanh chóng nâng cao năng lực nhân sự ngành, việc thực hành, cọ xát với các dự án thực tế là không thể thiếu.
Kết luận lại những vấn đề trên, bà Hồ Thị Thu Hòa cho biết, chuyển đổi số đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với logistics để đảm bảo sự bền vững. Việc ứng dụng công nghệ, nguồn lực hạ tầng và nguồn lực nhân sự đều cần được quan tâm phát triển để có thể phát triển những chuỗi cung ứng bền vững, phục vụ đúng nhu cầu của đúng khách hàng, vào đúng thời điểm và ở đúng nơi.
Bảo Lâm