“Thay máu” Hợp Tác xã nông nghiệp kiểu cũ: bao nhiêu người “bị phải làm” lãnh đạo Hợp Tác xã?
Nhiều người kém bị chuyển sang HTX hoặc bị buộc phải làm
Ông Nguyễn Văn Chí – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội cho rằng vấn đề HTX nông nghiệp kiểu cũ toàn xã, toàn thôn đã chuyển đổi theo luật HTX 2012 đang có quá nhiều sự trăn trở. Dù cũng đã có sự quan tâm của các cấp, các ngành nhưng số hoạt động trung bình, yếu còn chiếm tỷ lệ cao.
Thứ nhất là về cán bộ HTX. Có một giai đoạn lịch sử HTX là nguồn đào tạo cán bộ, lãnh đạo cho xã, cứ làm tốt là bị “nhấc” sang UBND. Sau này thì chúng ta chưa đánh giá hết được bao nhiêu người “bị phải làm” lãnh đạo HTX. Không ít cán bộ HTX là do sự phân công của Đảng ủy, UBND xã đối với đảng viên, buộc phải gánh trách nhiệm tổ chức giao cho hay những người kém năng lực bị chuyển sang HTX dưới cái gọi là phân công nhiệm vụ.
Bởi thế mà các HTX chưa chọn được người có trình độ, tâm huyết. Phần lớn, những HTX kiểu này chỉ làm một số khâu dịch vụ cơ bản đầu vào; nhiều HTX hiện nay tồn tại chỉ mang tính hình thức, hoạt động chưa năng động, không có lãi, không có quỹ vốn, nguồn thu chủ yếu dựa vào nông dân đóng góp theo đầu sào, trả công cho cán bộ quản lí quá thấp; việc chuyển đổi theo Luật HTX còn mang nặng tính hình thức, nhiều nội dung về tổ chức, hoạt động chưa tuân thủ hoặc chưa đúng với quy trình của luật; chưa thực hiện đầy đủ nguyên tắc tổ chức HTX là “tự nguyện, tự góp vốn, tự làm, tự chia, tự chịu”.
Thứ hai là vốn, khi chuyển đổi thành viên đóng vài ba kg thóc cho HTX để góp thì cũng chỉ là hình thức. Nếu họ thấy hoạt động của HTX hiệu quả thì sẵn sàng góp ngay nhưng nếu bộ máy lãnh đạo kém, chiến lược phát triển không rõ ràng, không mang lại lợi ích cho mình thì sẽ không đóng. Thêm vào đó, tài sản của HTX là chung, không thể đem thế chấp để vay vốn ngân hàng.
Cuối cùng là một số cấp ủy đảng, chính quyền cấp xã can thiệp quá sâu vào hoạt động của các HTX, trong khi một số địa phương lại không thực sự quan tâm đến hoạt động của HTX. Những HTX hoạt động tốt thì còn có sự hỗ trợ của nhà nước, từ nhóm HTX hoạt động khá trở xuống còn ít được quan tâm.
Việc tham gia vào các chương trình đào tạo cũng rất hạn chế, nhưng có tham gia thì về cũng không đủ năng lực để làm thay đổi và thúc đẩy sản xuất tại địa phương, nhất là thích ứng với giai đoạn mới về ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản…
Đến 31/7/2021, Hà Nội có 1.287 HTX nông nghiệp trong đó có 1.116 HTX đang hoạt động và 171 HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể. Mặt được là các HTX nông nghiệp đã từng bước tạo sự chuyển biến trong sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn… Các mô hình HTX dịch vụ nông nghiệp và HTX chuyên ngành hoạt động hiệu quả cho thấy năng lực trình độ của người đứng đầu là yếu tố quyết định.
Bên cạnh đó, năng lực về vốn, có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư. Xây dựng phương án tổ chức sản xuất và kinh doanh đáp ứng với cơ chế thị trường, đa dạng dịch vụ hoạt động ngoài dịch vụ truyền thống. Đã hình thành 84 HTX nông nghiệp thực hiện liên kết chuỗi, 60 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, 64 HTX nông nghiệp có sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng OCOP.
Mặt tồn tại chung đối với HTX nông nghiệp kiểu cũ (HTX toàn xã, toàn thôn thành lập trước luật HTX 2012) chiếm tỷ lệ cao trong tổng số HTX (698 HTX, chiếm 70%). Nhóm này có số lượng thành viên nhiều, chủ yếu trên 100 thành viên (135 HTX có trên 1.000 thành viên, có 1 HTX trên 7.000 thành viên) nhưng có tỷ lệ hoạt động trung bình, yếu cao (330 HTX).
Nguyên nhân do: năng lực trình độ Hội đồng quản trị khi chuyển đổi theo Luật HTX mới vẫn là những con người cũ, tư duy cũ không thích nghi với cơ chế thị trường và đô thị hóa; Nhiều HTX chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh; vốn hạn chế trong khi Nghị định 115, 116 hướng dẫn cho vay tín chấp nhưng chưa HTX nào tiếp cận được vì ngân hàng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp; Trụ sở đa số đi mượn, đất lập xưởng sơ chế, chế biến để tiêu thụ sản phẩm cho thành viên không có do không được thuê đất công.
Tự phân loại khó biết được đúng sai
Việc phân loại mỗi năm của HTX chỉ làm 1 lần với nhiều tiêu chí, không chỉ là lãi mà còn là giúp ích cho các thành viên, trên nguyên tắc lãnh đạo HTX tự đánh giá. Còn huyện kiểm tra lại việc đánh giá đó nhưng huyện nhiều có cả 100 HTX, huyện ít có 50 – 70 HTX, cán bộ chuyên về mảng HTX không có nên cũng khó biết được đúng sai.
Trên giấy tờ, kết quả tổng hợp đánh giá đến hết năm 2020 Hà Nội có 1.005 HTX nông nghiệp được đánh giá phân loại: Tốt 180 HTX (chiếm 17,91%), khá 360 HTX (chiếm 35,82%), trung bình 433 HTX (chiếm 43,08%) và yếu 32 HTX (chiếm 3,18%). Nhưng thực tế thì có thể không hoàn toàn chính xác như thế.
Nơi nào có nhiều HTX chuyên ngành thì tỷ lệ khá, tốt cao còn có nhiều HTX toàn xã, toàn thôn thì tỷ lệ yếu, trung bình nhiều như huyện Ba Vì, Đông Anh, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Quốc Oai đều có xấp xỉ trên dưới 100 HTX. Nếu Nhà nước ra chính sách hỗ trợ cho các HTX yếu kém thì có khi các HTX lại đánh giá trung thực ngay.
Yếu nên làm gì cũng ngại, cũng sợ, thành ra chỉ quanh quẩn những dịch vụ cơ bản như dịch vụ thủy lợi, bảo vệ thực vật, khuyến nông, bảo vệ đồng ruộng. Sản phẩm các thành viên chủ yếu tự bán thông qua thương lái nên vai trò của HTX mờ nhạt, không tạo được niềm tin và gắn kết với các thành viên, hoạt động cầm chừng, lấy thu bù chi, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Đối với nhóm HTX nông nghiệp kiểu mới mang tính chuyên ngành thành lập do nhu cầu, Hà Nội có 307 HTX, trong đó chủ yếu hoạt động khá tốt và trung bình (172 HTX hoạt động khá, tốt; 134 HTX trung bình, 1 HTX yếu). Các HTX nhóm này có cán bộ đặc biệt là người đứng đầu có năng lực trình độ, có vốn.
Nhiều HTX đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất phục vụ sản xuất và liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu, tham gia OCOP. Nhiều HTX kiểu mới đang là cầu nối để tiêu thụ sản phẩm cho HTX kiểu cũ nhưng chưa đủ mạnh để làm “đầu tàu”, kéo cả đoàn tàu đi.
Tuy nhiên HTX chuyên ngành còn hạn chế sau: xuất hiện xu hướng thành lập HTX nông nghiệp kiểu mới trên địa bàn các huyện nhưng các thành viên không có tư liệu sản xuất mà tổ chức sản xuất thông qua thuê hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc ký hợp đồng với các thành viên liên kết. Số lượng loại hình HTX chuyên ngành chủ yếu dưới 50 thành viên (nhiều HTX 7 – 10 thành viên), hoạt động chưa mang lại lợi ích cho nhiều người dân trong vùng, chưa thúc đẩy được hết phát triển kinh tế của khu vực và địa phương…
Có chính sách đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ trong đó chú trọng đào tạo “nghề” Giám đốc HTX. Có cơ chế hỗ trợ thu hút nguồn nhân lực có trình độ về làm việc tại HTX như doanh nghiệp nông nghiệp, chủ trang trại; đưa cán bộ trẻ đã tốt nghiệp đại học là người địa phương về làm việc tại HTX; mời các cán bộ có năng lực tâm huyết tại địa phương tham gia thành viên HTX như cán bộ xã, cán bộ khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật của xã…
Tập trung vào “thay máu” nhân sự
Việc thực hiện giải thể các HTX nông nghiệp ngừng hoạt động đang gặp khó khăn, vướng mắc chính: Quy trình thủ tục phức tạp và không có kinh phí thực hiện các thủ tục giải thể; Nợ; Tài sản trên đất và quyền sử dụng đất từ nhiều nguồn sở hữu khác nhau…
Cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp chưa đồng bộ, còn thiếu định mức kinh tế kỹ thuật hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn. Chưa có chính sách tích tụ tập trung ruộng đất.
Thực hiện chương trình 04 của Thành ủy, Hà Nội đang tập trung chỉ đạo xây dựng và ban hành Kế hoạch củng cố, kiện toàn HTX nông nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp đối với HTX nông nghiệp kiểu cũ (HTX toàn xã, toàn thôn thành lập trước Luật HTX 2012) hoạt động trung bình, yếu là: hỗ trợ chuyên gia, tư vấn, hướng dẫn tổ chức, củng cố lại nhân sự, hoạt động; xây dựng phương án sản xuất kinh doanh trên cơ sở lợi thế của địa phương;
Hỗ trợ, kết nối HTX nông nghiệp với các ngành, doanh nghiệp thực hiện liên kết để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoặc liên kết HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả để thay đổi; tạo điều kiện phát triển đa dạng các dịch vụ đầu vào đầu ra, dịch vụ môi trường, dịch vụ quản lý khai thác chợ. Khuyến khích thành lập mô hình HTX trong HTX nông nghiệp, doanh nghiệp trong HTX nông nghiệp để thúc đẩy liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho các thành viên.
Trong trường hợp không củng cố, kiện toàn được, khuyến khích giải thể thành lập mới HTX từ HTX kiểu cũ và thành lập mới các HTX chuyên ngành tại địa phương để liên kết tiêu thụ nông sản, mở rộng các dịch vụ cho nhân dân địa phương không phải là thành viên HTX. Tập trung vào công tác “thay máu” nhân sự HTX.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu