Nhạc sĩ Giáng Son bị ‘đánh gậy’ bản quyền, BH Media đang đánh tráo khái niệm

Mới đây, dư luận xã hội, đặc biệt là giới âm nhạc đã phản ứng hết sức dữ dội xung quanh việc nhạc sĩ Giáng Son, tác giả của ca khúc “Giấc mưa trưa” bị tố vi phạm bản quyền trên Youtube.

Cụ thể, trong đơn kiến nghị gửi Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) – đơn vị mà nhạc sĩ đã ủy quyền, nhạc sĩ Giáng Son bày tỏ: “Tôi mới thành lập một kênh Youtube cho riêng mình mang tên “Giáng Sol Official” để chia sẻ những bài hát, album cũ mới của mình đến các khán giả yêu nhạc vào ngày 25/9/2021. Tôi đã rất cẩn thận về vấn đề bản quyền và chỉ đưa bản “Giấc mơ trưa” được phối khí riêng với giọng ca Khánh Linh trong album đầu tiên “Giáng Son” được sản xuất và phát hành năm 2007. Tức là mọi bản quyền về tác giả, phối khí, thu âm là thuộc về tôi. Sau khi tôi đưa lên vài ngày thì có thông báo khiếu nại của BHmedia thay mặt Hồ Gươm Audio Video là chủ sở hữu bản quyền. Tôi vô cùng bức xúc vì tôi không hề ký bản quyền với Hồ Gươm Audio Video và BHmedia. Mọi sở hữu bản quyền phải thuộc về tôi!”.

Đại diện công ty BHMedia trong cuộc họp báo ngày 27/10

​​​​​​

Sau khi nhạc sĩ Giáng Son bức xúc vì việc bị công ty BH Media “đánh gậy bản quyền” ca khúc “Giấc mơ trưa” do chính cô sáng tác, sản xuất nằm trong album “Giáng Son” (2007) trên trang Youtube thì sáng 27/10, công ty BH Media đã có cuộc họp báo với nội dung “Bản quyền âm nhạc trên môi trường số” và phản hồi về vụ việc này.

Theo đó, BH Media khẳng định, vụ việc xảy ra là do Giáng Son “hiểu nhầm” về bản quyền trên Youtube. BH Media hiện là đơn vị đăng ký quyền sở hữu ca khúc “Giấc mơ trưa” do nghệ sĩ Dương Thùy Anh thể hiện trên Youtube. Khi phát hiện bài hát của Giáng Son đăng tải, cơ chế quét tự động của Youtube sẽ so sánh, đối chiếu và tự động gửi “thông báo xác nhận bản quyền” tới nhạc sĩ Giáng Son.

Đại diện Công ty BH Media cho biết: “Vì trên YouTube có nhiều bản ghi “Giấc mơ trưa” của nhiều chủ sở hữu khác nữa. Do đó, khi phát hiện bản ghi “Giấc mơ trưa” của Giáng Son mới được tải lên hơi giống với bản ghi “Giấc mơ trưa” của nghệ sĩ Dương Thùy Anh đã tải lên trước đó, YouTube đã so sánh, đối chiếu và tự động gửi thông báo xác nhận bản quyền tới nhạc sĩ Giáng Son.

Thông báo này nhằm mục đích để chủ sở hữu các bản ghi đối soát bản quyền với nhau và không làm ảnh hưởng đến quyền đăng tải bản ghi của Giáng Son. Chỉ cần nhạc sĩ Giáng Son làm thao tác phản hồi, chủ sở hữu bản ghi sẽ xác minh và gỡ xác nhận bản quyền khỏi video. Ngay sau khi sự việc xảy ra, BH Media đã “nhả” bản quyền bài hát cho nhạc sĩ Giáng Son. Bản ghi chúng tôi sở hữu là bản ghi do bên Hồ Gươm Audio Video cung cấp, không phải bản ghi của nhạc sĩ Giáng Son”.

Trong cuộc họp báo sáng 27/10, BHMedia cho rằng, họ chỉ ký kết với Hồ Gươm Audio Video để khai thác các bản ghi trên môi trường nhạc số, không liên quan đến việc tranh chấp bản quyền: “Chúng tôi làm việc có đầy đủ hợp đồng, giấy phép khai thác ký giữa BH Media và Hồ Gươm. Còn nếu giữa Hồ Gươm và các nhạc sĩ, nghệ sĩ có sự vướng mắc về bản quyền thì giữa các bên phải tự giải quyết với nhau”.

Dù là bên liên quan, song nhạc sĩ Giáng Son không được mời tới buổi họp báo ngày 27/10 của BH Media. Tuy nhiên, sau khi đọc được phản ánh về cuộc họp qua các đơn vị truyền thông, nhạc sĩ Giáng Son đã lập tức có những phản hồi.

“BH Media đổ tại Youtube quét là sai! Youtube chỉ cung cấp công cụ cho đối tác (network) tự quản lý và thực thi. Nếu network không tự ý bật Content ID (phải là nội dung độc quyền) và ra lệnh quét trùng khớp thì ko có chuyện video âm nhạc của Giáng Son bị claim (đính xác nhận bản quyền từ BH Media).

Người thực thi là Network, họ thông qua công cụ mà Youtube cấp đó thực hiện các hành vi cần thiết. Nếu hành vi đó là hợp lệ thì Youtube cho phép. Nhưng nếu đó là hành vi lạm dụng (như BHMedia không phân rõ nguồn gốc tác phẩm) thì hành vi này là không được phép”.

Được biết, một trong những nguyên nhân dẫn tới tranh chấp lần này là nghệ sĩ Dương Thùy Anh đã phát hành bản phối qua công ty Hồ Gươm Audio và công ty Hồ Gươm cũng đã bán lại cho BHMedia. Tuy nhiên, nhạc sĩ Giáng Son trả lời PV Hòa Nhập rằng “bản thân nghệ sĩ Dương Thùy Anh cũng không xin phép nhạc sĩ mà tự xin bản phối của người phối và đi diễn”. Khi Thùy Anh làm CD với bên Hồ Gươm Audio Video cũng không ký hợp đồng nào với cô. Việc Hồ Gươm Audio Video tự ý bán bản ghi ca khúc cho BH Media mà cả Thùy Anh và Giáng Son không hay biết gì là một sự vô lý.

Giáng Son khẳng định: “Người làm ẩu, sai đầu tiên là Dương Thùy Anh! Phía BH Media chịu trách nhiệm liên đới vì không xác minh rõ quyền tác phẩm. BH Media không được phép bật contentID (CID) nếu đó không phải là tác phẩm mà đơn vị này độc quyền sở hữu”.

Liên quan đến việc nhạc sĩ Giáng Son bị “đánh bản quyền” với chính ca khúc Giấc mơ trưa mà chị là tác giả trên Youtube, ngày hôm nay (28-10), Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã có văn bản phản bác các luận điểm BH Media đưa ra trong cuộc họp báo chiều 27-10.

Cụ thể, VCPMC khẳng định sự bức xúc và khiếu nại của Giáng Son khi clip Giấc mơ trưa tại kênh Giáng Sol Official bị BH Media báo cáo bản quyền bản ghi là “hoàn toàn có cơ sở” chứ không có chuyện nhạc sĩ nhầm lẫn về các quyền của mình như thông tin BH Media đưa ra.

Giáng Son là tác giả sáng tác bài hát đồng thời sở hữu bản phối, bản ghi âm mà nhạc sĩ đăng tải trên kênh của mình. “Trong trường hợp này, quyền tác giả và quyền liên quan đều thuộc về nhạc sĩ Giáng Son”- VCPMC khẳng định.

Trong văn bản phản bác các luận điểm BHMedia đưa ra, VCPMC nêu rõ: Đầu tiên, từ đầu đến cuối Thông cáo luôn sử dụng những thuật ngữ không được quy định trong Luật Sở hữu Trí tuệ Việt Nam là “bản quyền”, “quyền bản ghi” gây hiểu lầm cho người đọc, trong khi mục đích cuộc họp báo là để tránh hiểu lầm trong sự việc nhạc sĩ Giáng Son sử dụng tác phẩm và bản ghi âm ghi hình của chính mình trên Youtube nhưng bị BHMedia xác nhận chủ sở hữu.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ (LSHTT): “Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa”. Trong mọi trường hợp, quyền liên quan chỉ được bảo hộ “với điều kiện không gây phương hại đến quyền tác giả” (khoản 4 Điều 17 LSHTT).

Việc BH Media xác nhận mình là “chủ sở hữu bản quyền” đối với bản ghi âm ghi hình do chính tác giả gốc sản xuất là hành vi gây phương hại đến quyền tác giả, không hề có hiểu lầm trong sự việc này. Chính vì vậy nên BH Media đã lập tức phải gỡ bỏ xác nhận chủ sở hữu ngay khi nhạc sĩ Giáng Son lên tiếng trên các phương tiện truyền thông.

Việc BH Media cho rằng, trên Youtube có nhiều bản ghi “Giấc mơ trưa” của nhiều chủ sở hữu khác nữa trong khi thực tế tác giả Giáng Son chưa từng chuyển nhượng, bán độc quyền tác phẩm này cho ai cũng hoàn toàn sai so với quy định của pháp luật Việt Nam. Ngoài Giáng Son hoặc người được Giáng Son ủy quyền, không có bất cứ cá nhân/tổ chức nào có quyền chủ sở hữu đối với tác phẩm hoặc bản ghi âm ghi hình tác phẩm “Giấc mơ trưa”.

Thứ hai, khi giải thích những hiểu lầm về Quyền tác giả, Quyền bản ghi, BHMedia tiếp tục không sử dụng những quy định của pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ, tự nghĩ ra một khái niệm quyền tác giả chỉ gồm vài từ trong khi LSHTT đã dành tới 3 Điều 18, 19, 20 chỉ để quy định về khái niệm “quyền tác giả”.

BHMedia cho rằng nhiều nghệ sĩ chưa hiểu chính xác “Có nhạc sĩ nghĩ mình là người tạo ra tác phẩm đó nên có quyền 100% đối với những bản ghi âm ghi hình liên quan đến tác phẩm của mình” là hoàn toàn sai lầm bởi những nhạc sĩ vừa sáng tác vừa đầu tư sản xuất ra bản ghi âm, ghi hình tác phẩm của mình như nhạc sĩ Giáng Son có 100% quyền tác giả và 100% quyền liên quan đến quyền tác giả.

Việc BHMedia lấy ví dụ nhạc sĩ sáng tác cho VTV, HTV thì không được quyền đăng youtube tác phẩm của chính mình vì VTV, HTV mới là chủ sở hữu thực sự cũng là sai lầm cả về cách hiểu luật cũng như thực tế việc thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả của các đơn vị truyền hình tại Việt Nam hiện nay. Theo quy định tại Điều 39 LSHTT, VTV hay HTV chỉ có thể trở thành chủ sở hữu nếu là “Tổ chức giao nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm cho tác giả là người thuộc tổ chức mình” hoặc có giao kết hợp đồng với tác giả, mọi trường hợp còn lại, tác giả vẫn giữ quyền tác giả | hoặc cả quyền liên quan (trong trường hợp nhạc sĩ sản xuất bản ghi âm, ghi hình đối với tác phẩm này.

Ngoài ra, BH Media tuyên bố có quyền sở hữu đối với bản ghi và nội dung đã cung cấp cho Youtube thì hệ thống (YouTube) mới có thể thực hiện quét tự động. Điều này đặt ra vấn đề là bản ghi mà BH Media sử dụng để Youtube tự động quét liệu có phải vẫn là bản ghi thuộc quyền sở hữu của nhạc sĩ Giáng Son không, hay bản ghi này có đang bị chiếm hữu một cách trái phép, hoặc nếu sản xuất, sao chép thì có xin phép nhạc sĩ Giáng Son chưa… Đây là vấn đề cần kiểm tra lại và làm rõ ở góc độ pháp lý, thông qua các giấy tờ, hợp đồng mà các bên liên quan đã ký kết, chuyển giao.

Bên cạnh đó, BH Media cũng là đơn vị sử dụng khi thực hiện sao chép tác phẩm để đăng tải trên Youtube mà theo quy định thì BH Media phải thực hiện xin phép và trả tiền nhuận bút cho tác giả thành viên VCPMC; tuy nhiên, nghĩa vụ xin phép và trả tiền sử dụng quyền tác giả thuộc thành viên VCPMC lại chưa được BH Media tuân thủ nghiêm túc.

Cụ thể, giữa VCPMC VÀ BHMedia từng ký kết hợp đồng nguyên tắc sử dụng quyền tác giả âm nhạc số 2205/2020/HĐQTGAN/MR ký ngày 22/5/2020. Dựa theo hợp đồng này, BHMedia có nghĩa vụ kê khai link kênh, danh sách tác phẩm sử dụng để trả tiền tác giả. Tuy nhiên hợp đồng trên đã được VCPMC thông báo chấm dứt hợp đồng vào ngày 8/9/2021 vì lý do BHMedia vi phạm nghĩa vụ hợp đồng ảnh hưởng đến lợi ích các tác giả mà VCPMC đang bảo vệ. Theo yêu cầu và uỷ quyền của nhạc sĩ Giáng Son, cũng như của một số nhạc sĩ khác đang gặp phải tình cảnh tương tự, VCPMC sẽ có văn bản đề nghị BH Media làm rõ thêm.

 

 

Thông báo xác nhận quyền sở hữu với bài hát “Giấc mơ trưa” của BH Media với nhạc sĩ Giáng Son. ( ảnh BH Media )

Trả lời báo chí, Ban pháp chế Trung tâm Bảo vệ Quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam cũng thông tin thêm để làm rõ vụ việc. Theo đó: Nhạc sĩ Giáng Son vừa là tác giả sáng tác bài hát, vừa là chủ sở hữu bản phối, bản ghi âm mà nhạc sĩ đăng tải trên kênh của mình; trong trường hợp này, quyền tác giả và quyền liên quan đều thuộc về nhạc sĩ Giáng Son.

Theo dõi cuộc họp báo của BH Media sáng 27/10, Luật sư Vũ Văn Biên cho rằng việc BH Media luôn sử dụng thuật ngữ không được quy định trong Luật Sở hữu Trí tuệ Việt Nam là “bản quyền”, “quyền bản ghi” gây hiểu lầm cho người đọc, trong khi mục đích cuộc họp báo là để tránh hiểu lầm trong sự việc nhạc sĩ Giáng Son sử dụng tác phẩm và bản ghi âm ghi hình của chính mình trên Youtube nhưng bị BHMedia xác nhận chủ sở hữu.

Như vậy, hiện nay đang còn khá nhiều kênh thuộc BH Media quản lý/đại diện/sở hữu vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả. Bộ phận Pháp chế VCPMC đang tiến hành các thủ tục pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích của tác giả thành viên có tác phẩm sử dụng trên các kênh này”. BH Media là nhận mình là một Network Content lớn nhưng các sản phẩm trên các kênh Youtube thuộc sở hữu của BH Media đang thực hiện luật sở hữu trí tuệ nhưng thế nào? Các phần mềm di động và các trang thông tin điện tử khác đã thực hiện đúng “đạo đức máy tính” và luật về nội dung số như thế nào chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới quý vị trong bài tiếp theo. 

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích