Đại biểu Quốc hội đánh giá cao kế hoạch chi tiết cơ cấu lại nền kinh tế của Chính phủ
Tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp thứ 2, họp phiên toàn thể vào sáng 30/10, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tiếp về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.
Ý kiến phát biểu của các đại biểu đề nghị trong cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện thực chất, hiệu quả hơn nữa trên cơ sở củng cố và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt và phối hợp hài hòa, hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.
Bày tỏ nhất trí với cần thiết xây dựng kế hoạch, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn), đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, trong bối cảnh khó khăn thời gian qua do tác động của đại dịch Covid – 19, nông nghiệp đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, thực sự là trụ đỡ của nền kinh tế. Với trị trí quan trọng này, theo đại biểu Chu Thị Hồng Thái, thời gian tới cần quan tâm hơn nữa đến đầu tư cho phát triển nông nghiệp thông qua cơ cấu lại ngành để ngành nông nghiệp thích ứng tốt hơn với những biến động của thị trường, khắc phục được tình trạng phát triển thiếu bền vững, quy mô nhỏ, manh mún…
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) lưu ý kế hoạch cần xác định rõ hơn các nhiệm vụ trọng tâm để để có ưu tiên đầu tư nguồn lực, bảo đảm sự thực hiện thành công kế hoạch.
Đề cập đến nội dung về không gian tái cơ cấu, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho rằng kế hoạch mới tập trung mạnh đến tái cơ cấu theo vùng trung tâm, đô thị, mà chưa có sự đề cập đến tái cơ cấu kinh tế không gian khu vực trung du, miền núi. Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm đề ra các giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu khu vực này. Đồng thời cần có các biện pháp quyết liệt hơn nữa để phát triển nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, gắn kế mạnh mẽ giữa xản xuất với chế biến, thiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở trong và ngoài nước.
Nhấn mạnh con người có ý nghĩa quyết định, đại biểu Đinh Ngọc Quý (Gia Lai) đề nghị trong thực hiện tái cơ cấu cần có những giải pháp hiệu quả hơn nữa về công tác đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao, tận dụng tối đa lợi thế, cơ hội mà cơ cấu dân số vàng của nước ta hiện nay mang lại. Đồng thời phải từng bước hướng tới nền kinh tế số, chuyển đổi số, dựa mạnh vào khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, nhất là những tác động tiêu cực của đại dịch Covid – 19, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng công tác dự báo là hết sức quan trọng, trong thực hiện tái cơ cấu kinh tế nói riêng và phát triển kinh tế – xã hội nói chung, cần dành sự quan tâm đặc biệt hơn nữa đến công tác dự báo, đánh giá tình hình để đề ra hướng đi, chiến lược đúng, chủ động ứng phó được với những tác động tiêu cực, các diễn biến phức tạp về kinh tế ở khu vực và trong nước cũng như chủ động, nắm bắt, tận dụng được tốt các cơ hội cho phát triển.
Theo đại biểu Bùi Văn Nghiêm (Vĩnh Long), cần nghiên cứu, đánh giá toàn diện nguyên nhân các hạn chế giai đoạn 2016 – 2020 để rút ra các bài học kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu tốt hơn trong giai đoạn 2021 – 2025.
Một số ý kiến đề nghị kế hoạch cần tăng cường hơn nữa các giải pháp về gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ và phục hồi môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng – an ninh. Phát huy yếu tố con người, giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam, coi đây là nguồn lực, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm cho sự phát triển bền vững.
Tại đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá rất cao báo cáo chi tiết của Chính phủ về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, báo cáo thẩm tra của Quốc hội đảm bảo khách quan và khoa học. Góp ý về kế hoạch, đại biểu cho rằng Chính phủ cần có kịch bản ứng phó không để kinh tế vĩ mô bất ổn, kiến nghị Chính phủ bình ổn giá xăng dầu, việc giải ngân đầu tư công cũng cần tập trung xử lý. Đại biểu Ngân đề nghị Chính phủ chi tiền cho đội phản ứng nhanh để giúp các tỉnh giải ngân đầu tư công, cũng như sớm hoàn thiện cơ chế hoàn thiện liên kết vùng cho hiệu quả, cần làm rõ quyền lợi, trách nhiệm của các đơn vị tham gia liên kết vùng.
Tiếp đó, tại đầu cầu Hội trường Diên hồng, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) băn khoăn khi nghe báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế nói có một số ý kiến cho rằng không cần thiết đưa nội dung cơ cấu lại nền kinh tế thành một kế hoạch riêng vì khá nhiều nội dung của kế hoạch trùng lặp với nội dung đã được nêu tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế – xã hội, tài chính – ngân sách, đầu tư công 5 năm 2021 – 2025.
Đại biểu Hoàng Văn Cường khẳng định trong bối cảnh hiện nay rất cần thiết phải cơ cấu lại vì phân bổ nguồn lực nội tại của nền kinh tế đang mất cân đối. Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận xét nền kinh tế đang thiếu những trụ cột để phát triển tự chủ và bền vững. Với mục tiêu đặt ra Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường, cần thiết phải có các tập đoàn mạnh không chỉ trong nước mà còn khu vực, quốc tế. Tuy nhiên, theo ý kiến đại biểu, đến nay hầu như chưa có trụ cột này, vì vậy chúng ta phải hình thành cơ chế để có những doanh nghiệp ở thế chủ động. Bên cạnh đó, tác động của đại dịch cũng khiến chúng ta phải cơ cấu lại và cần thiết phải có cơ chế đột phá chứ không phải những biện pháp thông thường.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu