Hải Phòng: Định hướng xây dựng Đề án cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố theo Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị

(Xây dựng) – Đó chỉ đạo của đồng chí Trần Lưu Quang – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng trong Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy.

hai phong dinh huong xay dung de an co che chinh sach dac thu phat trien thanh pho theo nghi quyet 45 cua bo chinh tri
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị.

Hội nghị nghe báo cáo về các nội dung: Thành lập Ban chỉ đạo, phân công thành viên Ban chỉ đạo; Kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo của Thành ủy về xây dựng Đề án cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố theo Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị; thành lập Tổ giúp việc và phân công nhiệm vụ thành viên Tổ giúp việc của Ban chỉ đạo Thành ủy; Định hướng xây dựng Đề án cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố theo Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị.

Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện đơn vị tư vấn xây dựng đề án cơ chế, chính sách phát biểu ý kiến, khẳng định vị thế địa kinh tế, địa chiến lược, tiềm năng to lớn và lợi thế phát triển đặc biệt của Hải Phòng trong chiến lược phát triển quốc gia và vùng, nhất là thời kỳ hội nhập toàn cầu. Đó cũng là lý do mà Bộ Chính trị ban hành 2 Nghị quyết chuyên đề cho Hải Phòng gồm Nghị quyết 32 năm 2003 và Nghị quyết 45 năm 2019.

Các chuyên gia chỉ rõ điểm yếu, “nút thắt” trong phát triển của thành phố, từ đó, nhấn mạnh về định hướng, các tuyến giải pháp đột phá về dân cư – quy hoạch đô thị; kinh tế; bộ máy chính quyền – quản trị, ngân sách tài chính đô thị. Cụ thể là cần “đi đầu” về cơ cấu ngành đẳng cấp và cơ chế vượt trước, tiên phong hội nhập tạo điều kiện để thành phố hội tụ sức mạnh thế giới và cạnh tranh quốc tế thành công; cần liên kết vùng Hà Nội – vùng Duyên hải Đông Bắc, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và phía Tây Nam Trung Quốc…

Các chuyên gia nhận định: Về mục tiêu kinh tế, Hải Phòng sẽ trở thành trung tâm công nghiệp – công nghệ cao; trung tâm Logistics quốc tế; có những doanh nghiệp chủ lực dẫn dắt là các Tập đoàn mạnh, doanh nghiệp hiện đại; xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo – khởi nghiệp. Đô thị Hải Phòng sẽ có quy hoạch kiến trúc hiện đại; dân cư chất lượng cao; đô thị có bản sắc văn hóa, hòa hợp thiên nhiên. Về thể chế xây dựng chính quyền đô thị, thể chế vượt trội, đô thị thông minh… các chuyên gia chỉ ra nhưng kinh nghiệm quốc tế về áp dụng chính sách vượt trội và bài học đối với Hải Phòng.

hai phong dinh huong xay dung de an co che chinh sach dac thu phat trien thanh pho theo nghi quyet 45 cua bo chinh tri
Các chuyên gia phát biểu tại Hội nghị.

Tại hội nghị, các ý kiến xoay quanh vấn đề là chọn phương án “xây mới” hay “cơi nới” khi đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho Hải Phòng. Có ý kiến cho rằng để Hải Phòng phát triển bứt phá thì rất cần cơ chế thí điểm, theo sự phân cấp, phân quyền với những chính sách, thể chế mới, từ đó tạo nguồn lực lớn để phát triển. Như để phát huy lợi thế của thành phố cần có những thí điểm cơ chế về cảng biển, thương mại tự do, trung tâm Logistic, du lịch, đầu tư… Có đại biểu cho rằng từ những phân tích của các chuyên gia, nhà khoa học về những bài học, kinh nghiệm của nhiều thành phố trên thế giới đã tạo ra hướng gợi mở để thành phố tập trung nghiên cứu, đề xuất cơ chế về xây dựng khu thương mại tự do.

Kết luận tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, trong những năm gần đây, thành phố đạt nhiều thành tựu, giữ vững tốc độ tăng trưởng cao trên 2 con số, có những thực tiễn phù hợp với việc xây dựng cơ chế đặc thù. Về tổng thể, các sở, ngành, địa phương cần nghiên cứu tham mưu, xây dựng đề án, cơ chế chính sách đặc thù cho Hải Phòng với những giải pháp mang tính đột phá để thể hiện khát vọng của Hải Phòng, bám sát định hướng, chỉ đạo theo Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị.

Bạn cũng có thể thích