Doanh nghiệp bất động sản cần “liều thuốc“ từ chính sách để bật dậy sau Covid-19
Nhiều yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản nhanh chóng phục hồi
Chia sẻ tại tọa đàm “Bất động sản trong xu thế mới: Linh hoạt để thích ứng”, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, tác động của đại dịch Covid-19 đối với thị trường bất động sản có sự khác biệt so với các cuộc khủng hoảng trước đây.
TS. Lực phân tích, nếu như ở các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây, khi thị trường gặp khó khăn, nhu cầu bất động sản giảm ngay lập tức thì dưới tác động của đại dịch, dù thị trường bất động sản cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nguồn cung ách tắc nhưng nhu cầu không hề giảm, thậm chí còn phát triển tốt. Đặc biệt là với bất động sản khu công nghiệp, logictics, nhà ở…
Khác biệt thứ hai, theo TS. Cấn Văn Lực, là giá bất động sản không giảm, phản ánh nhu cầu thị trường vẫn cao ở nhiều phân khúc. Dòng tiền rẻ, lãi suất thấp ở các nước và cả ở Việt Nam khiến cho dòng tiền chờ vào bất động sản tương đối dồi dào thời gian qua.
Theo đánh giá của TS. Cần Văn Lực, khả năng phục hồi của thị trường bất động sản vẫn rất khả quan bởi khả năng bật dậy của nền kinh tế khá nhanh như chiếc lò xo. Cùng với đó, việc phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư công được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Ngoài ra, môi trường pháp lý cho bất động sản cũng đang dần được cản thiện, trong năm tới, Chính phủ sẽ dự kiến trình Quốc hội sửa 4 luật: Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản và một số điểm trong Luật Xây dựng. Riêng năm nay, Chính phủ đã thống nhất dùng 1 luật sửa nhiều luật.
“Chúng tôi cũng vừa thảo luận với VCCI sẽ đẩy mạnh cải thiện quy định liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường hồi phục… Hiện Chính phủ đang rất quyết liệt trong việc xây dựng chương trình phục hồi kinh tế trong 2 năm 2022 – 2023, đang có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho khối doanh nghiệp. Kỳ vọng với những chương trình này cộng với khả năng nền kinh tế sẽ như lò xo bật sau đại dịch, khả năng tăng trưởng GDP trong năm 2022 ở mức 6,5% – 7% là tương đối khả quan”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Doanh nghiệp cần tăng “sức đề kháng”
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các doanh nghiệp sau khi trải qua những tác động của đại dịch Covid-19 đã có những thay đổi để thích nghi, sẵn sàng trở lại thị trường. Song, nhu cầu của khách hàng sau đại dịch cũng đã thay đổi rất nhiều, Do đó, vị chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp bất động sản cần chú ý về sản phẩm, chất lượng dịch vụ và cần mạnh mẽ hơn trong việc chuyển đổi số.
Bên cạnh sự linh hoạt, thích ứng từ phía doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực nhận định, đòn bẩy chính sách là yếu tố quan trọng. Riêng thủ tục về đầu tư, xây dựng, nhất là thủ tục tiếp cận đất đai, dù đã được tiết giảm nhưng vẫn là phức tạp nhất. Thực tế, từ tháng 5/2020 có Nghị quyết 68 về cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020 – 2025 nhưng trong 1,5 năm qua chưa làm được nhiều, vẫn còn nhiều ách tắc, lãng phí.
Còn TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nhấn mạnh, trong chương trình trung hạn phục hồi kinh tế, cần xem phục hồi thị trường bất động sản là bước đột phá để dẫn dắt, kích thích sự phục hồi của nền kinh tế nói chung.
“Đối với TP.HCM, bất động sản là một trong 9 nhóm ngành dịch vụ chủ lực để phát triển. Theo đó, để hỗ trợ doanh nghiệp vực dậy, cần tạo môi trường đầu tư kinh doanh, gỡ tất cả nút thắt để doanh nghiệp có thể “bung” lên.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục xem đầu tư công như yếu tố kích thích để tăng tổng cầu. Kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy, cứ 1 đồng đầu tư công sẽ kích thích đầu tư xã hội từ 8 – 10 đồng. Nếu giải ngân đầu tư công 50.000 – 60.000 tỷ đồng thì sẽ kích thích thị trường 500.000 – 600.000 tỷ đồng”, TS. Trần Du Lịch cho hay.
Ngoài ra, theo TS. Trần Du Lịch, cần có một chương trình kết nối doanh nghiệp và ngân hàng. Với các doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, cần chương trình kích cầu lãi suất, thực hiện trong nhiều năm để tạo dòng tiền. Đồng thời, rút kinh nghiệm năm 2010 – 2012, có thể cung cấp tín dụng cho những doanh nghiệp bị nợ đọng, quá hạn, không còn khả năng vay để vẫn tạo dòng tiền cho doanh nghiệp hoạt động trở lại.
“Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, gãy đổ vì họ bị “nợ chồng nợ”, không còn đáp ứng được điều kiện vay. Nếu doanh nghiệp có phương án kinh doanh và được vay vốn tiếp để trả nợ cũ thì nên tạo điều kiện cho họ thông qua một gói kích cầu hỗ trợ, còn gọi là chương trình “tay 3” gồm Nhà nước, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp xây dựng được phương án vay, được thẩm định và cấp vốn thì có thể làm ra tiền để trả nợ cũ cũng như nợ mới. Chúng tôi gọi là “nuôi nợ để đòi nợ”, ông Lịch cho biết.
Vị chuyên gia tin rằng, nếu dùng phương án “nuôi nợ để đòi nợ” sẽ cứu được rất nhiều doanh nghiệp, kinh tế sẽ phục hồi tốt hơn. Kinh nghiệm từ giai đoạn trước cho thấy, những doanh nghiệp khó khăn thường sẽ lo làm ăn, trả nợ và không để nợ quá hạn.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần địa ốc Kim Oanh cho biết, tình hình dịch bệnh thời gian qua khiến doanh nghiệp nào cũng khó khăn nhưng đã nỗ lực vượt qua, không chịu lùi bước và may mắn là thị trường đã hoạt động trở lại.
Về pháp lý, doanh nghiệp bất động sản hiện rất vướng, rất khó khăn, chỉ mong các địa phương tháo gỡ, làm đúng theo luật, tránh mất thời gian, chi phí của doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp quá khó khăn rồi, mong muốn có cơ chế rõ ràng về trách nhiệm địa phương, bộ ngành… để chúng tôi bớt áp lực, bớt chi phí, thời gian kéo dài… Nếu không xử lý được, doanh nghiệp không thể phát triển được, mất uy tín, người dân chịu trận do chậm được cấp sổ…”, vị lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ./.