Phù Yên (Sơn La): Tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt
(TN&MT) – Hiện nay, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La có 10 xã, thị trấn đã triển khai thu gom rác thải sinh hoạt, vận chuyển đến bãi chôn lấp rác thải tập trung của huyện để xử lý. Tỷ lệ rác thải được thu gom đạt 96%; tỷ lệ rác thải được xử lý đạt 86%.
Xây dựng hố rác di động để phân loại và xử lý chất thải rác hữu cơ dễ phân hủy tại xã Huy Tân. |
Nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải
Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn, từ đầu năm tới nay, huyện Phù Yên đã ban hành nhiều công văn, kế hoạch giao nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho các phòng, ban, các xã, thị trấn để nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang được giao cho Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị – Chi nhánh Phù Yên thực hiện. Công ty đã triển khai thu gom rác tại thị trấn Phù Yên và 9 xã lân cận. Rác thải được thu gom từ các xe đẩy tay tại các điểm tập kết rác lên xe ép rác, vận chuyển đến bãi rác tập trung, xử lý theo công nghệ đốt kết hợp chôn lấp. Trung bình, lượng rác thải được thu gom hơn 6,1 tấn/ngày; lượng rác thải được xử lý gần 5,5 tấn/ngày.
Người dân các xã còn lại thực hiện thu gom, chôn lấp bằng các hình thức: Đào hố rác tập trung, hố rác mini… Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có 2 cụm công nghiệp Quang Huy và Gia Phù, rác thải công nghiệp đang được các công ty tự vận chuyển, thu gom và xử lý, không để tình trạng xử lý chung rác thải công nghiệp và sinh hoạt.
Ông Ngô Đức Dương, Trưởng phòng TN&MT huyện Phù Yên cho biết: Để nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, UBND huyện đã tăng cường tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ, nhân dân. Triển khai xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, bước đầu hình thành một số mô hình tự quản về môi trường do các đoàn thể tổ chức thực hiện. Đôn đốc, hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện tốt tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới; tiếp tục xây dựng các mô hình thu gom, xử lý rác thải, quy hoạch điểm tập kết, xử lý rác thải nông thôn đảm bảo yêu cầu về môi trường theo quy hoạch nông thôn mới.
Đồng thời, đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân triển khai phân loại rác tại nguồn. Trong năm nay, đã triển khai tới các xã việc xây dựng hố rác di động để phân loại và xử lý chất thải rác hữu cơ dễ phân hủy tại hộ gia đình; đặc biệt là tại 2 xã đăng ký đạt chuẩn NTM là Huy Tân và Huy Thượng. Duy trì Ngày thứ 7 về cơ sở xây dựng nông thôn mới cùng nhân dân thực hiện vệ sinh đường làng ngõ xóm, thu gom rác thải…
Qua rà soát, tổng hợp từ các xã, thị trấn, tổng số hộ dân trên địa bàn huyện Phù Yên là hơn 28.000 hộ, trong đó, hơn 26.000 hộ đã thực hiện thu gom, xử lý rác thải. Tỷ lệ rác thải được thu gom đạt 96%; tỷ lệ rác thải được xử lý đạt 86%.
Tổ đội thu gom rác thải xã Mường Cơi, huyện Phù Yên được thành lập để hỗ trợ người dân tăng cường thu gom, xử lý rác thải. |
Đưa thêm 4 xã ngoài đô thị vào kế hoạch thu gom, xử lý rác thải
Nhìn chung, công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Phù Yên những năm qua đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công nghệ xử lý rác hiện chủ yếu là chôn lấp, đốt thủ công, nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Nguồn nội lực dành cho thu gom, xử lý rác thải còn hạn chế, đời sống người dân còn khó khăn, kinh phí từ nguồn đóng góp của nhân dân không đảm bảo để duy trì mạng lưới thu gom. Ý thức của một số hộ dân trong việc ủng hộ thành lập ban thu gom, chở rác, nộp phí định kỳ chưa cao. Vẫn còn tình trạng lén lút thải rác bừa bãi nơi công cộng, ven đường.
Tại một số xã đã thành lập tổ, đội thu gom rác thải nhưng hoạt động không thường xuyên, việc thu gom rác chưa kịp thời, dẫn đến tình trạng ứ đọng rác trong khu dân cư còn diễn ra. Bên cạnh đó, hiệu quả hưởng ứng phong trào Chống rác thải nhựa, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn chưa cao do thói quen tiêu dùng, sử dụng, sinh hoạt của người dân chưa có nhiều thay đổi.
Thời gian tới, huyện Phù Yên sẽ tiếp tục tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của các cấp và các tầng lớp nhân dân về trách nhiệm bảo vệ môi trường. Nâng cao ý thức tự giác thực hiện phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng 1 lần, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Đẩy mạnh hình thành các mô hình tự quản về môi trường của các xã, bản như: Hội nông dân, hội phụ nữ, cựu chiến binh…
Rà soát, lập quy hoạch bố trí các điểm trung chuyển rác thải, điểm tập kết rác thải, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, đáp ứng yêu cầu thu gom, vận chuyển rác thuận tiện, không để tồn lưu rác thải quá thời gian quy định. Tổ chức ký cam kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn không sử dụng rác thải nhựa.
Xây dựng kế hoạch đưa thêm 4 xã trên địa bàn vào danh mục về vị trí, địa điểm các xã ngoài đô thị cần thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt. Triển khai thí điểm các mô hình phân loại rác tại nguồn tại trường học, khu dân cư…