Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng 65.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng 65.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng 65.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

Đây là đề xuất chính thức Bộ Xây dựng gửi Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thay cho phương án về gói 30.000 tỷ đồng cơ quan này đưa ra một tuần trước đó.

Khảo sát của Bộ Xây dựng cho thấy, giai đoạn 2021-2025, nhu cầu về nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp khoảng 294.600 căn với tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng.

Trong đó, nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị khoảng 131.100 căn có tổng mức đầu tư ước tính 138.000 tỷ đồng; nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là 163.500 căn với tổng mức đầu tư khoảng 82.000 tỷ đồng.

Do đó, Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng là 65.000 tỷ đồng. Trong số này có gói tín dụng 15.000 tỷ đồng nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 bao gồm: cấp vốn 14.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho các đối tượng khách hàng cá nhân theo quy định; cấp bù lãi suất 1.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại do nhà nước chỉ định cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các đối tượng cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay theo quy.

Còn gói tín dụng 50.000 tỷ đồng sẽ theo hình thức Ngân hàng nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho các đối tượng vay như: công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp được vay ưu đãi từ Chương trình để mua, thuê mua nhà ở xã hội; chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê; chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua cho các đối tượng theo quy định của Luật nhà ở.

Theo Bộ Xây dựng, Chương trình này góp phần thực hiện “mục tiêu kép” mà Chính phủ đã đề ra là bảo đảm an sinh xã hội – nhà ở cho các đối tượng yếu thế (người thu nhập thấp, công nhân, người lao động trong khu công nghiệp). Đồng thời, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gắn với hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản.

Sau đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, vấn đề nhà ở xã hội cho người lao động trở nên nổi cộm. Các khu nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp (đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam) là nơi chịu tác động lớn nhất của đại dịch do tập trung đông người nhưng điều kiện không đảm bảo. Điều này đã ảnh hưởng không chỉ sức khoẻ, đời sống của người lao động, mà còn là một nguyên nhân lớn khiến sản xuất, kinh doanh tại khu công nghiệp khó khăn, chuỗi cung ứng sản xuất, lao động bị đứt gãy trong Covid-19.

Do đó, Bộ Xây dựng nhấn mạnh, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là giải pháp cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế.

Copy Link

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích