Làm mất 257 ha rừng thuê, Khu đô thị Nam Đà Lạt bồi thường gần 19 tỷ đồng
Làm mất 257 ha rừng thuê, Khu đô thị Nam Đà Lạt bồi thường gần 19 tỷ đồng
Dự án này từng bị Thanh tra Chính phủ yêu cầu chấm dứt hoạt động, thu hồi đất do quá trình kiểm tra, xác minh có vi phạm pháp luật đất đai và đầu tư. Sau đó, Thanh tra Chính phủ có thông báo kết luận sửa đổi.
Chỉ tính riêng 116,77 ha rừng thuê bị tiếp tục mất, số rừng tự nhiên là 84,14 ha, rừng trồng là 32,63 ha. Dự án này từng bị Thanh tra Chính phủ yêu cầu chấm dứt hoạt động, thu hồi đất do quá trình kiểm tra, xác minh có vi phạm pháp luật đất đai và đầu tư. Sau đó, Thanh tra Chính phủ có thông báo kết luận sửa đổi.
Ngày 28.10, thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, Sở này vừa có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến về một số nội dung liên quan dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (Khu đô thị Nam Đà Lạt).
Theo đó, Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê rừng để triển khai dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt với tổng diện tích 1.050,514 ha theo Quyết định số 953 ngày 22.4.2011. Đến nay Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã ký hợp đồng thuê rừng và nộp tiền thuê rừng đến năm 2020.
Liên quan việc chấp hành nghĩa vụ tài chính về bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng do để mất rừng, Sở cho biết Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã thống nhất với số liệu mất rừng theo Kết luận thanh tra số 2094 ngày 13.4.2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng, và đơn vị đã chấp hành nộp đủ số tiền bồi thường vào ngân sách nhà nước theo quy định.
Vì vậy, việc kiểm kê tài nguyên rừng để điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, điều chỉnh diện tích rừng được thuê có thể tiến hành song song với việc triển khai thực hiện dự án.
Đồng thời, Sở đề nghị Công ty Sài Gòn Đại Ninh phải cam kết và thống nhất nếu kết quả kiểm kê tài nguyên rừng trong lần kế tiếp lại bị mất rừng thì phải có trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, nếu được tiếp tục thực hiện dự án, Sở đề nghị Công ty Sài Gòn Đại Ninh cam kết phải khắc phục các tồn tại, hạn chế, sai phạm tại dự án, bao gồm:
Ký hợp đồng thuê rừng năm 2021 và nộp tiền thuê rừng theo quy định; Cam kết trồng rừng, trồng cây xanh trên diện tích đất trống và trên diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm;
Đối với diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm chưa giải tỏa thì phải lập phương án giải tỏa và báo cáo, đề nghị chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan hỗ trợ giải tỏa thu hồi đất và cam kết khôi phục rừng, sử dụng đất đúng mục đích theo quy định.
Khẩn trương xây dựng phương án quản lý rừng bền vững gửi Sở thẩm định, trình UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt và bố trí lực lượng bảo vệ rừng đủ mạnh để thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng tại dự án.
Trước đó, tại hai văn bản ngày 15.10.2021 và 30.9.2021 xác định giá trị tài nguyên rừng bị thiệt hại trong khu vực dự án để doanh nghiệp nộp tiền bồi thường theo quy định, và xác nhận số tiền bồi thường giá trị thiệt hại tài nguyên rừng mà Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã nộp vào ngân sách nhà nước, Sở Tài chính cho biết diện tích rừng bị mất của dự án là 257,05 ha. Trong đó:
Diện tích 140,279 ha được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định trữ lượng tại văn bản ngày 5.1.2016; Sở Tài chính tính toán và có quyết định ngày 2.3.2017 phê duyệt giá trị bồi thường tài nguyên rừng là 6.664.705.000 đồng; Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã nộp đủ.
Đối với diện tích 116,77 ha được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 25.2.2011 xác định trữ lượng 3.449,43 m3, Sở Tài chính đã phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán, xác định giá trị 12.102.129.704 đồng. Sau khi kiểm tra, đối chiếu với Kho bạc nhà nước tỉnh Lâm Đồng, Sở Tài chính xác nhận Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã nộp 12.102.130.000 đồng – là số tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng, vào ngân sách theo văn bản ngày 7.10.2021 của Sở Tài chính.
Theo Kết luận thanh tra số 2094 ngày 13.4.2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng, trong số 116,77 ha được xác định tổng trữ lượng lâm sản thiệt hại 3.449,43 m3 có:
Rừng tự nhiên là 84,14 ha (73,53 ha thuộc đất quy hoạch lâm nghiệp, đối tượng rừng sản xuất/trữ lượng thiệt hại là 2.919,93 m3; 10,61 ha thuộc đất quy hoạch ngoài 3 loại rừng/trữ lượng thiệt hại: 529,50 m3).
Rừng trồng là 32,63 ha, gồm rừng thông trồng cấp tuổi I (13,28 ha), rừng thông trồng cấp tuổi II (2,56 ha), rừng thông trồng cấp tuổi III (3,23 ha), rừng thông trồng cấp tuổi IV (1,26 ha), rừng thông trồng cấp tuổi V (10,12 ha), rừng trồng keo – thông câp tuổi I (0,06 ha); rừng trồng keo cấp tuổi I, II (2,12 ha).
Theo Quyết định số 1234 ngày 3.6.2011 của UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng dự án Khu đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (Khu đô thị Nam Đà Lạt), dự án triển khai tại xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan, huyện Đức Trọng. Với quy mô diện tích 3.445,89 ha. Trong đó:
Diện tích đất quy hoạch 432,49 ha, gồm: diện tích đất công trình công cộng, dịch vụ thương mại 1.767.592 m2, chiếm tỷ lệ 12,34%; Diện tích đất du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, bãi tắm nhân tạo 616.467m2, chiếm tỷ lệ 4,30%; Diện tích đất ở 2.084.486 m2, chiếm tỷ lệ 14,55%; Diện tích đất công viên, cây xanh, thể dục thể thao 2.649.558 m2, chiếm tỷ lệ 18,50%;
Diện tích đất đường đô thị và sân bãi đậu xe tập trung 1.010.347 m2, chiếm tỷ lệ 7,05%; Diện tích đất cây xanh cảnh quan ven hồ và đất rừng tự nhiên 6.196.450m2, chiếm tỷ lệ 43,26%. Diện tích mặt nước 2.013,4 ha.
Riêng phần diện tích chồng lấn giữa đất Công ty thủy điện Đại Ninh và đất cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh thuê, nếu có sẽ được điều chỉnh cục bộ phần diện tích này để đảm bảo cho việc vận hành và bảo vệ an toàn đập thủy điện Đại Ninh.
Diện tích quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất chuyên dùng và một phần sang đất ở của toàn dự án 2.546.518,2 m2, chiếm tỷ lệ 17,78%. Quy mô dân số của dự án là 13.171 cư dân lưu trú thường xuyên.
Mục tiêu dự án nhằm đầu tư xây dựng một khu dân cư – đô thị cao cấp, hiện đại, sinh thái; kết hợp các chức năng tham quan du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, dịch vụ tổng hợp, nghiên cứu học tập, trung tâm nuôi trồng đa dạng sinh học, bảo tồn phát triển diện tích rừng tự nhiên.
Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh từng nằm trong danh sách 3 dự án bị Thanh tra Chính phủ yêu cầu chấm dứt hoạt động, thu hồi đất tại Kết luận thanh tra số 1103 ngày 12.6.2020 do quá trình kiểm tra, xác minh có vi phạm pháp luật đất đai và đầu tư.
Tuy nhiên, sau đó Công ty Sài Gòn Đại Ninh có văn bản kiến nghị. Ngày 8.7.2021, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo kết luận sửa đổi một số nội dung. Theo đó, dự án không bị chấm dứt hoạt động, thu hồi đất. Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng căn cứ thẩm quyền, hướng dẫn Công ty Sài Gòn Đại Ninh thực hiện thủ tục giãn tiến độ, điều chỉnh dự án theo Luật Đầu tư năm 2014, gia hạn sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013, yêu cầu hoàn thành dự án theo đúng cam kết; khẩn trương triển khai đầu tư theo quy mô đã được phê duyệt.
Trường hợp Công ty vi phạm cam kết hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính thì chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi đất theo quy định.
Thông báo kết luận sửa đổi cũng yêu cầu rà soát, kiểm tra lại tính pháp lý của Quyết định số 2020 ngày 9.10.2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng để quyết định thu tiền sử dụng đất theo thẩm quyền; chỉ đạo rà soát, yêu cầu Công ty nộp thuế chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng dự án (nếu có) theo quy định.
Theo thông tin dự án đã công bố, thời điểm cấp phép 2011 bà Phan Thị Hoa là người đại diện theo pháp luật của Công ty Sài Gòn Đại Ninh, liên tục cho đến cuối tháng 1.2021, vai trò này được chuyển giao cho ông Nguyễn Cao Trí làm Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh. Việc chuyển giao diễn ra trước thời điểm Thanh tra Chính phủ có thông báo kết luận sửa đổi, rút lại yêu cầu chấm dứt hoạt động, thu hồi đất dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh.
TS. Nguyễn Cao Trí còn được biết đến là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Capella Holdings; Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn Lang (TP.HCM)…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị