Shipper cần tuân thủ điều gì để an toàn trong mùa dịch?

Shipper cần tuân thủ điều gì để an toàn trong mùa dịch?

Trong những ngày giãn cách xã hội, các shipper (người giao hàng) có thể chủ động phòng bệnh bằng một số nguyên tắc đơn giản.

Trước nhu cầu sử dụng dịch vụ giao hàng trực tuyến trong thời gian giãn cách xã hội của người dân, mới đây sở GTVT Hà Nội đã cấp mã xác nhận cho 14.270 xe, từ chối 275 xe do biển số không phải là môtô hai bánh, còn 663 xe chờ duyệt. 

Trước đó, ngày 29/7, Sở GTVT đã nhận được hơn 15.200 tài xế xe môtô hai bánh đăng ký vận chuyển hàng hóa. Trong số này, Sở Công Thương gửi danh sách 699 xe, Sở TT&TT gửi thông tin 14.484 xe. Các đơn vị đăng ký cho nhân viên phải quản lý và giám sát công tác phòng dịch và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lây nhiễm Covid-19.

Sở GTVT Hà Nội sẽ xác nhận thông tin phương tiện được phép hoạt động cho shipper qua tin nhắn điện thoại. Các shipper có thể chụp ảnh màn hình tin nhắn và xuất trình khi lực lượng chức năng kiểm tra. Các shipper được cấp phép sẽ vận chuyển hàng hóa thiết yếu, bưu phẩm, bưu chính của các siêu thị, sàn giao dịch thương mại.

Anh 3

Hà Nội cho phép hơn 14.000 shipper hoạt động trong mùa dịch

Sau khi áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, Hà Nội đã chú trọng vào việc quản lý và kiểm soát dịch vụ giao hàng trực tuyến. Nhiều người lo lắng và cho rằng những shipper này vô tình có thể trở thành nguồn lây bệnh ra cộng đồng.

Trước những lo lắng của người dân, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đã đưa ra một số lời khuyên dành cho các shipper hoạt động an toàn trong mùa dịch.

“Các shipper cần thực hiện giao, nhận hàng không tiếp xúc, cách xa người nhận hàng ít nhất 2 m, sử dụng thanh toán điện tử, làm sạch, khử khuẩn hàng hóa, phương tiện thường xuyên, thực hiện các biện pháp phòng ngừa như rửa tay thường xuyên, không chạm tay lên mặt; che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, luôn mang khẩu trang, không được đi làm khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, đồng thời phải đi khám bệnh ngay và khai báo trung thực tại cơ sở y tế.” – Bác sĩ Khanh cho biết.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các phương tiện truyền thông thường xuyên cập nhật thông tin về số ca mắc mới, phương pháp phòng tránh lây nhiễm virus, bản thân những shipper trong thực tế cũng thực hiện rất tốt và kỹ lưỡng yêu cầu về phòng dịch.

Bên cạnh đó, người dân khi nhận hàng cũng có tâm lý cẩn trọng, đảm bảo các biện pháp phòng tránh lây nhiễm cơ bản như đeo khẩu trang, kính chống giọt bắn hay giữ khoảng cách với shipper.

Anh 4

Các shipper phải tuân thủ nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế

“Với những yếu tố phòng bệnh được đảm bảo bởi cả người giao và nhận hàng, nguy cơ lây nhiễm trong trường hợp này là rất thấp”, bác sĩ Khanh khẳng định.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, một số tình huống dẫn đến sự lây lan virus vẫn có thể xảy ra đối với nhóm shipper.

“Trên thực tế, khu vực các shipper lấy hàng mới là nơi mang đến nguy cơ lây nhiễm cao. Nguyên nhân là tại những điểm này, người giao hàng thường tập trung đông đúc, các biện pháp phòng bệnh cũng không được quản lý sát sao. Lúc này, họ có thể lây nhiễm virus cho nhau, sau đó mang mầm bệnh về gia đình, người thân”, bác sĩ Khanh nói.

Việc quản lý chặt chẽ lực lượng giao hàng trong thời điểm này của nhiều tỉnh, thành phố có dịch là điều hợp lý. Tuy nhiên, phải đánh giá cụ thể về mức độ thiết yếu trong từng trường hợp để tránh ảnh hưởng tới cuộc sống, nhu cầu của người dân.

“Vấn đề chính trong việc quản lý là xác định rõ shipper nào hoạt động với mục đích phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Với các trường hợp không thiết yếu, quy định cho họ tạm dừng hoạt động là cần thiết. Trong khi đó, chúng ta cần đảm bảo những trường hợp còn lại tuân thủ nghiêm các quy định về phòng dịch”, ông giải thích.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cần có biện pháp kiểm soát và quản lý sát sao nơi ở, phòng trọ của những người này, qua đó đảm bảo không xảy ra tình huống xấu, shipper nhiễm virus và lây cho cộng đồng.

“Các địa phương cũng nên tuyên truyền, hướng dẫn cho họ kỹ càng, cụ thể về những việc phải làm trong quá trình giao hàng, sinh hoạt, ăn, uống khi làm việc… Đây là những điều rất thiết thực, giúp bảo vệ sức khỏe cho bản thân shipper, người nhận và gia đình”, bác sĩ Khanh cho hay.

Đối với người nhận hàng, nguyên tắc đầu tiên khi tiếp xúc với các shipper là đeo khẩu trang đúng cách, có thể sử dụng thêm kính chắn giọt bắn, xịt sát khuẩn tay, hàng hóa để đảm bảo an toàn hơn. Thậm chí, chúng ta cũng có thể chủ động nhắc nhở, không tới gần nếu người giao hàng không đeo khẩu trang.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Bạn cũng có thể thích