Vượt đại ngàn đưa “ống nghe” về bản cứu người
Gian nan hành trình tìm cái chữ
Trạm Y tế xã Nhôn Mai nằm bên sườn núi, thuộc khu vực trung tâm xã Nhôn Mai, nơi có Quốc lộ 16 vắt qua. Tiếp chúng tôi, Trạm trưởng Trạm y tế Và Bá Tủa tỏ thái độ khá e dè. Trạm là nơi khám, chữa bệnh cho đồng bào, dịch bệnh đang bùng phát ở nhiều nơi nên khi thấy người ở dưới xuôi lên bà con nơi đây rất thận trọng khi giao tiếp để phòng, chống dịch.
Sau “màn” khai báo y tế, Trạm trưởng Tủa mới thoải mái tiếp chúng tôi nơi phòng họp. Khi biết chúng tôi đã vượt hơn 250km lên với anh, để nghe anh kể về những chặng đường gian nan của đời mình trong hành trình đi tìm kiến thức y học về chữa bệnh cho dân bản.
Tranh thủ lúc rảnh tay, bác sĩ Và Bá Tủa cập nhật thông tin, kiến thức để phục vụ cho việc khám chữa bệnh. |
Sau thời gian chia sẻ những khó khăn trong công việc, cuộc sống của bà con, giọng của Bác sĩ như lắng lại khi ký ức của những tháng ngày vất vả đang lần về. Với chất giọng chậm đều của người Mông, anh nhớ lại.
Năm nay, Và Bá Tủa đã bước sang tuổi 50. Anh sinh ra ở bản Huồi Cọ nằm cheo leo trên đỉnh núi, muốn xuống trung tâm xã Nhôn Mai, Tủa phải băng rừng, men theo bờ suối hết 1 ngày đường mới xuống tới nơi. Anh là con thứ 3 trong một gia đình có 12 người con. Bố anh làm nghề thầy mo nổi tiếng trong vùng.
“Vất vả lắm, ngày ấy chưa có đường, đường về bản là lối mòn quanh co trong núi, ngổn ngang đá, rễ cây rừng. Tôi đi học cấp 1 phải đi bộ hết 1 ngày mới đến lớp. Mỗi tuần, cùng lắm chỉ dám đi về nhà một lần. Lên đến lớp 4, tôi phải ra thị trấn Hòa Bình để học, muốn đến trường phải đi bộ mất 3 ngày. Khi đi, phải mang theo nồi chảo và thức ăn nấu cơm để ăn”, anh Tủa chia sẻ.
Khó khăn là vậy, nhưng Và Bá Tủa vẫn quyết tâm theo học. Trong khi, 7 người bạn học cùng trang lứa đã lần lượt bỏ học để về làm rẫy, chỉ còn một mình Tủa hàng tuần vẫn băng rừng tìm chữ. Sau đó, Và Bá Tủa được chuyển xuống thành phố Vinh học Trường Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An cho đến khi học hết cấp 3.
Bản Huồi Cọ, nơi bác sĩ Tủa sinh ra và lớn lên. |
Bố của Tủa làm nghề thầy mo của bản. Y thuật của ông đã trở thành điểm tựa trong cứu chữa bệnh dân bản trong thời gian dài. Thế nhưng, như nhân duyên, chính ông lại là người đầu tiên khuyên Và Bá Tủa đi học ngành y để cứu người thay vì dùng y thuật lâu nay. Lời nói của ông trùng với ước ao lâu nay của cậu con trai.
Anh Tủa kể: “Bố tôi là thầy mo, chữa bệnh bằng cách cúng cầu xin. Thế nhưng, chính ông lại nói tôi đi học trung cấp y khoa để về chữa bệnh cho bản. Bởi vì ông thấy, có nhiều bệnh ông đã cố gắng nhưng không chữa được mà bộ đội biên phòng lại chữa khỏi. Từ đó, ông thay đổi dần nhìn nhận về cách chữa bệnh lâu nay mà dân bản đang duy trì”.
Năm 1991, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Và Bá Tủa theo học trường Trung cấp Y khoa tỉnh Nghệ An. 3 năm sau ra trường, Tủa về lại bản xưa để đem những gì đã học ở thành phố về khám, chữa bệnh cho bà con.
Năm 1997, Và Bá Tủa được bổ nhiệm làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nhôn Mai. Cũng từ đây, trách nhiệm và chuyên môn của anh ngày càng nặng nề hơn để từng bước thay đổi cách chữa bệnh lâu nay của bà con nơi đây.
Nhận thấy, chuyên môn của mình chưa đủ để cứu chữa cho đồng bào. Năm 2000, Và Bá Tủa tiếp tục xin theo học chuyên ngành bác sĩ đa khoa ở trường Đại học Y khoa Thái Bình. Sau 4 năm rưỡi theo học, anh trở lại trạm y tế với kiến thức về y khoa đầy đủ, chuyên sâu hơn. Anh trở thành niềm tin và tự hào của nhiều người Mông nơi đây. Từ đó, chuyên môn và y đức của Và Bá Tua đã trở thành hành trang trên chặng đường chăm sóc sức khỏe cho bà con vùng biên viễn.
Cứu người trong khốn khó
Trước năm 2015, khi Quốc lộ 16 chưa được thi công, nguồn nối xã Nhôn Mai đến với thế giới bên ngoài là đi thuyền theo dòng Nậm Nơn hoặc đi bộ 1 theo khe suối. Người dân phải mất nhiều ngày để ra đến thị trấn, dọc hành trình còn phải nấu ăn và xin ngủ nhờ.
Vì vậy, cuộc sống ở đây mọi thứ ở đây đều tự cung từ cấp. Những lúc ốm đau cấp cứu, bệnh nhân được cáng bằng võng đi cả ngày đường để xuống trạm y tế xã. Đến nơi, năng lượng bệnh nhân cũng không đủ để tiếp tục chặng đường nếu phải chuyển tuyến trên. Do đó, trạm y tế của bác sĩ Tủa cũng trở thành nơi thu dung để cứu chữa cho bà con và là nơi gieo mầm hi vọng cứu chữa cho những bệnh nhân vùng sơn cước.
Khi được hỏi về công việc cứu người, anh Tủa chỉ kể lại một số trường hợp được trong số rất nhiều người được anh cứu chữa giữa bủa vây của khốn khó.
Hàng năm, Trạm Y tế Nhôn Mai đón rất nhiều người dân đến thăm khám và điều trị. |
Anh Và Nhìa Sáu, 40 tuổi ở bản Xói Voi, nhiều năm, anh phải mang một khối u nặng gần 3kg, nằm ở cổ. Năm 2001, khi khối u bị áp xe, bệnh viện không dám phẫu thuật can thiệp vì khối u nằm sát động mạch cổ. Sau khi trở về, anh Sáu đến xin bác sĩ Tủa mổ cắt bỏ. Đứng trước lằn ranh của sống chết người bệnh, anh Tủa không còn sự lựa chọn nào khác nên đã mạnh dạn cắt bỏ khối u cho bệnh nhân này và anh đã thành công ngoài tưởng tượng. Một ca phẩu thuật không có quy trình lẫn kỹ thuật trợ giúp. Nghe anh kể mà chúng tôi thầm cảm phục.
Cũng trong năm đó, 1 thanh niên ở bản Huồi Cọ, trong quá trình đi săn không may bị súng cướp cò, đạn cướp đi phần lớn cánh tay, bị sốc vì mất máu nhiều. Anh Tủa đã khẩn trương ngược đường núi, đến ga rô mạch máu, tiến hành khâu bít, điều trị kháng sinh một thời gian sau bệnh nhân dần bình phục. Hiện nay, anh này vẫn đi được xe máy.
Ca cứu người khiến cho chúng tôi cảm động nhất là năm 2003, cũng tại bản Xói Voi có một phụ nữ sinh con tại nhà nhưng vượt cạn không thành. Thai phụ mất máu nhiều, không thể đưa đi cấp cứu. Sự việc xảy ra đã nhiều giờ nhưng mãi chồng thai phụ mới chạy đến trạm xá kêu cứu bác sĩ Tủa. Trạm trưởng lập tức đi bộ leo dốc, băng rừng để cứu người mẹ. Sau thời gian hơn 1 giờ, mọi việc được xử lý xong, thai phụ được cứu sống. Đến nay, người con của chị vẫn còn nhắc lại để ghi nhớ công của thầy thuốc Tủa.
Thầy thuốc của người nghèo
Người dân ở Nhôn Mai chủ yếu là người Mông, Thái, Khơ Mú. Do đường sá xa xôi nên Trạm Y tế xã từ lâu như đã trở thành “bệnh viện” của đồng bào nơi đây. Dường như, từ ngày có bác sĩ Và Bá Tủa làm việc, tiếng lành đồn xa khiến cho người dân ở các xã lân cận cũng tìm đến trạm xá.
Hiện, Trạm Y tế xã có 1 bác sĩ, 2 y sĩ, 1 y tá và 1 nữ hộ sinh. Trang thiết bị y tế nơi đây tạm đáp ứng đủ về chuyên môn của thầy thuốc. Hàng năm, trạm đón hàng ngàn lượt người dân đến thăm khám và điều trị.
Chăm sóc mẹ là Lương Thị Hường bị tai nạn giao thông được đưa vào Trạm Y tế xã Nhôn Mai, chị Huỳnh Thị Liền, ở bản Chà Lò, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương chia sẻ, mẹ chị bị tai nạn ở trên Quốc lộ 46, địa phận xã Mai Sơn, cách mấy chục ki lô mét, nhưng mọi người quen được khám chữa bệnh ở đây nên họ đưa bà đến trạm xá này. Ở đây, có thầy thuốc giỏi nên người nhà rất yên tâm.
Tiếng lành đồn xa, nhiều người dân ở các xã lân cận cũng tìm đến Trạm Y tế xã Nhôn Mai để khám bệnh. |
Bệnh nhân đến đây điều trị phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống khó khăn. Để cho người nhà có thêm điều kiện ở lại để chăm sóc bệnh nhân, Trạm y tế đã làm căn bếp nhỏ để họ nấu cơm. Nhiều người nhà ở xa, không có tiền, trạm xá còn vận động góp thực phẩm, củi gạo để nấu.
“Bệnh nhân là đồng bào mình, tiền không có. Có hộ vượt đường xa đến khi trong túi còn chưa đầy 100 ngàn. Điều trị xong, ngoài phần bảo hiểm thanh toán, những khoản phải trả, trạm xá cho bệnh nhân khó khăn ghi sổ để trả dần. Có người lên khám xong, yêu cầu chuyển lên tuyến trên nhưng không chịu đi mà đòi ở lại trạm xá điều trị nếu không thì về nhà không chữa. Cuối cùng, mình cũng chịu thua để họ điều trị tại nơi đây”, bác sĩ Tủa vui vẻ kể.
Khu vực trung tâm xã biên giới Nhôn Mai, nơi Quốc lộ 16 chạy qua. |
Ngoài cứu chữa điều trị cho nhân dân, các y, bác sĩ ở đây còn làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe ban đầu, tiêm chủng cho nhân dân, vận động phụ nữ không sinh con ở nhà,.. Sau nhiều đợt dịch Covid-19 bùng phát, xã lân cận phải áp dụng Chỉ thị 16, nhưng đến nay Nhôn Mai vẫn là “vùng xanh”.
Tạm biệt bác sĩ người Mông đáng kính, xe chúng tôi lăn bánh trên Quốc lộ 16, những lời nói của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nhôn Mai Lương Văn Thành như càng khiến hình ảnh của Và Bá Tủa đẹp hơn: “Bác sĩ Tủa là người con thân thiết của đồng bào các dân tộc nơi đây. Khi có ca bệnh cần cấp cứu, gọi bất cứ giờ nào anh đều có mặt, không kể đêm hôm, đường núi cheo leo, hiểm trở. Với chuyên môn tốt nên dù hoạt động trong điều kiện khó khăn về trang thiết bị nhưng bác sĩ Tủa vẫn cứu được nhiều người dù đã rơi vào tình trạng ngặt nghèo”.
Nguồn: Báo lao động thủ đô