Cần hậu kiểm về công tác từ thiện
Từ thiện hay còn gọi là hoạt động thiện nguyện bất kỳ quốc gia nào cũng có, chỉ khác nhau về phương thức hoạt động. Ở ta, hoạt động từ thiện là một trong những nghĩa cử cao đẹp thể hiện tinh thần tương thân, tương ái… Là quốc gia mà năm nào cũng phải gánh chịu thiên tai, bão lũ, nhất là khu vực miền Trung thì sự hiện diện nhanh chóng của các tổ chức, cá nhân nhằm giúp bà con sớm vượt qua khó khăn, nguy hiểm lúc gian nguy là vô cùng đáng trân quý.
Nhiều tổ chức, cá nhân thiện nguyện mang nhu yếu phẩm đến bà con ngay lúc thiên tai ập đến; nhiều tổ chức, cá nhân quyên góp tiền của giúp bà con “hậu thiên tai” đều là những nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tình đồng bào.
Để hoạt động từ thiện công khai, minh bạch cần làm tốt công tác hậu kiểm (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, vừa qua xung quanh câu chuyện từ thiện, một cá nhân đã liên tục live stream “tố” một số nghệ sĩ có hành vi “ăn chặn” tiền từ thiện đã làm nổi sóng dư luận. Những cá nhân làm từ thiện bị nêu tên cũng phản ứng rất nhanh bằng việc ra ngân hàng sao kê, cơ quan Công an cũng đã vào cuộc tiến hành điều tra.
Đúng, sai tới đâu sẽ được cơ quan chức năng làm sáng tỏ. Song từ câu chuyện làm từ thiện và xung quanh việc một số nghệ sĩ ra ngân hàng sao kê rồi tung lên mạng, “tung” lên truyền thông để chứng minh dòng tiền từ thiện của mình từng sử dụng… người viết cũng thấy có mấy vấn đề cần bàn. Thứ nhất, sao kê chỉ để chứng minh dòng tiền mà người làm từ thiện rút ra khỏi ngân hàng, còn cá nhân người đó sử dụng tiền từ thiện thế nào, mục đích gì thì “bản sao kê” không thể chứng minh được.
Với số lượng tiền nhỏ không nói, nhưng với số tiền huy động lên cả trăm tỷ đồng là cả một vấn đề. Có một luật sư từng nói với tác giả rằng, trong số mấy chục tỷ cá nhân huy động được từ việc làm từ thiện, nếu có chi một vài trăm triệu cho việc riêng thì ai có thể biết? Đặc biệt, việc thu- chi minh bạch, nhưng nếu chẳng may cá nhân “găm tiền”, chậm giải ngân để dùng tiền làm việc khác ví như buôn bất động sản, hay gửi lãi suất qua đêm thì cơ quan nào có thể kiểm tra? Và đó có phải là hành vi cấu thành tội phạm? Dẫu đây mới chỉ là giả thuyết, nhưng chính là “lỗ hỗng” rất lớn trong vấn đề hậu kiểm dòng tiền từ thiện.
Liên quan đến hoạt động từ thiện, trước đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Qua 13 năm triển khai, một số điểm của Nghị định 64 không còn phù hợp, chưa theo kịp được dòng chảy của cuộc sống; đặc biệt liên quan đến khâu quản lý “hậu” dòng tiền từ thiện mà tổ chức, cá nhân huy động từ cộng đồng. Chính vì thế, để khắc phục những bất cập của Nghị định số 64, hiện Bộ Tài chính đang tiến hành soạn thảo Nghị định thay thế nhằm quản lý chặt chẽ, minh bạch hơn trong hoạt động từ thiện.
Hy vọng khi có Nghị định mới cũng như hoàn thiện khung pháp lý trong hoạt động từ thiện sẽ không còn xảy ra những “lùm xùm” liên quan đến hoạt động từ thiện, hoặc gian lận, trục lợi thông qua hình thức từ thiện (nếu có). Sẽ trả hoạt động thiện nguyện về môi trường trong sáng, nhân văn, minh bạch, để hoạt động từ thiện đúng bản ngã của nó. Từ thiện vì những cộng đồng khó khăn, thể thiện tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”!
Nguồn: Báo lao động thủ đô