Thành lập Tổ công tác Tiền phương đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho các tỉnh phía Nam
(TN&MT) – Ngày 17/7, Bộ Công Thương ban hành quyết định số 1808/QĐ-BCT thành lập Tổ công tác Tiền phương về đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Trước yêu cầu cung ứng đủ hàng hoá thiết yếu, đảm bảo cuộc sống của người dân tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã quyết định thành lập Tổ công tác Tiền phương về đảm bảo hàng hoá thiết yếu cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Theo đó, Tổ công tác gồm 27 thành viên do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Thành Nam làm Tổ trưởng. Các tổ viên gồm đại diện lãnh đạo và công chức các đơn vị Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Công thương địa phương, Cục Công tác phía Nam, Cục Xúc tiến Thương mại và Báo Công Thương.
Ngay trong chiều 17/7, Tổ công tác Tiền phương đã có mặt tại TP. Hồ Chí Minh để làm nhiệm vụ thường trực tại khu vực phía Nam |
Ngay trong chiều nay (17/7), Tổ công tác đã có mặt tại TP. Hồ Chí Minh để làm nhiệm vụ thường trực tại khu vực phía Nam, theo dõi sát, nắm bắt nhu cầu hàng hoá thiết yếu của người dân tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Đồng thời, kiểm soát tình hình giá cả thị trường, xử lý các trường hợp đầu cơ tăng giá trục lợi, tham mưu, thực hiện các biện pháp để giải quyết, đảm bảo cung ứng hàng hoá cho các tỉnh phía Nam.
Đặc biệt, Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng khuyến cáo TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam giải pháp cho mở cửa lại hệ thống chợ truyền thống với 3 điều kiện gồm: chỉ bán hàng hóa thiết yếu như rau củ quả và hàng hóa tươi sống phục vụ đời sống hằng ngày của người dân; thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch để đảm bảo an toàn như 5K, phát phiếu luân phiên, đảm bảo giãn cách giữa các gian hàng… và thực hiện tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho tiểu thương tại các chợ truyền thống.
Trước đó, Bộ Công thương đã thành lập Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải làm trưởng ban, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đề nghị các bộ ngành tập trung tháo gỡ khó khăn trong phân phối, lưu thông hàng hóa, kết hợp với các đơn vị để điều phối cung ứng hàng, tổ chức thêm các điểm bán lưu động…