40 địa phương trên cả nước đang triển khai đề án phát triển đô thị thông minh
Theo thông tin từ Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam-ASOCIO 2021 sẽ diễn ra trong 5 ngày từ 2-6/11/2021. Chương trình được VINASA phối hợp với tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á-Châu Đại Dương (ASOCIO) tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Với chủ đề Thành phố thông minh trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam quốc tế, ASOCIO 2021 đặc biệt nhấn mạnh các xu hướng công nghệ hiện đại được ứng dụng trong lĩnh vực smartcity hiện nay, với 5 phiên chuyên đề trong 5 ngày.
Với tổng cộng 14 phiên hội thảo, hội nghị sẽ chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cũng như thảo luận hướng tới mục tiêu lan tỏa sức mạnh công nghệ, nâng tầm chất lượng cuộc sống của người dân trong các khu đô thị, thành phố thông minh. Bên cạnh các hội thảo, chương trình còn có các gian hàng triển lãm trực tuyến.
Theo báo cáo của Mordor Intelligence, tổng giá trị của thị trường thành phố thông minh trên toàn cầu đạt xấp xỉ 739,78 tỷ USD trong năm 2020 và dự kiến chạm mốc 2036,10 tỷ USD vào cuối năm 2026, tỉ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) được dự kiến đạt mức trung bình 18,22%.
Từ tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển Đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 950). Hiện cả nước đang có gần 40 địa phương bắt tay vào xây dựng và phê duyệt các đề án, định hướng phát triển đô thị thông minh, trong đó có những cái tên nổi bật như Đà Nẵng, Bình Dương hay Thừa Thiên-Huế…
Hiện cả nước đang có gần 40 địa phương bắt tay vào xây dựng và phê duyệt các đề án, định hướng phát triển đô thị thông minh. Ảnh minh họa
Việt Nam hội tụ nhiều cơ hội để phát triển thành phố thông minh nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, theo thông tin từ Bộ Xây dựng, hạ tầng giao thông và đô thị của Việt Nam trong khoảng 20 năm gần đây đã được đầu tư khá nhiều nhưng so với các nước trong khu vực vẫn chưa xứng tầm quy mô, vẫn cần thêm nhiều sự đầu tư về mặt tài chính, công nghệ, năng lực từ các bộ ban ngành.
Bên cạnh đó, việc học hỏi áp dụng công nghệ trụ cột mới như Trí tuệ nhân tạo (Al), Internet vạn vật (IoT), Xử lý dữ liệu lớn (Big Data), Công nghệ mạng 5G… cũng cần được đẩy mạnh với nền kinh tế đang phát triển và cơ cấu dân số trẻ, lực lượng kỹ sư công nghệ tài năng…
Liên quan tới vấn đề trên, ở góc độ cơ quan được Chính phủ giao xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia phục vụ phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Minh Hiệp cho biết, trong khuôn khổ APEC SOM 3 năm 2017 tại TP.HCM, với vai trò là Chủ tịch Tiểu ban về tiêu chuẩn và hợp chuẩn (SCSC), Bộ KH&CN đã tổ chức diễn đàn về đô thị thông minh, đây là cơ hội để các nền kinh tế cùng nhau chia sẻ, nắm bắt thông tin cập nhật về định hướng phát triển tiêu chuẩn về đô thị thông minh từ các nền kinh tế APEC.
“Bộ KH&CN mà cụ thể là Tổng cục từ 2016 đã triển khai nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn về đô thị thông minh. Đến nay, hệ thống TCVN phục vụ cho phát triển đô thị thông minh đã được hình thành và đang lấy ý kiến đóng góp các bộ ngành và chuyên gia”, ông Hiệp cho biết.
Trong bối cảnh sắp tới, ông Hiệp nhận định Việt Nam sẽ triển khai đô thị thông minh một cách toàn diện ở các ngành, lĩnh vực. Do đó, Bộ KH&CN sẽ xây dựng bộ tiêu chuẩn khung về đô thị thông minh sau đó có kế hoạch cụ thể để các bộ ngành xây dựng tiêu chuẩn về các lĩnh vực, sản phẩm, dịch vụ về đô thị thông minh như chiếu sáng thông minh, giao thông thông minh…
“Mặc dù Việt Nam có cơ hội học tập kinh nghiệm từ các nước đã xây dựng tiêu chuẩn cũng như triển khai áp dụng và đánh giá tiêu chuẩn, song đây là lĩnh vực mới, lại áp dụng nhiều thành tựu, sản phẩm công nghệ mới để quản lý thân thiện, hiệu quả hơn nên phải có sự tham gia của khoa học, công nghệ và đội ngũ chuyên gia”, ông Hiệp nói.
Ông Phùng Mạnh Trường, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cho biết thêm, từ năm 1962 đến 2018, đã có gần 20.000 TCVN (tiêu chuẩn Việt Nam) được công bố, riêng năm 2018 có khoảng trên 800 TCVN.
Theo ông Trường, có nhiều TCVN liên quan đến đô thị thông minh và bền vững trong một số lĩnh vực: môi trường, chất thải, công trình xây dựng, hệ thống quản lý, công nghệ thông tin và truyền thông, nước sinh hoạt, năng lượng, điện, an toàn, giao thông, mã số mã vạch, nhận dạng dữ liệu tự động, trao đổi dữ liệu… Các TCVN khung về đô thị thông minh sẽ được xem là cơ sở nền tảng thực hiện Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 định hướng đến năm 2030 của Việt Nam.
Bảo An (T/h)